Bao giờ được ăn cá biển?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần sớm trả lời cho người dân về nguyên nhân cá chết, để người dân ổn định cuộc sống, đi biển và bán được cá biển.
Bao giờ được ăn cá biển?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần sớm trả lời cho người dân về nguyên nhân cá chết, để người dân ổn định cuộc sống, đi biển và bán được cá biển.
Tại cuộc họp hôm qua 23.4, ông Tám nhìn nhận hiện tượng cá biển chết hàng loạt, trên phạm vi rộng, chủ yếu là cá sống ở tầng đáy là rất bất thường và “cơ quan chức năng vào cuộc hơi chậm vì đây là vấn đề mới”.
|
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, cho rằng chưa nên cho tàu thuyền nhỏ của ngư dân ra biển đánh bắt ven bờ lúc này. Cơ quan chuyên môn cần phân tích các độc tố trong cá để xác định mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người để thông báo cho người dân.
Chợ không có cá biển
Tại cuộc họp, ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, xác nhận hiện tượng cá chết xuất hiện tại địa phương này từ ngày 9.4 ở xã Quảng Đông giáp Hà Tĩnh, sau đó lan về phía nam. “Dù chưa thống kê được nhưng cá chết đã gây thiệt hại rất nặng nề. Các chợ ở Quảng Bình nhiều ngày nay hầu hết không có cá biển, có thì giá rất rẻ vì không ai mua, tàu cá phải nằm bờ khiến ngư dân rất lo lắng”, ông Du nói. Còn theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế Lê Trần Nguyên Hùng, “các bộ cần sớm công bố kết quả phân tích mẫu cá chết để khuyến cáo người dân”.
Trước nghi vấn của dư luận về việc cá biển chết có thể do chất thải công nghiệp từ khu công nghiệp Vũng Áng, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói chưa thể kết luận được điều gì. Hiện phải chờ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá và điều tra của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết đến chiều 23.4 việc điều tra truy tìm nguyên nhân khiến cá biển chết vẫn đang được tiến hành nhưng không loại trừ do nước thải của doanh nghiệp thải ra biển.
“Bộ TN-MT phối hợp với Bộ NN-PTNT đã lấy mẫu nước biển, mẫu cá chết để phân tích và hiện vẫn chưa đủ cứ liệu để kết luận tác nhân khiến cá chết hàng loạt”, ông Nhân nói.
Quá lúng túng trước thảm hoạ môi trường
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia đến từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho rằng cá chết trên diện rộng, trôi dạt vào bờ biển với mật độ dày trong thời gian tương đối dài, là một thảm hoạ môi trường. Qua thảm họa này đã bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý và giám sát môi trường.
Thứ nhất là cơ quan nhà nước chưa làm tròn vai trò của người lính gác về môi trường. “Sự đã rồi, tai hoạ đã ập đến rồi, người dân biết trước, nhà báo biết trước. Hàng triệu người dân sống nhờ vào biển, không dám ra biển, họ sống bằng gì, kiếm ăn bằng gì, chưa nói đến xuất khẩu và các vấn đề khác nữa, dư luận rất hoang mang. Chậm một ngày, dân khổ một ngày. Nhưng đã hơn 2 tuần mà cơ quan chức năng chưa biết nguyên nhân và có biện pháp hữu hiệu để khắc phục”, vị này nói.
Thứ hai, không phải cá đồng loạt chết ở vùng biển 4 tỉnh mà đầu tiên xuất hiện tại Hà Tĩnh rồi lan dần vào phía nam. Những người quản lý môi trường biển phải nắm chắc quy luật về dòng chảy gần bờ, việc hiện tượng cá chết hàng loạt lan từ Hà Tĩnh sang các tỉnh khác cho thấy nó xuất phát từ Hà Tĩnh.
Thứ ba, cơ quan hữu trách chưa thể khẳng định cá biển chết có liên quan đến đường ống xả thải của Formosa nhưng cũng chưa chỉ rõ được nguyên nhân của thảm hoạ môi trường này, đó cũng là tắc trách. “Nếu anh không tắc trách thì anh có thể cam kết ngay rằng, cái đường ống ấy nó theo kế hoạch, nó được cấp phép, được thanh tra liên tục, đảm bảo nó không thể vi phạm được mà cá chết là vì nguyên nhân khác. Cái nằm trong quyền giám sát của anh nhưng anh cũng không giám sát được, chưa có câu trả lời rõ ràng cho người dân yên tâm. Một việc đại sự như thế mà cơ quan quản lý nhà nước về môi trường lúng ta lúng túng thì thử hỏi ai không lúng túng?”, chuyên gia này nói.
Giải thích việc cho lắp đường ống ngầm không thuyết phục
Bên lề cuộc họp chiều qua, trả lời câu hỏi của báo chí vì sao không lắp đặt hệ thống ống xả thải nổi để dễ giám sát mà lại cho lắp đặt chìm sâu dưới biển, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân nói cho rằng nếu lắp trên cạn ống nước sẽ không chịu được áp lực của nước và trên thế giới “các nước vẫn cho lắp đặt chìm dưới biển”.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), khi trả lời PV Thanh Niên cho biết hiện các cơ quan chức năng của Bộ đang kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường của Formosa sau khi đã hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Sau bước kiểm tra này, Bộ mới có công nhận Formosa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải. “Họ được phép xả thải xuống biển 12.000 m3/ngày đêm chỉ là điều kiện cần, còn phải có điều kiện đủ là có được xác nhận hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Đủ 2 điều kiện này, Formosa mới được vận hành chính thức. Hiện Bộ TN-MT đang yêu cầu hoàn thiện bổ sung một số điểm cần thiết và Formosa đang thực hiện để được cấp giấy xác nhận hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành”, ông Tùng cho hay.
Nói về đường ống vươn dài 1,3 km, luồn sâu xuống lòng biển, ông Tùng giải thích “làm như vậy” để tránh xói lở bờ đê biển; đồng thời không gây ảnh hưởng đến nguồn nước lấy vào phục vụ cho dây chuyền sản xuất. “Ban đầu, Formosa dự kiến đổ thải ra sông Quyền. Nhưng sau họ xin điều chỉnh xả ra biển. Việc đặt đường ống sâu xuống lòng biển không làm khó khăn cho việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Vì nước thải trước khi được đưa vào đường ống đổ ra biển đã được quan trắc thường xuyên”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ, nói thẳng “thấy khó hiểu” khi cơ quan chức năng lại cấp phép cho đường ống luồn sâu xuống lòng biển. Theo ông, việc đặt đường ống như vậy không biết để che đậy điều gì. Công tác kiểm tra, quan trắc nước thải hay ngay như việc sửa chữa cũng khó khăn hơn rất nhiều. “Còn cho rằng, để tránh ảnh hưởng đến nguồn nước đầu vào phục vụ dây chuyền sản xuất thì rất mâu thuẫn do nước thải ra đã đạt tiêu chuẩn, có thể tái sử dụng. Hoặc nước thải sau dây chuyền làm nguội thép, khi được xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường đã nguội hơn nhiều, nếu còn nóng cũng sẽ nổi lên trên do nhẹ hơn nước lạnh. Do vậy, không ảnh hưởng gì đến nguồn nước đầu vào phục vụ dây chuyền sản xuất”, ông Tuấn nói.
Về hệ thống quan trắc nước thải trước khi đổ ra biển, ông Tuấn đánh giá, về lý thuyết là đúng. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu cố tình gian dối, doanh nghiệp bỏ qua khâu quan trắc này rất dễ dàng. Nguyên tắc của tất cả các ĐTM là phải công khai để lấy ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, ĐTM của khu Formosa chưa thấy được công khai cho người dân và giới khoa học góp ý, nhất là phần xả thải ra môi trường.
“Không biết họ đã được phép xả thải hay chưa”
Tại cuộc họp bàn giải pháp đối phó với hiện tượng cá biển chết hàng loạt tổ chức tại Hà Tĩnh chiều qua, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhìn nhận hệ thống ống xả ra biển Vũng Áng của Formosa được bộ này cấp phép thiết kế, lắp đặt. Ngày 16.7.2014, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu dự án Formosa) có văn bản đề nghị cấp phép xây dựng đường ống xả thải từ nhà máy ra biển dài 1.300 m, đường kính 1,2 m, cách mặt nước biển 12 m. Ngày 26.8.2014, Bộ TN-MT có công văn chấp thuận. “Đường ống này được đấu nối từ bể nước thải đã được xử lý đạt quy chuẩn VN. Trước khi thải ra biển, có một trạm quan trắc tự động quan trắc, nếu đạt quy chuẩn thì hệ thống quan trắc sẽ cho xả thải, còn không sẽ tự động đóng lại. Số liệu quan trắc tự động hoạt động 24/24 giờ trong ngày”, ông Nhân giải thích và cho biết Sở TN-MT Hà Tĩnh giám sát hệ thống này bằng hệ thống đấu nối tự động. Khi trạm quan trắc báo nước thải không đạt quy chuẩn, Sở sẽ ấn nút để lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, do hệ thống này chưa được lắp đặt đấu nối nên Sở chưa giám sát tự động được.
Trong khi đó, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, nói Formosa đang trong quá trình chạy thử nghiệm hệ thống này. Hiện Sở đã thành lập một trung tâm quan trắc tại Vũng Áng để theo dõi quá trình xả thải và lấy mẫu nước theo định kỳ để kiểm tra.
Về việc Formosa chưa được phép xả thải ra môi trường nhưng họ đã xả từ lâu nay, Thứ trưởng Nhân cho rằng việc quản lý xả thải là Cục Quản lý tài nguyên nước đảm trách và do một thứ trưởng khác phụ trách nên ông không nắm được họ đã được phép xả thải hay chưa.
|
Thanh Niên