25/12/2024

Sự nguy hiểm của vi nấm

Vi nấm là tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ qua bởi không có triệu chứng điển hình, ít gặp.

 

Sự nguy hiểm của vi nấm

Vi nấm là tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ qua bởi không có triệu chứng điển hình, ít gặp.




Sự nguy hiểm của vi nấm

Rửa tay sạch để tránh nhiễm vi nấm qua đường tiêu hoá – Ảnh: Shutterstock

Nguy cơ chẩn đoán nhầm
Một bé trai 3 tuổi (quê Nghệ An) vào Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) trong tình trạng viêm phổi suy hô hấp và nhiễm trùng toàn thân. Theo gia đình thì trước nhập viện khoảng 3 tháng, bé bị ho sốt, điều trị tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển lên một bệnh viện chuyên khoa về phổi tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau đợt điều trị dài ngày, bệnh diễn biến nặng, sốt cao, hạch nổi nhiều nơi (hai bên cổ, ổ bụng, trung thất), xuất huyết tiêu hoá… nên tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư.
Tại đây, với chẩn đoán từ nơi chuyển đến là “theo dõi lao toàn trạng”, lúc này bệnh đã rất nặng: bị tổn thương thần kinh gây co giật, giảm vận động một bên (phải); chụp MRI cho thấy hình ảnh bệnh nhi bị áp xe não, màng não, teo não lan toả. Bệnh nhi đồng thời cũng bị suy hô hấp, suy gan, suy thận, sốt cao; rối loạn đông máu, thiếu máu nặng. Trong khi kết quả cấy máu, chưa định vi khuẩn; xét nghiệm HIV âm tính.
Theo bác sĩ Phan Thị Huyền, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh nhi đã được sinh thiết hạch xét nghiệm mô bệnh học, và làm các xét nghiệm chuyên sâu, qua đó xác định tổn thương viêm hạch hoại tử do nấm Penicinium Marnffei (PM). Nhiễm nấm PM là nguyên nhân gây ra các tổn thương nặng, lan toả ở hệ thống hạch bạch huyết, các phủ tạng và hệ thần kinh trung ương. Chuyên gia cho biết, một số phương pháp nhuộm đặc biệt trong xét nghiệm giải phẫu bệnh (Grocott, Periodic acid Schiff – PAS) có thể phát hiện nhiễm nấm PM tồn tại trong mô bệnh phẩm. “Nhiễm nấm PM thường tìm thấy trên bệnh nhân có HIV, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ít tìm thấy trên bệnh nhân bình thường. Tuy nhiên, với bệnh nhi này đã tìm thấy nấm PM. Do được phát hiện muộn, bệnh nhi đã trong tình trạng rất nặng, điều trị khó khăn, để lại di chứng thần kinh, giảm vận động”, các chuyên gia tham gia xét nghiệm, chẩn đoán cho bệnh nhi đã nhận xét.
Nhiều cửa ngõ xâm nhập
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư từng tiếp nhận sản phụ được một bệnh viện sản khoa chuyển đến trong tình trạng bị nhiễm trùng, sốt rất cao. Chẩn đoán ban đầu các bác sĩ nghĩ nhiều đến nhiễm khuẩn, bởi nguy cơ này có thể xảy ra trong quá trình sinh nở, do những tổn thương gây chảy máu. Kháng sinh lập tức được chỉ định nhưng hầu như không có tác dụng. Đồng thời mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cũng nhanh chóng được chuyển đến Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Kết quả xét nghiệm đã tìm ra tác nhân gây bệnh là một loại nấm. Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Trưởng khoa Xét nghiệm, Phó giám đốc bệnh viện: “Kháng sinh được coi là vũ khí lợi hại diệt vi khuẩn, nhưng trong trường hợp này, bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng nấm. Nhờ phát hiện kịp thời nguyên nhân, bác sĩ điều trị đã có phác đồ phù hợp, bệnh nhân khỏi bệnh dù rất nặng”.
Chuyên gia lưu ý, vi nấm là một loại ký sinh trùng rất sẵn có trong tự nhiên như: đất, củi mục, cây cỏ, môi trường không khí hoặc ký sinh ở động vật, trên người. Có nhiều cửa ngõ khiến cơ thể chúng ta bị nhiễm vi nấm: nhiễm qua đường tiêu hoá (do ăn uống, vệ sinh bàn tay không sạch); qua hô hấp; qua da, niêm mạc; do vết xây xước, tổn thương trong quá trình làm thủ thuật tại các cơ sở y tế. Khi vào cơ thể, chúng có thể gây những bệnh như nhiễm trùng máu, viêm phổi, bệnh về tiêu hoá, làm tổn thương hệ thần kinh, da, niêm mạc…
“Nấm có thể gây bệnh rất nặng nhưng không có triệu chứng riêng. Bên cạnh khám lâm sàng, kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị, việc xét nghiệm chính xác kịp thời tác nhân gây bệnh đóng vai trò quan trọng cho cứu chữa ca bệnh thành công”, PGS-TS Nguyễn Vũ Trung chia sẻ.

 

Nam Sơn