Không lẽ mỗi năm đến hè trẻ chết đuối là đương nhiên?
Không phải là lần đầu tiên học sinh ở vùng nông thôn bị chết đuối tập thể, nhưng quả thật, sự ra đi của chín em học sinh ở Quảng Ngãi mới đây đã để lại nỗi đau đớn tột cùng cho tất cả người lớn chúng ta.
Không lẽ mỗi năm đến hè trẻ chết đuối là đương nhiên?
Không phải là lần đầu tiên học sinh ở vùng nông thôn bị chết đuối tập thể, nhưng quả thật, sự ra đi của chín em học sinh ở Quảng Ngãi mới đây đã để lại nỗi đau đớn tột cùng cho tất cả người lớn chúng ta.
Học sinh Trường tiểu học số 1 thị trấn Sịa, nằm bên bờ phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) được học bơi để giúp các em tránh bị chết đuối – Ảnh: Tiến Long |
Cái chết của các em đã thêm một lời cảnh báo về trách nhiệm của người lớn trong việc quản lý, giáo dục và bảo vệ con trẻ.
Dạy cho trẻ ý thức biết bơi
Ông bà xưa từng nói: “Có phúc con biết lội, có tội con biết trèo”. Câu nói đã đúc kết kinh nghiệm từ hàng ngàn năm sống với tự nhiên của người xưa, những em biết bơi lội nếu rơi vào những tình huống ngặt nghèo trong môi trường nước sẽ có cơ hội sống sót rất cao.
Ngày nay, điều kiện sống đã tốt hơn nhiều nhưng thật sự nhà trường và gia đình vẫn chưa coi trọng việc cho trẻ học bơi như một kỹ năng tự vệ. Ở nông thôn, trừ những trẻ em biết bơi một cách tự phát, còn lại không ai khuyến khích các con học bơi.
thành phố, nhiều gia đình cho con đi học bơi vào cuối tuần, nhưng phần lớn phụ huynh khi cho con học bơi là để rèn luyện sức khoẻ và giải trí hơn là để tự vệ. Một số phụ huynh còn ngại hồ bơi không đảm bảo vệ sinh nên không dám cho con đến học bơi.
Trong chương trình trung học cơ sở, môn bơi được đưa vào cũng chỉ là môn học tự chọn bên cạnh các môn khác: bóng bàn, bóng rổ, cầu lông… Chưa kể việc dạy bơi chưa chất lượng, có những học sinh học hết khoá học vẫn chưa biết bơi.
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã đưa ra chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh (giai đoạn 2011-2015), nhưng thực tế nhiều trường vẫn chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa hiệu quả vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là thiếu hồ bơi.
Vì vậy, gia đình phải có ý thức cho trẻ học bơi càng sớm càng tốt. Còn ngành giáo dục và địa phương cần phối hợp, tạo điều kiện tối đa để nhà trường thực hiện phổ cập bơi cho học sinh từ bậc tiểu học.
Với điều kiện hiện nay, vấn đề không phải là xây hồ bơi cho tất cả trường học mà phải đưa môn bơi vào trường học như một môn bắt buộc và hoàn toàn miễn phí. Nếu chưa có hồ bơi, nhà trường có thể thuê hồ bơi ở những trung tâm thể thao gần trường để dạy bơi cho học sinh, thậm chí dạy vào cuối tuần (một số trường ở TP.HCM đã thực hiện phương án này).
Ở nông thôn, tôi đã thấy được một số địa phương vận dụng rất tốt điều kiện sẵn có của mình như là chọn một khúc sông, dùng phao quây lại một khu vực để dạy bơi cho trẻ. Ngành giáo dục của địa phương có trách nhiệm tuyển giáo viên dạy bơi và trả lương cho họ.
Coi việc giáo dục trẻ là trách nhiệm chung
So với thành phố, ở nông thôn mối quan hệ giữa bà con hàng xóm với nhau gần gũi hơn, thân tình hơn và sống có trách nhiệm với nhau hơn. Tôi nhớ ngày còn nhỏ ở quê mình, người ta coi việc dạy trẻ con là trách nhiệm chung.
Vì vậy, nếu ra đường hoặc khi đi chăn bò, trẻ con làm sai điều gì (như hái trộm trái cây, nhổ trộm đậu phộng, đánh lộn hoặc có thái độ vô lễ với người lớn) là bị các cô chú bác hàng xóm trị ngay trước khi ba mẹ trị. Dù không có sự thỏa thuận trước nhưng các ông bố, bà mẹ đều không tỏ ra phiền lòng hay giận hờn người đã dạy con mình.
Hình như từ trong ý thức, họ coi việc dạy trẻ con là trách nhiệm chung của người lớn. Chính điều này đã tạo nên một môi trường rất an toàn cho trẻ.
Tiếc là thời bây giờ mọi cái đã khác. Con cái của ai người đó dạy, người ngoài không được can thiệp. Điều này đã dẫn đến tình trạng: người lớn không muốn can thiệp hay dạy dỗ trẻ vì không khéo sẽ bị kiện, chuốc thêm rắc rối vào mình; còn trẻ con không thèm nghe lời người lớn, trừ bố mẹ mình.
Vì vậy, trước những việc làm nguy hiểm hoặc chướng tai gai mắt của trẻ, người lớn thường phớt lờ để khỏi rắc rối. Những người có trách nhiệm một chút sẽ nhắc nhở, nhưng nếu nhắc nhở mà trẻ không nghe thì họ cũng bỏ mặc.
Có phải cái chết của chín học sinh ở Quảng Ngãi là những cái chết được báo trước? Vì trước đó một người dân đi thả bò đã nhìn thấy các em tắm và đã la mắng nhưng các em không chịu nghe và bà đã bỏ đi.
Phải chi được như ngày xưa, người lớn coi việc dạy trẻ là trách nhiệm chung; phải chi không la được các em, người này báo ngay với gia đình hoặc thầy cô của các em thì đâu đến nỗi…
Bây giờ không phải là lúc ngồi đổ lỗi cho ai nhưng rõ ràng người lớn chúng ta có lỗi với các cháu. Vì vậy, xin biến nỗi đau này thành các hành động cụ thể để chúng ta không còn phải chứng kiến thêm những cái chết thương tâm như thế nữa.
Đặt bảng cấm ở những nơi nguy hiểm Đây là việc làm rất cần thiết và cấp bách đối với lãnh đạo các địa phương. Trước cái chết oan ức của chín học sinh ở xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, lãnh đạo địa phương này cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý và đảm bảo an toàn cho người dân địa phương. Vì hơn ai hết, lãnh đạo địa phương và người dân là những người biết rõ những nơi nguy hiểm ở địa phương mình, lẽ ra phải khoanh vùng và đặt bảng cảnh báo nguy hiểm hoặc đặt bảng cấm ở đó. |