Việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội gây xôn xao dư luận, một lần nữa lại rộ lên mối băn khoăn lâu nay: Thế nào là một đề tài xứng tầm luận án tiến sĩ?
Không thể ‘bình dân hoá’ luận án tiến sĩ
Việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội gây xôn xao dư luận, một lần nữa lại rộ lên mối băn khoăn lâu nay: Thế nào là một đề tài xứng tầm luận án tiến sĩ?
Theo các nhà khoa học, đây phải là một sản phẩm khoa học có những chuẩn mực nhất định chứ không “bình dân hoá” như một số đề tài gây tranh cãi trong dư luận vừa qua.
Đưa ra cái mới
Những công bố trên tạp chí khoa học quốc tế chính là sự kiểm chứng khách quan của quốc tế về chất lượng một luận án tiến sĩ. Đây là một tiêu chí quan trọng
GS-TSKH Hoàng Kiếm
Theo PGS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, một đề tài xứng đáng là luận án tiến sĩ phải đưa ra được cái mới có ý nghĩa. Ví dụ trong nghiên cứu cơ bản, cái mới đó đôi khi là tiền đề cho các đề tài nghiên cứu tiếp theo hoặc đưa vào các công trình nghiên cứu khác có tính ứng dụng, còn các đề tài nghiên cứu ứng dụng thì cái mới có ý nghĩa ứng dụng trong thực tiễn. “Trong lĩnh vực khoa học xã hội, để xác định cái mới đúng tầm luận án tiến sĩ trong đề tài không phải dễ dàng, dù vấn đề thì không thiếu”, PGS Lộc nói.
Còn PGS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại cho rằng kể từ khi có xu hướng đào tạo tiến sĩ “đại trà” thì nguồn đề tài trở nên khan hiếm hơn, trong khi tiêu chí mới lại đầy định tính, do đó có hiện tượng gắn tên mới cho sản phẩm cũ nên “mới” nhiều khi là cách diễn đạt khác đi một nội dung cũ. “Có xu hướng lựa chọn đề tài an toàn, mà trong khoa học xã hội thì để an toàn thường người ta phải né tránh cái mới. Vì thế mà nhiều đề tài dễ dãi, không thú vị, vô thưởng vô phạt. Những đề tài như thế không sai nhưng cũng khó mà đạt được chuẩn mực là có đóng góp cho khoa học như giới hàn lâm yêu cầu”, PGS Bình giải thích.
Theo GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, ĐH Quốc gia TP.HCM, luận án tiến sĩ phải đảm bảo các tiêu chí mang lại sự mới mẻ và sáng tạo, có thể về lý thuyết hoặc đề xuất giải pháp mới giải quyết vấn đề khoa học công nghệ, kinh tế xã hội. Khác với luận văn thạc sĩ, tiến sĩ yêu cầu cái mới với mức độ khái quát hóa và chuyên sâu, với tác động phạm vi rộng hơn. Ngoài kết quả nghiên cứu, luận án tiến sĩ còn phải đóng góp phương pháp luận nghiên cứu, giúp cộng đồng vận dụng phương pháp đó để giải quyết các vấn đề khác.
Có tính học thuật
Câu chuyện tầm vóc đề tài tiến sĩ đã từng được nhiều nhà khoa học VN ở nước ngoài cảnh báo từ cách đây nhiều năm, khi dư luận bàn tán xôn xao quanh những đề tài tiến sĩ kiểu như “Nhận thức của sinh viên sư phạm về sức khỏe sinh sản” hoặc “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía bắc”.
Khi ấy GS Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, từng khuyến cáo “cần chú ý tránh các đề tài nghiên cứu tuy có thể tìm ra những hiểu biết mới nào đấy (theo nghĩa chưa ai biết) nhưng rất đáng băn khoăn về ý nghĩa”.
Còn GS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản) từng có nhiều bài viết gửi Bộ GD-ĐT báo động về tình trạng đào tạo tiến sĩ, đặc biệt trong các chuyên ngành kinh tế. Theo GS Thọ, luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế kiểu như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa 3 vụ. Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật, triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Quan trọng nhất là luận án phải có tính “độc sáng” (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.
PGS Lê Bảo Long, Viện Khoa học quốc gia thuộc ĐH Quebec (Canada), cho biết những tranh luận về tầm vóc của các đề tài nghiên cứu thường “vô tiền khoáng hậu” ngay cả trong giới hàn lâm quốc tế nhưng có một điều hiển nhiên là các kết quả khoa học tốt thường là các khám phá ra các quy luật có tính phổ quát. “Các vấn đề nghiên cứu, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ, khi được “bình dân hóa” quá mức để phù hợp với tình hình và hoàn cảnh của VN (kiểu như giao tiếp của người dân với chủ tịch phường/xã) thì sẽ khó dẫn tới quy luật phổ quát giúp các công trình khoa học có giá trị”, PGS Long nói.
GS Trần Đình Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng trong lĩnh vực khoa học xã hội, một luận án tiến sĩ tốt thì ngay trong tên gọi đề tài phải xác lập được khái niệm và phạm trù của vấn đề nghiên cứu.
Có công bố khoa học quốc tế
Theo GS-TS Võ Văn Tới, Trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, tiêu chí quan trọng của một luận án tiến sĩ chất lượng là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Bài báo quốc tế này chứng tỏ nghiên cứu có giá trị và đó cũng chính là chất lượng của luận án tiến sĩ. Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nói: “Tên đề tài của luận án tiến sĩ cũng có thể đánh giá phần nào chất lượng nghiên cứu và khiến người đọc có thể đặt hoài nghi về đề tài. Đánh giá một luận án sẽ trên một số phương diện: vấn đề nghiên cứu, đóng góp vào tri thức nhân loại của luận án, phương pháp nghiên cứu, kết quả. Tuy nhiên còn một thang đo nữa là bài báo khoa học được phản biện kín và cho xuất bản ở các tạp chí chuyên ngành. Nghiên cứu được xuất bản trên báo uy tín thì đó là luận án tốt”.
Tiến sĩ Lê Trung Chơn, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: “Luận án tiến sĩ là một công trình khoa học sáng tạo, điểm mới của nó phải được thể hiện qua những công bố khoa học mang tính quốc tế. Riêng với nghiên cứu về công nghệ, đề tài còn phải đưa ra giải pháp công nghệ mới được kiểm định bởi thực nghiệm, và cao hơn phải có bản quyền sở hữu trí tuệ”.
Về vấn đề này, GS-TSKH Hoàng Kiếm nhấn mạnh: “Những công bố trên tạp chí khoa học quốc tế chính là sự kiểm chứng khách quan của quốc tế về chất lượng một luận án tiến sĩ. Đây là một tiêu chí quan trọng”.
Ý KIẾN
Có tính lý luận, cập nhật cái mới
Một đề tài cấp tiến sĩ phải có tính lý luận, cập nhật được lý thuyết mới, phương pháp nghiên cứu mới. Đề tài đó cũng cần có tính thực tiễn, tức là góp phần giải quyết được những vấn đề của đời sống. Tuy nhiên, một đề tài xứng tầm luận án tiến sĩ không nhất thiết phải to tát, lớn lao mà có thể đi vào những vấn đề chuyên sâu rất hẹp. Để đánh giá được đúng, phải có đủ hiểu biết về chuyên ngành
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Được quốc tế nhìn nhận, đánh giá
Ở nước ngoài, một đề tài tiến sĩ ngoài yếu tố mới thì phải được quốc tế nhìn nhận, đánh giá. Nghĩa là phải được công bố trên tạp chí chuyên ngành có tính quốc tế. Trong khi ở VN đa số những đơn vị đào tạo tiến sĩ đều chỉ yêu cầu công bố đề tài trên các tạp chí khoa học trong nước. Vì lẽ đó, tiến sĩ ở nước ngoài có thể đến VN làm việc nhưng tiến sĩ ở VN ra nước ngoài không được công nhận nếu không theo tiêu chí chung của quốc tế”.
PGS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)
Mang đến sự tiến bộ nào đó
Luận án tiến sĩ phải mang đến sự tiến bộ nào đó. Nghiên cứu đó cũng không nhất thiết phải được áp dụng thực tiễn mà đôi khi hoàn toàn lý thuyết nhưng cái mới này phải được chứng minh bằng những luận cứ hợp lý và không lỏng lẻo.
GS-TS Võ Văn Tới (Trường ĐH Quốc tế TP.HCM)
Không nhất thiết phải giải một “bài toán” thực tiễn
Một đề tài tiến sĩ không nhất thiết phải giải “bài toán” thực tiễn. Thường luận án tiến sĩ sẽ được đánh giá trên phương diện lý thuyết: nó có đóng góp gì mới cho tri thức nhân loại bằng việc nó lấp một khoảng trống lý thuyết nào đó mà giới nghiên cứu chưa giải quyết được. Sau đó mới tính đến có thể giúp giải bài toán thực tiễn nào. Việc giải các vấn đề cụ thể của thực tiễn là yêu cầu của các đề tài đặt hàng cho các nhà nghiên cứu.