Trong số 13 của tạp chí Excursions et Reconnaissances xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1882, ông A.J.C Geerts, cố vấn Bộ Nội vụ ở Đông Kinh, có dịch ra chữ Pháp tập hàng hải nhật ký (journal de bord) của chiếc thuyền buôn Hoà Lan (Hà Lan) mang tên Grol từng đến VN vào năm 1637.
Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Thuyền buôn Hà Lan đến Đàng Ngoài
Trong số 13 của tạp chí Excursions et Reconnaissances xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1882, ông A.J.C Geerts, cố vấn Bộ Nội vụ ở Đông Kinh, có dịch ra chữ Pháp tập hàng hải nhật ký (journal de bord) của chiếc thuyền buôn Hoà Lan (Hà Lan) mang tên Grol từng đến VN vào năm 1637.
Trong số 13 của tạp chí Excursions et Reconnaissances xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1882, ông A.J.C Geerts, cố vấn Bộ Nội vụ ở Đông Kinh, có dịch ra chữ Pháp tập hàng hải nhật ký (journal de bord) của chiếc thuyền buôn Hoà Lan (Hà Lan) mang tên Grol từng đến VN vào năm 1637. Tập nhật ký đã cho thấy phương thức giao thương giữa VN với người phương Tây hồi thế kỷ 17.
Chiếc Grol được viên Giám đốc chi nhánh Ấn Độ Hoà Lan thương hội (Compagnie orientale des Indes néerlandaisee) ở Bình Hộ đảo (Hirado) là ông Koeckebacker cử đi mở đầu cuộc thông thương giữa Hoà Lan và Bắc kỳ. Sau đó Ấn Độ Hoà Lan thương hội mới lập một chi điếm ở Phố Hiến (Hưng Yên).
Ngày 31 tháng giêng tây. – Ngày 31 tháng giêng năm 1637, chiếc Grol rời đảo Bình Hộ (Hirado, Nhật Bản) để sang Đàng Ngoài. Trên thuyền có viên thương đoàn trưởng Karel Hartsinck đứng đầu phái bộ thương mại; ông Vincent Romeyn, người Hoà Lan, trú ngụ ở Trường Kỳ (Nagasaki) không làm cho Ấn Độ Hòa Lan thương hội, một mình đứng buôn bán riêng và trong việc bán buôn thường giao thiệp với lão Melebior Santovoort, là người Hoà Lan đã đến Nhật Bản từ ngày 19 tháng tư năm 1660. Giám đốc chi nhánh của thương hội ở Bình Hộ đảo là ông Nicolaas Keockebacker đã nhờ ông Vincent Romeyn đi chuyến này và đem tri thức và sự từng trải ra giúp thương hội; để đền công ông, hội cho phép ông mua (ở Nhật Bản) chừng hai nghìn rưỡi nén tiền hàng và hội chở không chỗ hàng ấy sang Đàng Ngoài cho ông.
Ông giám đốc của hội ở Nhật Bản có giao cho ông Karel Hartsinck một bức thư để dâng lên quốc vương xứ Đàng Ngoài và ông còn dự định phái một thương thuyền thứ hai là chiếc Waterlooze Werve từ Nhật Bản sang Đàng Ngoài nữa.
Ngày 5 tháng ba. – Bữa 5 tháng ba thì chúng tôi vào vịnh Hàn (Turon, Turan, Tourane, Cửa Hàn).
Ngày 13 tháng ba (1637) chúng tôi rời bến Quinam (Quảng Nam), ông Ducker có trao cho ông Hartsinck tờ báo cáo (mémoire) sau này về xứ Đàng Ngoài:
“Xứ Đàng Ngoài và xứ Đàng Trong đang chiến tranh; tuy hai chúa thâm thù nhau nhưng nhân dân hai xứ vẫn được thông thương buôn bán. Vậy trong khi đậu lại trong xứ Đàng Ngoài chúng mình vẫn có dịp giao thiệp với chi điếm ở Quinam.
Vào tháng một năm 1636, giá tơ rất hạ ở Đàng Ngoài và chỉ có 45 lạng một tạ. Nhưng vì có ba chiếc mành Bồ Đào Nha đến hai chuyến, một chuyến vào cuối tháng một năm 1636 và một chuyến vào ngày 15 tháng hai 1637, nên giá tơ lại lên 60 lạng một tạ rồi. Chúa Trịnh đã thâu nhận số tiền bốn vạn lạng của người Bồ Đào Nha đem đến và hứa sẽ tìm đủ số tơ cho họ. Trong số bốn vạn lạng nói trên có ba mươi hòm tiền bạc Nhật Bản tiếng Hòa Lan gọi là Schuitjes hoặc Schuitgeld.
Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh vốn là thân thích. Ta nên nhân dịp chiếc Grol thăm xứ Đàng Ngoài để dò hỏi một cách kín đáo xem chúa Trịnh có thể giúp lấy lại số 2 vạn 3 nghìn 5 trăm 80 reales (đơn vị tiền tệ Tây Ban Nha) do chiếc thuyền Grooten Brock chở; số tiền ấy khi thuyền đắm đã cứu được nhưng lại bị dân xứ Quinam chiếm giữ rất trái phép. Việc này cần phải điều đình khéo léo và kín đáo mới được, không nên nói thẳng cho Chúa Trịnh hoặc một vị đại thần nào biết, vì ở triều đình Thăng Long có tin tức gì thì trong Thuận Hoá đã được mật báo rồi. Và nếu Chúa Nguyễn biết chuyện chúng mình vận động, thì tất cả các quan chức trong chi điếm của chúng ta ở Quinam sẽ lâm nguy hết sức và lúc đó cái xứ tàn nhẫn ấy sẽ gây ra một bi kịch thực”.
Ngày 18 tháng ba. – Thời tiết và gió ngược nên chúng tôi lại phải quay mũi lại và bỏ neo gần Cửa Hàn. Sáng nay chúng tôi thấy chiếc Rurop của ta ra khỏi vịnh Hàn.
Ngày 23 tháng ba. – Hôm nay lại giương buồm ra Đàng Ngoài.
Mồng hai tháng tư. – Hôm nay mồng hai tháng tư, viên phụ tá và người thông ngôn của chúng ta trở về thuyền với viên quan coi thuyền chiến và hai người thư ký; tuy vậy họ vẫn còn giữ lại một người lính Hòa Lan tên là Wolf và một người dân bản xứ. Hai ông Eems (phụ tá) và Strick (thông ngôn) đã được đối đãi tử tế; người ta căn vặn hai ông xem người Hoà Lan đến làm gì, tự ý đến hay bị phong ba đánh dạt vào; hai ông giả nhời rằng: “Chúng tôi ở Nhật Bản lại; được nghe đại danh của vua chúa, nhân bên Nhật lại có chiếu cấm dân Nhật không được sang Đàng Ngoài buôn bán nữa nên ông quản lĩnh chi hội của Thương hội Hòa Lan ở bên ấy có phái một chiếc thuyền buôn sang để thân giao và buôn bán với xứ Đàng Ngoài. Hai ông lại có xin các quan cho phép chúng tôi được ngược sông và chở theo cả hàng hoá sớm ngày nào hay ngày ấy”.
Quan trấn hải thấy tặng vật của chúng tôi do viên phụ tá mang đến ít ỏi quá, trước hết khước từ, ý chừng cho rằng không xứng đáng với chức vụ của ông; nhưng sau cũng nhận, lấy cớ rằng chúng tôi là khách lạ ở phương xa mới đến chưa hiểu rõ phong tục ở đây. Ông lại thể tất quá lòng mong mỏi của chúng tôi; ông bảo chúng tôi ứng cho ông năm hòm bạc để ông mua tơ và quế giúp chúng tôi. Viên phụ tá có trả lời rằng không có quyền riêng để trả lời ông về chuyện đó. Sau rồi quan (trấn hải) lại bảo rằng ông Hartsinck là trưởng đoàn thương mại của chúng tôi nên đến công đường ông để bàn về việc ấy.