29/12/2024

Tập phát ngôn có trách nhiệm

“Sinh viên không được đăng tải, bình luận hoặc chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, xúc phạm uy tín tổ chức, nhân phẩm cá nhân… trên Internet”.

 

Tập phát ngôn có trách nhiệm

 

 

 “Sinh viên không được đăng tải, bình luận hoặc chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, xúc phạm uy tín tổ chức, nhân phẩm cá nhân… trên Internet”.

 

 

 

 

 

Tập phát ngôn có trách nhiệm
Giới trẻ thường có xu hướng mượn internet, mạng xã hội… để nêu lên những bức xúc không được lắng nghe đến những nội dung trái thuần phong mĩ tục, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống người khác – Ảnh chụp từ màn hình

 

 

Đó là một số điểm chính của quy chế công tác sinh viên hệ ĐH chính quy mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành

Cùng với quy định của nhiều trường ĐH – CĐ, THPT, những nội dung trên đang thu hút nhiều sự quan tâm ở giới trẻ, vì sao?

Đã đến lúc giới trẻ cần có trách nhiệm với lời nói của mình, phải có sự chế tài hoặc hình thức xử phạt thích đáng, không thể mãi vô trách nhiệm với xã hội và bản thân như bây giờ

Giảng viên giáo dục kỹ năng sống NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG

Khi giới trẻ bị than phiền

Dạo quanh một số trang mạng xã hội cá nhân, những diễn đàn, Facebook của các trường học, không khó để bắt gặp những phát ngôn, bài viết và clip phản cảm.

“Con nhỏ T.Q.C. mặt thì như mặt ch…, học thì ngu như lợn mà suốt ngày cứ õng ẹo, đi giật bồ hết người này đến người khác đó bà con”, là dòng status (tâm trạng) kèm ảnh “nạn nhân” đã bị chỉnh sửa một cách phản cảm mà nữ sinh viên K.T. viết và nhận được khá nhiều lượt like (thích), bình luận “ném đá” a dua.

Nhưng đáng lo ngại nhất là ở những trang confession (thú tội) tại các trường học, nơi danh tính người gửi bài bí mật và đội ngũ admin (quản lý trang) đều ở độ tuổi học sinh, sinh viên.

Trong trang confession của một trường THPT T (Q.Phú Nhuận), một bạn viết: “Bạn N.Q.T. (tên trong bài được ghi rõ) đã hack nick và đòi tiền để mở khoá Facebook, Gmail… Mong nhà trường có biện pháp xử lý”. Vấn đề là thông tin này được đăng nhưng không qua kiểm chứng nên có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân vật được nêu.

Tương tự, không thể không sốc khi đọc được những phản hồi, gợi ý như “axit H2SO4 mua chợ đen rẻ lắm bạn à”, “ngại gì mà không đánh (ghen)?”…, từ những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường trước chia sẻ về việc người viết bị “cắm sừng”… ở trang confession một trường THPT có tiếng tại TP.HCM.

Tình trạng trên cũng thường xuyên diễn ra ở các trang confession của những trường ĐH. Cần nhắc lại những bài viết tinh nghịch, đùa giỡn nhưng để lại hệ quả không nhỏ. “Q.A. à, làm sao để một cô gái có thể quen được chàng trai đúng chuẩn soái ca với đôi môi to mọng, mùi hương đậm tinh chất “phèn chua” như cậu?”.

Thực chất Q.A. (ĐH KT TP.HCM) có màu da sậm, răng hô và người thường nhễ nhại mồ hôi do phải đi làm trước khi đến lớp. Sau khi được lên confession và được nhiều bạn nữ trong trường dò hỏi, tìm gặp ngoài đời thực lẫn trên Facebook, Q.A. ngày càng thu mình lại vì mặc cảm.

Ý thức cá nhân là quan trọng nhất

Bạn Trần Văn Thức (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng quy chế trên của Bộ GD-ĐT là cần thiết.

Bạn phân tích: “Thông thường ở các trang mạng xã hội, khi chúng ta coi, chia sẻ nhiều nội dung, clip dung tục thì mạng sẽ tổng hợp dữ liệu và suggest (gợi ý) những nội dung liên quan, thế là các bạn sẽ vô tình bị “chìm ngập” trong những thông tin tiêu cực.

Khi tiếp xúc với cái xấu quá nhiều, mọi người dần có xu hướng thấy điều đó là bình thường. Trường cấp III của tôi là một trường lớn mà những xích mích, đả kích nhau trên confession không ít thì chắc chắn các trường quậy tình hình còn nghiêm trọng hơn”.

Tuy nhiên, Văn Thức cho rằng dù mục đích là tốt nhưng quy định sẽ khó khả thi vì theo bạn: “Sẽ xử lý ra sao nếu đó là những tài khoản nặc danh, giả mạo? Chưa kể nhiều bạn để chế độ Friends only (chỉ có bạn bè trong danh sách mới xem được) thì nhà trường sẽ kiểm chứng làm sao?”.

Tương tự, bạn Nguyễn Kỳ Nam (ĐH RMIT) cũng băn khoăn với tính khả thi của quy định.

“Sẽ rất khó kiểm soát và ai là người có đủ sức, thời gian ngồi kiểm soát hết mạng xã hội của sinh viên? Có những nội dung, clip ở bên nước ngoài hoặc với giới trẻ thì rất bình thường nhưng với người lớn thì lại là phản cảm, làm sao phân định được ranh giới này? Nên chăng tập trung vào giáo dục ý thức người trẻ thay vì ra quy định cứng nhắc, nghĩ đến chuyện xử phạt” – Kỳ Nam nhận định.

Về vấn đề này, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng điều tiên quyết là giáo dục các bạn trẻ phát ngôn có ý thức trách nhiệm.

“Gia đình và nhà trường cần dạy các em về ý thức trách nhiệm trong từng việc nhỏ và ngay từ nhỏ thì khi trưởng thành các em mới có ý thức trong việc lớn. Nên phân tích cho các em biết hệ quả khó lường của phát ngôn sai sự thật vì khi đó sẽ hạn chế được việc phát ngôn bừa bãi ở các em. Đôi khi giới trẻ không có ác ý mà chẳng qua bị tâm lý đám đông nên dễ a dua theo bạn bè, theo người khác nên nhận định sai vấn đề, từ đó phát ngôn thiếu chuẩn xác” – bà nói.

Bà phân tích thêm: quan trọng hơn là người lớn cần làm gương trong từng lời nói của mình và chịu khó mở lòng lắng nghe, đừng để các bạn trẻ bức bối vì bất công xã hội, ức chế những góp ý không được tiếp thu thì các em sẽ có phản ứng, đôi khi phản ứng thái quá do giận mất khôn. “Điều này quan trọng và cần thiết hơn là những quy chế cứng nhắc” – TS Thuý nhận định.

Giảng viên giáo dục kỹ năng sống Nguyễn Thị Bích Phượng cho rằng chưa bao giờ quyền và việc tự do phát ngôn lại thoải mái như bây giờ. Có thể từ đó hình thành thói quen không làm chủ được lời nói của mình ở mọi người, bạ đâu nói đó.

“Đã đến lúc giới trẻ cần có trách nhiệm với lời nói của mình, phải có sự chế tài hoặc hình thức xử phạt thích đáng, không thể mãi vô trách nhiệm với xã hội và bản thân như bây giờ. Điều này không đồng nghĩa với việc cấm phát ngôn, nhưng trong thời điểm “bát nháo” cần có sự quản lý nghiêm khắc để cân bằng mọi thứ trở lại” – bà Bích Phượng giải thích lý do ủng hộ quy chế mới của Bộ GD-ĐT.

Kể tội nhau trên Facebook

Từ sinh viên, bác bảo vệ, cô giữ xe, thậm chí là thầy cô, giảng viên cũng vô tình bị biến thành nạn nhân của việc này.

Trang confession KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cũng một lần gây xôn xao khi đăng tải lời của một người tự xưng là sinh viên Trường ĐH Kinh tế – luật lên tiếng “kể tội” các nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khiến các bạn được một phen cãi vã nhau. Những lượt chia sẻ, những lời bình luận đầy giận dữ đã gây nên một làn sóng phản đối của sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn.

Ở một câu chuyện khác, một sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ sự bế tắc của mình khi thiếu tiền trả nợ nhưng không dám xin tiền gia đình. Đáp lại, ngoài một vài lời chia sẻ động viên thì bên cạnh đó vô số bình luận cười cợt, chỉ trích, thậm chí dùng một số từ chửi tục nhằm vào chủ nhân bài viết đến độ một người phải thốt lên: “Đừng chỉ trích người khác khi mình không nằm ở vị trí của người ta”.

Trên trang của ĐH Công nghiệp TP.HCM, một confession gửi cho bạn thân nhưng lại dùng vô số từ ngữ tục, gây hiểu nhầm cho người khác về cậu bạn thân của mình. “Gửi cho mình nó thì mình khuyên bạn nên dùng messeger” – một bạn nhận xét.

L.K. (quản lý trang confession KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng các trang confession nên trở về đúng với ý nghĩa ban đầu của: nơi thổ lộ, chia sẻ những tâm tư tình cảm.

CẨM TIÊN

CÔNG NHẬT – DIỆU NGUYỄN