02/11/2024

Vì sao ở Việt Nam, sinh viên nước ngoài ứng xử khác?

Đó là trăn trở thường trực trong tôi khi các sinh viên nước ngoài học ở Việt Nam có những cách ứng xử mà tôi tin chắc là họ không dám thực hiện ở quốc gia mình.

 

Vì sao ở Việt Nam, sinh viên nước ngoài ứng xử khác?

 

 

Đó là trăn trở thường trực trong tôi khi các sinh viên nước ngoài học ở Việt Nam có những cách ứng xử mà tôi tin chắc là họ không dám thực hiện ở quốc gia mình.

 

 

 

 

 

Vì sao ở Việt Nam, sinh viên nước ngoài ứng xử khác?
Một số sinh viên nước ngoài tại Việt Nam có thói quen dùng kẹo cao su trong giảng đường – Ảnh: Tr.Huỳnh

Tôi đang dạy ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Đây là một trong những nơi có số lượng sinh viên và học viên nước ngoài đến học hệ cử nhân ngành Việt Nam học và học tiếng Việt các khoá ngắn hạn đông nhất Việt Nam. Sinh viên và học viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…

Phần lớn các sinh viên rất nghiêm túc, chăm chỉ, lễ phép với giáo viên và thích nghi tốt với cuộc sống cũng như văn hoá Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những sinh viên, học viên thiếu ý thức học hỏi, hòa nhập với môi trường sống ở Việt Nam và có những cách hành xử không đúng mực. Mà những cách ứng xử đó, tôi tin chắc là họ không dám thực hiện ở quốc gia mình. Vì tôi biết luật pháp của nước họ rất nghiêm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nặng.

Khi được mời dạy cho một trường ĐH ở nước ngoài, nhận thấy sự khác biệt giữa sinh viên ở đây với sinh viên sang du học ở Việt Nam, tôi càng suy nghĩ nhiều hơn.

Thái độ đối với giáo viên

Việt Nam ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Người học trò phải biết kính trọng và lễ phép đối với thầy cô giáo của mình. Vì vậy, những sinh viên nước ngoài khi đến học ở Việt Nam đều được học truyền thống văn hoá ấy. Việc tôn trọng giáo viên phải thể hiện ở lời nói, ở thái độ học tập và thái độ ứng xử.

Thế nhưng không ít lần tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến cách hành xử của học viên, sinh viên nước ngoài đối với các đồng nghiệp của mình.

Có người vì tức giận chuyện gì đó với người khác đã đá vỡ cửa kính phòng học trước mặt giáo viên. Có người từng nổi nóng và xách ghế phang vào một giáo viên nữ ngay trên lớp khi không hài lòng về câu trả lời của cô giáo cho câu hỏi của anh ta. Có người xuống văn phòng la lối ầm ĩ, đòi đổi giáo viên vì một sự hiểu lầm nhỏ….

Và trước những cách hành xử như vậy, do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố liên quan đến nước ngoài, nhà trường thường rất lúng túng trong cách xử lý.

Có những chuyện đơn giản hơn nhưng cũng là biểu hiện của văn hoá ứng xử mà sinh viên nước ngoài chưa học được khi đến học ở Việt Nam.

Tôi còn nhớ có lần đưa sinh viên đi thực tế ở miền Trung, chủ khách sạn đã làm một bữa cơm mời thầy trò chúng tôi trước khi chia tay. Các em đã nhanh chóng ngồi vào bàn và ăn rất tự nhiên, thoải mái, thậm chí nhiều em còn bưng bát chạy xuống bếp lấy hết phần thức ăn chủ nhà để dành riêng cho người khác.

Trong khi đó, tất cả các thầy cô chưa ngồi vào bàn vì không đủ chỗ. Thật sự, lúc đó chúng tôi vừa bực vừa xấu hổ với người chủ khách sạn, xấu hổ vì dù là người nước ngoài, các em cũng là sinh viên của mình.

Thái độ của các sinh viên nước ngoài làm tôi nhớ đến những lần đi thực tập hay đi trại với sinh viên Việt Nam. Các sinh viên rất ý tứ và lễ phép trong khi ăn uống với thầy cô. Thường bao giờ các em cũng chờ thầy cô ăn trước hoặc luôn quan tâm đến thầy cô, luôn nhường phần ăn cho thầy cô của mình.

Ngay cả khi đến Hàn Quốc, lần đầu tiên tham dự chương trình MT (Membership Training) với sinh viên, tôi cũng rất ấn tượng về điểm này. Các em rất quan tâm và lo lắng cho thầy cô.

Thậm chí, những giáo viên có chế độ ăn đặc biệt, các em cũng chuẩn bị phần ăn riêng rất chu đáo. Đến bữa ăn, sinh viên luôn chờ thầy cô ngồi vào bàn rồi các em mới ngồi xuống, chờ các thầy cô ăn trước rồi các em mới bắt đầu ăn. Vậy mà…

Với môi trường 
xung quanh

Nếu có dịp ra nước ngoài hoặc qua các phương tiện truyền thông, chúng ta sẽ thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường rất được coi trọng. Trong đó, việc xử lý rác thải được họ đầu tư máy móc rất hiện đại.

Ngay ở châu Á, nhiều quốc gia cũng trang bị hệ thống xử lý rác rất khoa học và tiên tiến (Nhật, Hàn Quốc, Singapore…). Nếu đến Hàn Quốc hay Nhật Bản, chúng ta cũng sẽ thấy trên các đường phố, người ta thường đặt một dãy thùng rác (có phân loại) để người dân tự phân loại rác khi bỏ vào thùng đúng theo quy định.

Đường phố của họ lúc nào cũng sạch sẽ. Vì nếu người dân vứt rác hoặc tàn thuốc bừa bãi, thậm chí vứt rác không đúng quy định về phân loại rác sẽ bị phạt rất nặng. Vì vậy, người dân của các nước phát triển rất có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt ở những nơi công cộng.

Hoặc nếu muốn hút thuốc lá, họ cũng hút ở những nơi được quy định và tàn thuốc được bỏ đúng nơi quy định.

Nhưng khi sang Việt Nam, nhiều sinh viên đã hút thuốc lá trong trường học, ngay trên hành lang của lớp học, mặc dù ở các dãy hành lang đều có bảng “Cấm hút thuốc” bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt.

Giờ giải lao, những khoảng bancông sặc mùi thuốc lá. Thậm chí sau khi hút, một số sinh viên còn vứt tàn thuốc xuống nền và lấy mũi giày dụi tàn thuốc rồi bỏ đi. Có sinh viên vứt tàn thuốc chưa tắt hẳn vào sọt rác, nếu không được phát hiện kịp thời, thùng rác đã bốc cháy.

Hay có sinh viên đã đứng hút thuốc lá từ tầng 4 của trường đại học và vứt tàn thuốc xuống đất, không cần biết dưới đó là gì, dưới đó là ai. Chưa kể ở Việt Nam, các khoảng sân trường thường đồng thời là những bãi giữ xe máy. Tai hoạ thật khôn lường.

Đáng buồn về thói quen ăn uống trong lớp

Một điểm nữa là sinh viên nước ngoài nói chung thường mang cà phê, bánh kẹo và các loại nước uống khác vào lớp học một cách tự nhiên. Trong khi giáo viên giảng bài, họ có thể vô tư ăn bánh, uống nước.

Nhưng đáng buồn là sau khi giờ học kết thúc thì những ly cà phê toàn đá đang chảy nước trên bàn, những vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo… đã không theo chủ nhân của nó mà ở lại với lớp học tiếp theo.

Sau mỗi buổi học như vậy, các cô dọn vệ sinh lại phải đi gom rác và cảm thấy rất khó chịu. Không phải là tất cả, nhưng rõ ràng cách hành xử với môi trường như trên của các sinh viên nước ngoài ở Việt Nam khác hoàn toàn với cách hành xử của sinh viên ở ngay trên đất nước họ và xa lạ với văn hoá của nước họ.

Vấn đề này có đáng để chúng ta suy nghĩ?

Phải chăng, đến Việt Nam với tư cách là con dân của một quốc gia văn minh, tiến bộ, những sinh viên đó đã coi thường người Việt Nam và văn hóa Việt Nam, nên không cần phải “khách sáo” hay giữ thể diện? Hay họ đang trải nghiệm văn hoá “nhập gia tuỳ tục” của người Việt Nam?

Vì ở Việt Nam, họ đã nhìn thấy nhiều người làm như vậy, thậm chí việc vứt rác, vứt tàn thuốc, khạc nhổ bừa bãi, “tè bậy” ngoài đường; rồi đánh nhau ngoài đường khi va chạm trong lúc lưu thông được coi là bình thường và không bị luật pháp xử lý.

Mời bạn gửi ý kiến đến [email protected] hoặc [email protected].

TRẦN MAI NHÂN