23/12/2024

Khi cô đưa bé về miền cổ tích…

Có một cô giáo mầm non vùng sâu, vùng xa áp dụng phương pháp dạy độc đáo: đó là cho trẻ hoá thân thành nhân vật trong truyện cổ tích để tạo ra không khí học tập sôi nổi, thoải mái, từ đó giáo dục nhân cách trẻ.

  

Khi cô đưa bé về miền cổ tích…

Có một cô giáo mầm non vùng sâu, vùng xa áp dụng phương pháp dạy độc đáo: đó là cho trẻ hoá thân thành nhân vật trong truyện cổ tích để tạo ra không khí học tập sôi nổi, thoải mái, từ đó giáo dục nhân cách trẻ.

 

Khi cô đưa bé về miền cổ tích...
Cô Quyên cùng các bé tham gia một vở diễn từ truyện cổ tích – Ảnh: M.Tâm

Cô giáo ấy là cô Huỳnh Thị Kiều Quyên, giáo viên Trường mẫu giáo Xuân Đông, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Tại lớp lá, cô Quyên đang điều khiển rối que kể câu chuyện cổ tích Quả bầu tiên. Tiếp theo, cô chia lớp thành bốn nhóm tương ứng với bốn tuyến nhân vật. Nhóm vào vai nào sẽ đội mũ hình nhân vật đó: cậu bé, chó sói, chim én, ông lão nhà giàu…

Dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của cô Quyên, các bé bắt đầu diễn. Chẳng hạn đến đoạn sói vồ én, cô gợi ý: “Chú bé cứu én đi”, vậy là hàng loạt cậu bé lao ra đuổi sói, rồi nắm tay dìu én về nhà. Hoặc đến đoạn én di cư tránh rét, cô dẫn dắt: “Én ơi, bay đi, cậu bé vẫy tay chào én đi”, thế là nhóm én quyến luyến bay lượn từng vòng chia tay các cậu bé để di cư tránh rét…

Lồng vào đó, cô Quyên còn mở những bài nhạc, tiết tấu khi thì dập dìu, du dương, khi thì rộn rã, hào hứng để các bé múa hát… khiến câu chuyện càng thêm hấp dẫn, sôi động hơn…

Kết thúc vở diễn, cô ôn lại bằng hàng loạt câu hỏi: Con thích ai nhất? Hoặc ghét ai nhất? Vì sao? Kể lại một việc con đã làm tốt trong nhà cho cô nghe!… Các bé đều trả lời lưu loát, rành rẽ các câu hỏi.

Chuyện cho các bé hoá thân thành nhân vật trong truyện cổ tích đã được cô Quyên thực hiện từ rất lâu. Bởi theo cô, giáo dục lứa tuổi mầm non, nếu học qua hình ảnh cụ thể, trải nghiệm hoá thân thành nhân vật, bé sẽ nhớ bài lâu hơn. Cô Quyên tâm sự: “Với cách học này những bé thụ động cũng buộc phải tham gia, chứ không “ẩn” vào đám đông được…”.

Bài giảng đầu tiên cô cho trẻ hoá thân thành nhân vật chính là truyện cổ tíchSự tích hoa hồng. Khi cô chia lớp ra thành bốn nhóm gồm nàng tiên, thần mặt trời, nữ thần mặt trăng, hoa hồng, trẻ nào cũng được đóng vai nên cả lớp hồ hởi diễn, buổi học trở nên nhẹ nhàng, đầy sôi nổi và hào hứng. Từ thành công của lần giảng đó, cô Quyên bắt đầu mạnh dạn áp dụng cho những lần kế tiếp…

Cứ vậy, cô đã đưa trẻ vào miền cổ tích với nhiều cảm xúc, để từ đấy giáo dục trẻ lòng nhân ái, sự hiếu thảo, tính trung thực, dũng cảm…

Học sinh của cô lớn lên theo từng vai hoá thân. Chẳng hạn như truyện cổ tích Ba cô gái, có bé xúc động trước cảnh người mẹ bệnh nên khi diễn nhập vai, nói chuyện với nhân vật mẹ rất dịu dàng nhỏ nhẹ, có bé khóc không nói được. Có bé còn rất ghét và tức giận trước sự bất hiếu của hai cô con gái lớn…

Rồi như truyện Ai đáng khen hơn ai, sau buổi học, các bé biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau như nhân vật thỏ anh trong truyện. Bé hiểu làm việc tốt không phải chỉ để khen, mà chính mình sẽ cảm nhận được niềm vui vì giúp ích người khác…

Cô Quyên xoay đều, nếu hôm nay tổ này đóng vai chính diện trong câu chuyện cổ tích này, thì lần sau sẽ đóng vai phản diện trong câu chuyện khác, để các bé có thể nắm rõ tính cách của nhiều loại nhân vật khác nhau. Qua đó, cô uốn nắn cho các bé phát triển những đức tính tốt, giảm những tính xấu.

Chẳng hạn với bé nhút nhát, thiếu tự tin, cô sẽ uyển chuyển cho đóng nhiều vai những nhân vật can đảm, mưu trí, bản lĩnh như dê đen, mặt trời… Với bé thích đóng vai kẻ mạnh đi chọc ghẹo kẻ yếu để thể hiện ưu điểm sức vóc của mình, như có bé khoái vai sói trong Dê đen và dê trắng, cô đồng ý cho diễn.

Tuy nhiên khi trẻ diễn xong, cô dạy trẻ biết rằng nếu ỷ thế, dùng sức mạnh đi ức hiếp, đánh người khác thì sẽ bị ghét, thiệt thân về sau. Lần sau, cô phân cho bé diễn vai nhân vật tốt bụng dùng sức mạnh giúp đỡ mọi người và được mọi người yêu quý.

Rồi đến khi bé hoá thân thành thỏ bị cọp ức hiếp, cô khéo léo giảng chung cho cả lớp: “Các con thấy đấy, nếu con bị người khác ức hiếp, cảm giác các con như thế nào? Vì vậy đừng nên dùng sức mạnh bắt nạt người khác”. Cứ vậy mỗi câu chuyện, cô lồng vào bài học triết lý, giá trị sống rất nhẹ nhàng, tinh tế…

Cô Quyên chia sẻ: “Ngoài những hiệu quả trên, phương pháp này còn nhắm đến việc phát triển những kỹ năng khác của trẻ: ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng quan sát, ghi nhớ, hát và vận động vui tươi các bài hát, đọc vè, đồng dao, hoạt động thể chất…”.

Và với cách giáo dục lấy bé làm trung tâm cho tiết dạy, cô Quyên còn để các bé chung tay thực hiện các công đoạn để xây dựng vở diễn. Chẳng hạn khâu làm đồ dùng, cô cùng các bé cắt dán tô màu mũ nhân vật, rồi làm những phụ kiện cho trò chơi như cho bé lấy giấy quấn hoa hồng, làm ngôi sao, con bướm…

Bà Mai Thị Thơ – hiệu trưởng Trường mẫu giáo Xuân Đông – chia sẻ: “Cô Quyên là giáo viên giỏi của trường, đạt nhiều thành tích trong ngành. Đặc biệt, cô Quyên được nhận giải “Phụ nữ sáng tạo” do Bộ GD-ĐT trao tặng. Riêng phương pháp đưa trẻ vào thế giới cổ tích bằng cách hoá thân thành nhân vật trong truyện đã mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy như phát triển ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, thể chất… cho trẻ. Do đó phương pháp này được nhân rộng khắp trường…”.