Giúp con hiểu hơn về thói mách lẻo
“Bé con nhà tôi lên 10 tuổi hay méc lỗi của các bạn cho cô giáo và bác bảo vệ của bé. Do còn non nớt, thiếu kinh nghiệm nên bé hay phàn nàn vì bạn này viết chữ chưa đẹp, bạn kia quên bút ở nhà, có bạn chưa làm bài tập…
Giúp con hiểu hơn về thói mách lẻo
“Bé con nhà tôi lên 10 tuổi hay méc lỗi của các bạn cho cô giáo và bác bảo vệ của bé. Do còn non nớt, thiếu kinh nghiệm nên bé hay phàn nàn vì bạn này viết chữ chưa đẹp, bạn kia quên bút ở nhà, có bạn chưa làm bài tập…
Tôi muốn giúp con khéo léo hơn trong ứng xử với bạn bè và ý thức những gì nói ra, nói với ai và nói vào thời điểm nào, nhưng không dễ làm được điều này”.
Đó là lời thổ lộ của anh Phương ở Q. Tân Phú, TP.HCM, về thói mách lẻo khó khắc phục của bé.
Thật sự, mách lẻo không đồng nhất là sự thẳng thắn, trung thực và lòng can đảm. Dạy trẻ nói thật rất quan trọng. Nhưng bé phải cân nhắc là tại sao bạn lại như thế, trình bày với cô ra sao, với mục đích gì và thời điểm nào là thích hợp.
Chẳng hạn, bé muốn mách cô giáo việc bạn mình không làm bài tập ở nhà. Cha mẹ nên giúp bé để bé tự tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao bạn ấy chưa làm bài tập.
Cách làm này một mặt trau dồi bé biết cách nhìn nhận, xét đoán mọi việc một cách sâu sắc, một mặt sẽ giúp bé biết đồng cảm với hoàn cảnh của người khác. Suy xét một cách cẩn thận bé sẽ hiểu rõ mách lẻo sẽ khiến bạn gặp khó khăn, rắc rối, khác hẳn với thông báo để giúp bạn tiến bộ hơn.
Sau đây là một số cách cha mẹ có thể giúp bé hiểu về thói quen này:
1. Giải thích sự khác nhau giữa mách lẻo và hành động báo cáo có trách nhiệm. Cha mẹ có trách nhiệm nói rõ cho bé hiểu điều đó. Hành động mách lẻo là khi bé cố tình nói về ai đó để làm họ bị phiền hà, tổn thương. Còn báo có trách nhiệm là khi bé nói về ai đó để họ tránh thiệt hại, rắc rối.
2. Buộc con tuân theo nguyên tắc không mách lẻo. Cần chỉ cho con biết những gì cần phải báo lại và những gì thì không nên. Cách tốt nhất để dẹp bỏ loại trừ tính mách lẻo là đặt ra quy định cho bé: “Nếu con có ý định giúp người khác tránh gặp rắc rối thì đó là những hành động có trách nhiệm”. Nguyên tắc này không những có giá trị ở nhà mà còn cả ở lớp, ở những nơi có các bạn cùng sinh hoạt.
3. Đồng cảm với bé: Giải thích vai trò của người lớn (cha mẹ hoặc thầy cô, bảo mẫu…) cho bé hiểu. Đó là những người hướng dẫn, giúp đỡ chứ không phải là người trực tiếp giải quyết các vấn đề bé muốn. Nói rõ cho con hiểu cách cư xử của bạn. Chẳng hạn, với trường hợp anh Phương, anh nên nói với con: “Con nên lựa những lúc chỉ có hai đứa với nhau, góp ý cho bạn, như thế vừa hiệu quả mà bạn cũng tôn trọng và quý con hơn”.
4. Đặt con vào tình huống của người khác
Đôi khi bé con nhà bạn không phân biệt được sự khác nhau giữa mách lẻo và hành động có trách nhiệm, vì thế bạn có thể dựng lên những tình huống khác nhau hoặc đóng những vai khác nhau để trẻ trải nghiệm một cách thực tế hơn.
Giả sử bạn của con đang mách lẻo về thói hay nói chuyện riêng của con cho cô chủ nhiệm, con sẽ cảm thấy như thế nào? Người nào cũng vậy, không bao giờ muốn mình là đối tượng để người khác mách lẻo. Vì thế, nên khi mới nảy sinh ý nghĩ “tố cáo” tật xấu của ai đó khiến họ bị phiền phức, con hãy chế ngự ngay.
5. Dùng nguyên tắc vàng (Nguyên tắc này là làm những gì mình muốn người khác làm cho mình trước khi mình làm cho người khác). Hỏi con bạn “Đó có phải điều mà con muốn người nào đó nói không tốt về con không?”.
Tuy nhiên, có một số lưu ý về cách thức nói thật để giúp người sửa sai mà vẫn không hại mình. Nên nói với con: “Hãy để cha mẹ thông báo với cô giáo giùm con” và nên thực hiện lời hứa ấy ngay khi có thể. Sau khi báo cho giáo viên, cha mẹ cũng nên kể lại và chia sẻ với con. Như vậy, trẻ sẽ yên tâm và tự tin hơn về hành động của mình. Hoặc phụ huynh hướng dẫn trẻ chọn thời điểm thích hợp để trao đổi riêng với cô về những gì mình đã mắt thấy tai nghe.