Yêu cầu mạng xã hội nước ngoài hoạt động đúng luật Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh sau khi ông mới nhậm chức.
Yêu cầu mạng xã hội nước ngoài hoạt động đúng luật Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh sau khi ông mới nhậm chức.
Ông Trương Minh Tuấn – Ảnh: tư liệu
|
* Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, bộ trưởng cho biết sẽ ưu tiên chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh”, xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân, mục đích, ý nghĩa của chương trình này như thế nào?
– Tên gọi chương trình “Vì một xã hội thông tin lành mạnh” đã nói lên mục đích của nó. Chúng ta tôn trọng những giá trị đã được xác lập nên Việt Nam không cấm mạng xã hội, nhưng mạng xã hội bộc lộ nhiều mặt trái của nó mà chúng ta cần phải hạn chế.
Hằng ngày, bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào cũng có thể trở thành nạn nhân của mặt trái mạng xã hội gây ra.
Đó là các vấn đề vi phạm bản quyền, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, xâm phạm đời tư, quảng cáo trá hình, nguỵ tạo hình ảnh, siêu liên kết với các mạng ngoài…
Một thực trạng khác là do tính chất xuyên biên giới nên hiện nay Nhà nước mất một nguồn thu lớn từ các mạng xã hội nước ngoài.
Một vấn đề nữa là các thiết bị trực tuyến ở Việt Nam khá đa dạng, phong phú và ngày càng rẻ tiền. Tin nhắn rác từ người dùng các thiết bị trực tuyến bị lạm dụng và trở thành một vấn đề lớn của xã hội là xâm phạm đời tư, tổn hại uy tín và đe doạ an ninh quốc gia.
* Nhưng thưa bộ trưởng, để khắc phục mặt trái của mạng xã hội và tin nhắn rác là vấn đề không dễ dàng, vậy cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin – truyền thông bắt đầu như thế nào?
– Thứ nhất, chúng ta có hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ để điều chỉnh hành vi những người sử dụng mạng xã hội và thiết bị trực tuyến. Những vấn đề mới phát sinh chúng ta sẽ bổ sung vào luật để quản lý.
Những vấn đề như vi phạm đời tư, xúc phạm danh dự, bản quyền… đều đã được quy định trong những luật cơ bản khác nhưng phải thừa nhận rằng việc thực hiện luật chúng ta chưa nghiêm.
Thứ hai, ý thức người sử dụng mạng xã hội và thiết bị trực tuyến của chúng ta còn thấp. Đây là vấn đề đạo đức xã hội nên kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng bộ quy tắc đạo đức những người sử dụng mạng xã hội.
Thiết bị công nghệ ngày càng thông minh thì người sử dụng phải văn minh để tránh xu hướng lạm dụng gây ảnh hưởng đến xã hội.
Thứ ba, điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Tình trạng mua một thẻ sim điện thoại hay mở một tài khoản mạng xã hội dễ dàng thuận lợi cho người dùng dẫn đến tình trạng khó kiểm soát.
Vì lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, chúng tôi đòi hỏi các nhà mạng có những ràng buộc chặt chẽ đối với khách hàng.
Thứ tư, đối với những mạng xã hội nước ngoài chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ đàm phán và yêu cầu hoạt động theo đúng khuôn khổ của luật pháp Việt Nam.
* Thưa bộ trưởng, những biện pháp quản lý như đã nói có ảnh hưởng đến tự do thông tin, tự do ngôn luận không?
– Như tôi đã nêu, Việt Nam không có ngăn cấm mạng xã hội mà chỉ điều chỉnh những hạn chế và mặt trái của mạng xã hội như nhiều quốc gia khác. Quản lý không phải là ngăn cấm.
Bản chất của quyền tự do ngôn luận bị hạn chế theo “nguyên tắc gây hại” và “nguyên tắc xúc phạm”. Tất cả chúng ta nên tìm hiểu kỹ để hiểu được lợi ích, nghĩa vụ và quyền hạn của mình.
Là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, tử tế là trách nhiệm xã hội to lớn và khó khăn đối với chúng tôi hiện nay. Tôi kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức bằng những thiện chí vì lợi ích chung của xã hội.