29/12/2024

“Tôi sẽ cưới vợ khi nào đường hết xấu”

Ở xứ cồn Tân Lộc (Cần Thơ), có một chàng trai đã dành hết thời gian trai trẻ hơn mười năm của mình đi vá lành vết thương cho những con đường.

 

“Tôi sẽ cưới vợ khi nào đường hết xấu”

 

 

Ở xứ cồn Tân Lộc (Cần Thơ), có một chàng trai đã dành hết thời gian trai trẻ hơn mười năm của mình đi vá lành vết thương cho những con đường.

 

 

 

 

“Tôi sẽ cưới vợ khi nào đường hết xấu”
Đội vá đường tình nguyện của Trung nay được đầu tư thêm máy móc từ tiền ủng hộ của người dân để vá thêm nhiều con đường – Ảnh: Tiến Trình

Anh chàng gầy gầy, được mã, thân thiện ngay từ đầu, nhưng một thời nhà ai có con gái cũng chẳng dám để mắt tới là Nguyễn Minh Trung (32 tuổi) ở xứ cù lao Tân Lộc (P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Từ 10 năm nay, anh đã nổi tiếng bởi làm chuyện “người khác hay để ý”.

Trước đây, một tháng Trung dành 15 ngày đi sửa đường tình nguyện, 15 ngày cắt cỏ nuôi bò thịt hay làm lúa mướn để lo cho gia đình. Giờ hầu như một tháng 30 ngày nó đi kiếm đường xấu để vá.

Không kiếm thì người dân cũng kêu réo… riết rồi nó bỏ bê hết chuyện nhà. Đã vậy nó còn bảo: ba mẹ còn sức mà, cố lên. Nó cũng hứa với tui khi nào hết đường xấu thì nó sẽ cưới vợ. Mà biết chừng nào ở xứ mình mới hết đường xấu hả nhà báo?

Bà BA HUY

“Được thương nhứt cồn”

Sau 10 năm, cũng chưa nhà nào gả con gái cho anh, nhưng những chuyện làm “bao đồng” của anh đã được người khắp nơi coi trọng, hưởng ứng.

Mười năm trước, người dân xứ cù lao Tân Lộc hay thấy anh thanh niên trời nắng chang chang vẫn vác bao ximăng đi “soi” các lỗ hư của những con đường từ đầu đến cuối cồn. Những ổ gà, ổ voi được anh dùng ximăng trám lại cẩn thận như thể anh đang được trả lương để làm điều đó.

Đi đường láng, có người khen là công của “thằng Trung con bà Ba Huy”. Nhưng cũng không ít người lại lắc đầu cảm thông cho mẹ của anh vì sinh con tới tuổi nhờ, tới tuổi tính chuyện vợ con nhưng lại bỏ đi làm chuyện thiên hạ.

Trung giờ là người “được thương nhứt cồn”, bác xe ôm nói thế khi trên đường chở chúng tôi từ bến phà đến nhà anh.

Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (57 tuổi – hàng xóm hay gọi là bà Ba Huy) lại than thở như nhiều năm vẫn thế: “Suốt hơn 10 năm trời nó chỉ lo tình nguyện vá, sửa đường, làm cầu không công. Nó đi làm không công khắp nơi. Còn nghề mưu sinh là làm mướn, cắt cỏ nuôi bò thì bỏ bê”. Bà nói bà lo nhất là con bà không chịu lấy vợ. Rồi bà lại lo con bà chỉ lo làm chuyện ngoài đường mà không biết đến 
tương lai bản thân.

Nói thế nhưng Trung kể chính mẹ là người hậu thuẫn anh đi làm chuyện thiên hạ từ trước tới giờ. Đó là những ngày đầu bà nghe Trung than nhiều tuyến đường ở cù lao hư hỏng, bà con đi lại khó khăn, nhưng anh không có tiền mua vật liệu vá đường. Nghe con rưng rức, người mẹ đã âm thầm bán đi con bò là tài sản lớn của gia đình để cho con đi làm “chuyện nghĩa”.

“Thỏi nam châm nhân ái”

Trung nói “chuyện nghĩa” vá đường của anh được nhen nhóm từ một người tốt bụng ở xứ cồn này. Và khi thấy người làm chuyện tốt thì anh như thỏi nam châm bị hút vào những việc mà anh thấy rằng giúp được nhiều người. Một thời gian, anh như bị “nhiễm cái tật” ra đường là quét mắt, thấy đoạn nào đường xấu là ghi trong đầu. Về nhà lại lỉnh kỉnh 
bao bị đi trám đường.

Ấy mà cũng có người bảo Trung làm chuyện “ba láp” vì trên xứ cù lao còn rất nhiều điểm đường cần phải vá, làm sao vá cho hết? Nhưng cũng có người ở Tắc Cây Bàng nhìn thấy con đường được Trung vá lành lặn đã bật khóc. Là vì không lâu trước đó, người cha già yếu của bà khi qua con đường này vấp ổ gà té chấn thương thiệt mạng. “Nếu con vá đường sớm thì ông ở nhà đâu bị té chết” – anh nói với người phụ nữ ấy.

Khi anh vá được nhiều ổ gà, ổ voi ở những tuyến đường gần xa, xóm giềng khen ngợi, gia đình anh cũng vui. Nhưng nghĩ lại mẹ anh thấy xót vì tuổi hai mươi, rồi ba mươi của anh đã lướt qua trên những con đường loang lổ như thế.

Trung ngày càng ít ăn cơm nhà. Anh ăn chay trường, nhưng hàng xóm vẫn có người nấu cơm mời anh đến ăn. Người ta thấy anh cực, người lại cho ca nước, tô cơm… Và số tiền bán bò mà mẹ anh đã cho cũng nhanh chóng bị trám hết trên những con đường. Cũng là khi Trung không còn đơn độc. Nếu lòng tốt là một thỏi nam châm thu hút tình nhân ái thì từ bao giờ, anh đã là một thỏi nam châm như thế ở cù lao Tân Lộc này.

“Hôm trước tụi thằng Trung tới xóm nhà tui vá đường, người dân cũng ra phụ nó. Tội nghiệp, được người tốt như nó là quý lắm nghen!” – người chạy xe ôm lại cho một nhận xét.

Biết Trung không còn tiền mua vật liệu vá đường, một ngư dân bán được ít cá đã mang góp cho anh 100.000 đồng. Trung nói biết người ta nghèo anh không muốn nhận. Nhưng nếu không nhận thì cũng như quay mặt với lòng tốt, nên anh đành nhận lấy số tiền mà quý vô cùng.

Rồi đến ông cụ Lê Văn Năm tuổi đã gần 90 cũng lụm cụm mang đến cho Trung 1,5 triệu đồng tiền dưỡng già. Thấy đám thanh niên phơi cái nắng thiêu đốt cặm cụi vá đường, ông Năm biểu Trung phải cho ông… gia nhập và trở thành thành viên cao tuổi nhất nhóm vá đường từ thiện của Trung.

“Tới nay nhóm của em đã có trên 30 người tham gia. Trong đó có 15 người luôn sẵn sàng lên đường khi được nhờ” – Trung cho biết. Trong nhóm anh có cả những học sinh lớp 10, lớp 11 ngoài giờ học theo các anh, các chú phụ vá đường.

“Em theo anh Trung đi giúp người ta vá đường hồi còn học phổ thông lận” – chú bộ đội Huỳnh Văn Thọ, đóng quân ở Vùng 5 hải quân, tranh thủ thời gian về phép cũng xắn áo đi vá đường cùng Trung. Thọ nói hồi nhỏ đã thấy anh Trung hì hụi vá đường mà thấy thương. Rồi lớp 10, lớp 11 Thọ lại gia nhập cùng “đội quân bao đồng” của anh đến khi ra trường, nhập ngũ.

“Có dịp về phép là Thọ lại đi vá đường cùng anh em. Thấy ngày phép cũng đâu phải là dài, tui khuyên Thọ ở nhà hoặc đi đâu đó chơi với bạn bè nhưng em không chịu, đòi đi dang nắng vá đường cho vui” – Trung nói.

“Cả nhà tui ai cũng quý chuyện cháu Trung làm nên vợ tui muốn tui, con trai tui theo Trung vá đường” – ông Nguyễn Văn Chéo (55 tuổi) nói ông và thằng Hậu, con ông, đã theo Trung từ nhiều năm nay. Vì cha con ông cũng ăn chay nên chuyện ăn uống cũng chẳng cầu kỳ, tốn kém gì. Thỉnh thoảng khi nghe nhóm hết quỹ mua vật liệu, ông lại về kêu vợ bán lúa góp vào.

Cứ thế, cứ thế, người cho phuy nhựa đường, người cho cả vườn cây để cưa ra bán gỗ lấy tiền mua vật liệu vá đường… Mỗi người góp một ít mà gần 10 năm qua, những con đường trên cù lao Tân Lộc đã vắng những ổ gà, ổ voi.

Biết tiếng, nhiều người dân ở Thốt Nốt, Đồng Tháp cũng gom góp tiền nhờ nhóm anh qua vá đường giúp hộ. Nhiều con đường giao thông nông thôn thi công không đạt chất lượng nhanh chóng “lòi ra sự thật” khiến người dân chưa kịp vui mừng lại rơi vào thất vọng. Những lúc ấy, người ta lại nhớ đến nhóm thợ chuyên vá đường nông thôn của Trung.

“Tôi sẽ cưới vợ khi nào đường hết xấu”
Hơn 10 năm qua, Nguyễn Minh Trung vác đá vá lành những cung đường ở quê hương mình – Ảnh: Tiến Trình

Ở hiền gặp lành

Trung kể việc làm âm thầm trên những đường quê của anh thời gian dài chỉ có những người quê mới biết. Mãi đến khi một ngày nắng chang chang, lúc anh đang cặm cụi vá đường thì có một chiếc ôtô đậu lại.

“Có ba người ăn mặc như cán bộ đến hỏi em là người của đơn vị nào mà đi qua đi lại thấy vá hết đoạn đường này đến đoạn đường khác? Khi biết em làm chuyện này không công, người ta lấy máy ra chụp hình”. Vậy là chuyện vá đường của Trung nhanh chóng lan tỏa lên trên.

Đến tháng 8-2012, anh được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng gửi giấy khen, rồi kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giao thông vận tải”. Cùng thời gian đó, anh cũng được bằng khen của Thủ tướng, kỷ niệm chương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang… với những gì mình làm được cho những cung đường quê từ nhiều năm.

Từ đó đến nay, trong căn nhà được xây bằng tiền thưởng của Bộ trưởng Thăng, Thủ tướng Dũng, Chủ tịch Sang… anh đã mua được chiếc xe kéo chở vật liệu trong những chuyến vá đường xa nhà. Cũng từ ủng hộ của mọi người gần xa, đội vá đường của Trung được đầu tư thêm máy trộn bêtông, cối trộn hồ…

Căn nhà lợp tôn của Trung cũng là “trụ sở” của đội vá đường tình nguyện do anh làm đội trưởng. Đến nay, đội vá đường ấy không chỉ vá đường mà còn bắc qua những dòng sông trên 40 nhịp cầu.

Rời “bản doanh đội vá đường tình nguyện”, tôi, Trung và ông Nguyễn Trọng Ngọc, chủ tịch UBND phường Tân Lộc, rảo bước trên những tuyến đường nhựa mịn màng của một cù lao giữa sông Hậu mênh mang.

Ông Ngọc tấm tắc: “Nhờ có Trung vá đường tình nguyện ngần ấy năm mà đường sá trên cù lao dài tổng cộng hơn 24km hết sạch ổ gà, đi lại mới êm như bây giờ đó. Cũng có thể nói là Trung đã bảo dưỡng đường dài hạn cả chục năm vậy. Dân trên cù lao tránh được biết bao tai nạn thương tâm trước đây do ngã xe. Cậu ấy và đội tình nguyện của mình còn xây 40 cầu nhỏ trên cù lao từ năm 2006 tới nay nữa đó! Tiền do dân góp”.

Trung nói thêm sống trên cù lao có hàng trăm kênh rạch nên nhu cầu làm cầu, sửa cầu rất lớn. Hai năm rồi, anh nhận thấy càng ngày dân càng đông, những cây cầu nhỏ hẹp không đủ sức đưa người dân đi lại. Làm cầu mới thì không có kinh phí.

Trung nảy ra ý tưởng nong cầu rộng ra cả hai bên lan can cầu. Anh mua thép về, đập thành cầu rồi gắn thép vào, đổ bêtông nhẹ lên. Thế là những chiếc cầu rộng ra, dân đi lại thoải mái hơn. Hơn 20 cây cầu đã được nong ra như thế.

TRẦN ĐÌNH PHƯỢNG – TIẾN TRÌNH