24/01/2025

Loại hộp nhựa nào dùng được nhiều lần?

Nhiều người dùng có 
thói quen sử dụng lại các loại hộp đựng thực phẩm nhưng lại không biết về các ký hiệu dưới đáy hộp nhựa có cho phép tái sử dụng không.

 

Loại hộp nhựa nào dùng được nhiều lần? 

 

Nhiều người dùng có 
thói quen sử dụng lại các loại hộp đựng thực phẩm nhưng lại không biết về các ký hiệu dưới đáy hộp nhựa có cho phép tái sử dụng không.

 

 

 

 

Loại hộp nhựa nào dùng được nhiều lần? 
Nhiều loại hộp nhựa được tận dụng dùng lại mà người sử dụng không biết đó là loại dùng một lần hay nhiều lần – Ảnh: Châu Anh
“Có thể an tâm khi chai nước, vật dụng của bạn có mã ký hiệu số 2 HDPE và số 5 PP. Còn các loại hộp nhựa mã số 3 PVC hay 3 V, cũng như nhựa mã số 7 PC là loại tệ nhất, có lời khuyên nên tránh xa chúng, vì có thể chứa các phụ gia rất độc hại

Hiện nay có nhiều loại bao bì nhựa dẻo chủ yếu là các hoá chất cao phân tử (polymer). Các bao bì nhựa dẻo này được phân loại về mức độ an toàn, phạm vi sử dụng theo mã và mã đó được ghi ở phía dưới đáy chai đựng nước, hộp đựng thức ăn hoặc bên trên thân gần đáy chai, hộp để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng thích hợp.

Những loại bao bì nhựa nào có thể sử dụng lại?

Mã được đánh số từ 1 đến 7 và bao quanh con số là ký hiệu hình tam giác với các mũi tên, tức bên trong hình tam giác có một con số cụ thể, dưới đáy tam giác là các chữ viết tắt như PETE, PP, PS… Chúng ta cần dựa vào các ký hiệu dưới hộp/chai nhựa để biết đặc tính cũng như phạm vi sử dụng, có nên tái sử dụng hay không để không bị ảnh hưởng sức khoẻ. Các mã đó như sau:

Mã số 1: loại nhựa polyethylene terephthalate (viết tắt PETE hay PET).

Mã số 2: high-density polyethylene (HDPE).

Mã số 3: polyvinyl chloride (PVC), còn gọi nhựa vinyl (V).

Mã số 4: low-density polyethylene (LDPE).

Mã số 5: polypropylene (PP).

Mã số 6: polystyrene (PS).

Mã số 7: polycarbonate (PC) hay loại nhựa nào khác.

Trong các loại nhựa trên, chỉ có nhựa mã số 1 (PET hay PETE), mã số 2 (HDPE), mã số 5 (PP) là được dùng làm bao bì tiếp xúc với thực phẩm.

Tuy nhiên, nhựa số 1 PET hay PETE thường được chế tạo các chai nước uống và nước ngọt đóng chai chỉ đảm bảo chất lượng cho một lần sử dụng, tức không được tái sử dụng.

Còn nhựa số 2 HDPE, nhựa số 5 PP là lựa chọn tốt nhất cho bao bì tiếp xúc thực phẩm: nhựa số 2 HDPE là loại nhựa cứng được sử dụng để sản xuất bình sữa, chai đựng dầu ăn, kể cả đồ chơi và một số túi nhựa có thể tái sử dụng; còn nhựa số 5 PP thích hợp chế tạo hộp đựng thức ăn, màng bọc thực phẩm và cũng an toàn để người ta tái chế hay tái sử dụng.

Có thể an tâm khi chai nước, vật dụng của bạn có mã ký 
hiệu số 2 HDPE và số 5 PP.

Còn nhựa mã số 6 PS cũng được làm vật đựng mút xốp như bao xốp, ly uống nước, cà phê dạng xốp hoặc hộp xốp đựng thức ăn chỉ sử dụng một lần, tức không tái sử dụng.

Riêng nhựa mã số 3 PVC hay 3 V, cũng như nhựa mã số 7 PC là loại tệ nhất, có lời khuyên nên tránh xa chúng vì chúng có thể chứa các phụ gia rất độc hại.

Các phụ gia độc hại 
có trong bao bì nhựa

Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì nhựa, người ta thường phải thêm chất hoá dẻo (plasticizer), là các hoá chất thuộc nhóm gọi là các “dẫn chất phtalat” như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), diethylhexyl phtalat (DEHP)…

Các dẫn chất phtalat này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm, nhưng có thể được dùng làm chất hoá dẻo cho các bao bì nhựa dẻo.

Nếu bao bì đó đựng thực phẩm và trong quá trình sử dụng chế biến đun nóng ở nhiệt cao, các dẫn chất phtalat bị thôi nhiễm vào thực phẩm và theo đường tiêu hoá vào trong cơ thể con người sẽ gây hại.

Tác hại của các dẫn chất phtalat vào trong cơ thể gây hại nhiều mặt nhưng hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết. Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi.

Loại phụ gia thứ hai có trong bao bì nhựa là bisphenol-A (BPA), được tráng bên trong đồ nhựa nhằm bảo quản, chống thấm và chống ăn mòn. Nhựa PC (polycarbonate) thường chứa BPA.

Chất này có thể thôi nhiễm khi bao bì được đun nóng hoặc tiếp xúc với thức ăn uống có tính acid, hoặc được làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh. BPA gây rối loạn hệ nội tiết, từ đó gây xáo trộn nghiêm trọng đến sự sinh sản và tăng trưởng, làm rối loạn chức năng thần kinh, 
có thể gây ung thư…

Tránh nhiễm độc khi dùng hộp nhựa

Đây là vấn đề cần được phối hợp từ nhiều phía, từ cơ quan chức năng và cả ý thức của người tiêu dùng.

Cụ thể, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải xem việc cảnh giác, phát hiện và không cho sử dụng các loại bao bì nhựa gây độc hại là việc tối cần thiết.

Còn người dùng rất nên cẩn thận trong việc chọn lựa sử dụng bao bì nhựa dẻo như đã kể vì có thể dùng nhầm loại không thích hợp, tái sử dụng loại dùng chỉ một lần, hoặc dùng loại chứa các dẫn chất phtalat hay 
BPA gây độc hại.

Không nên chế biến thức ăn quá nóng hoặc để vào lò vi ba trong các tô chén, bao bì bằng nhựa mà nên thay bằng vật đựng bằng thủy tinh, sành sứ (nhiệt độ quá nóng các phtalat, BPA dễ thôi ra thực phẩm).

Có thể thay các chai, hũ nhựa bằng chai lọ thuỷ tinh để chứa nước mắm, tương chao, dầu ăn hoặc thực phẩm nước.

Không cho trẻ con chơi các đồ chơi bằng nhựa khi trẻ hay mút tay hoặc ngậm đồ chơi vào miệng. Có thể dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì bằng nhựa, plastic là tốt hơn – xét về vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Bên cạnh đó, báo chí cần truyền thông mạnh hơn về những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất cần thiết là không dùng bọc nilông đựng thức ăn nóng hoặc bỏ hộp nhựa vào lò vi sóng. Một số bệnh viện đã bắt đầu khuyến cáo người nhà bệnh nhân không dùng bọc nilông để đi nhận canh từ thiện còn bốc khói nghi ngút.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)