04/01/2025

Khôi phục vị thế người thầy

Người Việt luôn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo và hiếu học, nhưng thực tế hiện nay có nhiều điều đáng suy nghĩ.

 

Khôi phục vị thế người thầy

 

Người Việt luôn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo và hiếu học, nhưng thực tế hiện nay có nhiều điều đáng suy nghĩ.





Nhà bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Nhà bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Ảnh: Ngọc Thắng


GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) đã chia sẻ với Thanh Niên về đạo học xưa và nay.
Quan điểm “quân – sư – phụ”
VN là nước có truyền thống văn hiến, trọng đạo học, được đúc kết trong câu nói của người xưa là “tôn sư trọng đạo”. Dưới thời phong kiến, xã hội chúng ta chịu ảnh hưởng của đạo Nho nên đặc biệt coi trọng những người làm thầy. Người đã được học hành, dù dân nghèo hay quan lại, thậm chí nhà vua, phải luôn giữ nếp tôn sư trọng đạo. Ví dụ như nhà giáo Chu Văn An, cụ có những học trò làm đến tể tướng nhưng khi về thăm thầy vẫn đứng lễ phép hầu thầy bên giường chứ không dám ngồi ngang hàng với thầy. Tôn ti trật tự trong xã hội được chi phối bởi quan điểm “quân – sư – phụ”, tức là vị thế của người thầy chỉ sau vua và cao hơn cả người cha trong gia đình. Vì được trọng thị như thế nên nhìn chung người thầy trong xã hội VN xưa kia luôn có ý thức giữ nếp của đạo học, giữ được uy thế của người thầy. Trong lịch sử có nhiều tên tuổi nhà giáo được lưu lại để học tập.
Thời tôi đi học (những năm 1960 và đầu những năm 1970), hình ảnh của người thầy vẫn còn rất đẹp trong tâm thức học trò. Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cầu thang gác tối om dẫn lên nhà thầy giáo lớp 4 của tôi (trên phố Nguyễn Biểu, Hà Nội). Chẳng là tôi ốm nằm viện một thời gian khá dài, sau khi ra viện thầy bảo tôi đến nhà thầy hằng ngày để thầy dạy thêm. Mà hồi đó làm gì có khái niệm học thêm phải trả tiền. Đến quà cáp cũng chẳng có. Cả thầy, cả bố mẹ tôi, và cả xã hội lúc ấy đều mặc nhiên xem việc làm của thầy đối với tôi hồi ấy là một trách nhiệm.
Có vẻ như giới trẻ ngày nay quá thiệt thòi vì hình ảnh người thầy ngày nay dường như đã bị tầm thường hoá, thưa giáo sư?
Công bằng mà nói thì trong lịch sử không phải tất cả mọi người thầy đều giữ vị thế cao trong nhìn nhận của xã hội. Chẳng phải là chúng ta có hàng loạt truyện tiếu lâm về ông thầy đồ đấy ư. Dù nó là những chuyện hư cấu, nhưng thực tế đúng là vẫn có những ông thầy không giữ được đạo làm thầy. Rồi có những người thầy thất bại, vì có những trò hư, đạo lý thầy trò suy đồi. Ví dụ rõ nhất trong trường hợp này là mối quan hệ thầy trò giữa một ông tiến sĩ tên là Lý Trần Quán và một ông tuần huyện tên Nguyễn Trang được kể lại trong Hoàng Lê nhất thống chí. Chuyện kể về việc Chúa Trịnh chạy trốn quân Tây Sơn, ông Lý Trần Quán gửi gắm chúa cho tuần Trang. Nhưng tuần Trang lại đem nộp chúa cho quân Tây Sơn, với lý lẽ “sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”. Sau này ông Lý Trần Quán tuẫn tiết bằng cách nằm vào quan tài rồi sai người chôn sống mình, vì tự cho mình không biết dạy học trò.
Vấn đề là quyết tâm
Theo quan sát của giáo sư, đạo học và vị thế người thầy có biểu hiện suy giảm từ bao giờ?
Khó có thể nói trường lớp, thầy cô bây giờ không như ngày xưa. Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng cái gốc là do tác động từ xã hội. Văn hoá đạo đức xã hội nói chung xuống cấp nghiêm trọng nên môi trường sư phạm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng điều này cũng còn do lỗi chủ quan của người thầy khi họ ý thức kém về sứ mạng nghề nghiệp của mình. Nhiều nhà giáo tự coi nghề của mình như mọi nghề, rốt cục mục tiêu cũng chỉ để “kiếm cơm”. Từ phía nhà nước cũng có lỗi khi mà xuê xoa, đơn giản trong quan niệm về ngành sư phạm, từ đó dẫn tới việc đào tạo, tuyển dụng kém chất lượng.
Hồi tôi còn học phổ thông (cuối những năm 1950, đầu những năm 1960), tuyển sinh vào sư phạm, cho dù chỉ là trường trung cấp thôi, khá ngặt nghèo. Kết quả học tập là một chuyện, họ còn tiến hành phỏng vấn. Người mà nói ngọng, hoặc có tác phong thiếu phù hợp… là bị loại. Ở miền Nam trước năm 1975 cũng thế, điều kiện thi vào sư phạm khá ngặt nghèo. Nhưng rồi trong điều kiện chiến tranh, các yêu cầu trong mọi lĩnh vực chuyên môn đều bị hạ thấp, trong đó có ngành sư phạm. Hết chiến tranh thì nhu cầu phổ cập giáo dục, đại chúng hoá giáo dục ĐH… là những áp lực để việc tuyển dụng đào tạo sư phạm không được quan tâm đúng mức. Cộng thêm đó là điều kiện khó khăn về kinh tế khiến người ta ưu tiên mục tiêu “mưu sinh” để chọn những nghề dễ “kiếm ăn” hơn, chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm thấp.
Bây giờ nhà nước ưu đãi ngành sư phạm, sinh viên học ngành này được miễn phí. Nhưng chính sách này chỉ có tác dụng trong mấy năm. Về sau và cho đến giờ ngành sư phạm lại “mất giá”, khi mà các em tuy được miễn học phí với khoảng 5 triệu đồng (trong 4 năm học) nhưng khi ra trường muốn xin được việc phải “chạy” mấy trăm triệu đồng. Các thầy cô giáo già ở miền Nam kể trước 1975 khi họ cầm quyết định nhận công tác về địa phương thì được tỉnh trưởng tiếp. Nhưng bây giờ các giáo sinh tốt nghiệp xong đi xin việc gặp ông chuyên viên phòng GD-ĐT thôi là đã phải gãi đầu gãi tai. Ở miền Bắc trước đây, các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, từ Bác Hồ cho đến các ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh… thường xuyên gặp gỡ nói chuyện với giáo viên.
Ở nước ngoài, các nhà lãnh đạo thường có xu hướng tận dụng các diễn đàn ở các trường ĐH để tuyên bố chính sách, vì họ xem đó là nơi tập trung trí tuệ của xã hội. Còn ta thì không có lệ đó.
Theo giáo sư, chúng ta có thể làm gì để khôi phục vị thế của người thầy?
Trước hết, nhà nước phải không chỉ chọn người giỏi mà còn chọn được người phù hợp vào ngành sư phạm. Có thể giải quyết được 2 yêu cầu này bằng 2 giải pháp: đào tạo đủ chỉ tiêu đảm bảo việc phân công công tác cho sinh viên ngành sư phạm. Tôi cho rằng cả hai giải pháp này đều khả thi, vấn đề là có muốn và có quyết tâm làm hay không.
Về phía người thầy, họ phải hiểu sứ mạng cao cả, thiêng liêng của mình là khai tâm cho thế hệ trẻ. Người thầy không nên so sánh ngành này ngành khác để rồi mặc cảm. Mình làm tốt công việc của mình hay không mới là điều quan trọng nhất. Đã chấp nhận đi làm thầy là chấp nhận cuộc sống thanh đạm. Nếu anh không thích nghề sư phạm thì có ai bắt anh phải làm đâu!
Amser chăm sóc sức khoẻ thầy cô

Khôi phục vị thế người thầy - ảnh 2

Thầy cô trong chương trình Amser chăm sóc sức khoẻ thầy cô     – Ảnh: Hiệp hội học sinh Hà Nội – Amsterdam

“Điều quý giá nhất với các thầy cô hiện là sức khoẻ. Vì vậy, ban tri ân đề xuất chương trình Bác sĩ Amser chăm sóc sức khoẻ thầy cô”, lời hiệu triệu phát đi trên Facebook của các cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Giấy mời khám bệnh, sau nhiều việc hậu cần của Ban Tri ân Hội Cựu học sinh Trường Hà Nội – Amsterdam, đã được gửi tới tận tay các giáo viên cũ của trường. Mỗi gói khám bệnh trị giá gần 7 triệu đồng đó do một cựu học sinh tài trợ 100%. “Các em liên lạc với tôi để chắc chắn các thầy cô sẽ đi khám. Những thầy cô còn chưa chắc, các em nhờ tôi vận động”, thầy Vũ Kim Hoãn, nguyên hiệu trưởng trường nhớ lại.
Ngày khám bệnh đến. Các thầy cô theo từng tổ văn, toán, lý… lại gặp nhau, và gặp thêm cả học sinh cũ của mình. “Các em đón chúng tôi ngay tại chân cầu thang của bệnh viện. Các em chỉ dẫn, dặn dò ân cần và chu đáo vô cùng như cách mà chúng tôi vẫn đối xử với các em khi xưa là học trò của chúng tôi”, cô Nguyễn Xuân Thân cho biết. Sau chương trình khám bệnh tổng thể này, ban tri ân cũng sẽ xếp một buổi tư vấn chữa bệnh ngay tại trường do chính các bác sĩ là cựu học sinh thực hiện. Sau buổi khám bệnh, các thầy cô còn nấn ná chưa về ngay.
“Trong chuỗi hoạt động của các em, các em đã lấy lại cho các thầy niềm tin vào công việc của mình đã làm cả cuộc đời mình”, thầy giáo toán Lê Tất Tôn viết trong lưu bút.
Trinh Nguyễn


Quý Hiên (thực hiện)