02/11/2024

Tiếng dương cầm đã tắt

14 giờ 30 ngày 14.4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời tại TP.HCM sau thời gian lâm bệnh.

 

Tiếng dương cầm đã tắt

 

14 giờ 30 ngày 14.4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời tại TP.HCM sau thời gian lâm bệnh.





Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Ảnh: Độc Lập

 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – Ảnh: Độc Lập


Cuộc đời ông khiến nhiều người khâm phục không chỉ ở tài năng mà còn bởi nhân cách của một người thầy, một đàn anh rất mực khiêm tốn và tận tuỵ với nghề.
Trong tác nghiệp, người viết đã may mắn gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhiều lần, nhưng nhớ nhất là những lần lên Trung tâm nuôi dạy và hướng nghiệp trẻ em khuyết tật Hướng Dương của nghệ sĩ – nhà giáo Nguyễn Thế Vinh ở Bình Dương, hoặc những lần họp mặt anh chị em nghệ sĩ cao tuổi ở TP.HCM mang tên “Tao ngộ bằng huynh”. Lúc nào ông cũng nở trên môi nụ cười hồn hậu, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn ngay cả với những người chỉ đáng tuổi con cháu. Ông luôn sẵn sàng ngồi vào cây piano đệm đàn cho các ca sĩ hậu bối…
Bị cha đuổi khỏi nhà vì mê nhạc
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang (Ninh Thuận), là con út trong một gia đình rất khá giả có 3 người con. Tuổi thiếu niên, cậu út Ánh tuy gầy gò, ốm yếu nhưng lại mê nhạc đến dị thường. Ngoài những giờ bắt buộc đến trường, về tới nhà là cậu lao vào cây đàn dương cầm của người anh tập chơi theo đĩa bản nhạc cổ điển mượn được của bạn bè, mặc cho ông bố đã từng ra lệnh: “Cấm tiệt Ánh rớ vào đàn”. Bố của Ánh là một người cha nghiêm khắc và gia trưởng, thấy cấm đoán mãi mà cứ như “nước chảy lá môn”, ông bèn áp dụng biện pháp mạnh: vào Sài Gòn ở và “trục xuất” cậu út ra khỏi nhà bằng cách gửi vào ở nội trú Trường Lasan Taberd (nay là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Ai ngờ ở đây các sư huynh cũng có một cây đàn dương cầm. Các thầy không cấm mà còn khuyến khích cậu học đàn.
Được một thời gian thì lộ chuyện, lần này ông bố thẳng tay “tống khứ” cậu lên tuốt Đà Lạt, vào nội trú Trường Yersin. Một mình ở đất lạ, tứ cố vô thân, tưởng chừng như cậu phải dứt bỏ niềm đam mê đeo đuổi. Nhưng, ở Đà Lạt vẫn tiềm tàng một “ngôi sao âm nhạc” đang chờ chiếu vào số mệnh của cậu. Trường Yersin cũng có một cây đàn cũ hầu như không ai rờ tới trừ “thằng ở Sài Gòn lên”! Quan trọng nhất là Ánh may mắn được gặp nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của các ca khúc bất hủ: Ai lên xứ hoa đào, Bài thơ hoa đào, Tà áo tím… Được thầy Hoàng Nguyên tận tình chỉ dạy, Ánh đã tiến triển vượt bậc trong lĩnh vực âm nhạc.
Rồi Nguyễn Đình Ánh được thầy Hoàng Nguyên giới thiệu vào chơi trong chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Đà Lạt và Đài phát thanh Sài Gòn, chương trình Tiếng hát Sinh viên của ca sĩ Duy Trác. Những tưởng cuộc đời nghệ sĩ ấy đã an bài trong vị trí một nhạc công thì bất ngờ anh trở thành… nhạc sĩ sáng tác.
Tiếng dương cầm đã tắt - ảnh 1

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời

Sau một thời gian dài chịu đựng căn bệnh viêm phổi, suy tim, nhạc sĩ Buồn ơi chào mi đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14.4 tại Bệnh viện ĐH Y Dược (TP.HCM), thọ 76 tuổi.


Bản nhạc đầu tay trở thành ca khúc quốc tế
Tháng 8.1970, Nguyễn Ánh 9 cùng với nữ ca sĩ Khánh Ly đi dự Hội chợ Osaka (Nhật). Khánh Ly và ông vốn là chỗ thân thiết, vẫn xưng hô “mày, tao” với nhau. Khánh Ly còn biết khá rõ chuyện tình cảm của bạn mình. Bởi vậy, khi cô hỏi: “Sao, còn thương nó không bạn?”. Sẵn cây đàn guitar đang ôm trong tay, Nguyễn Ánh 9 vừa khảy đàn vừa hát: “Không! Không!… Tôi không còn yêu em nữa…” (cảm hứng từ ca khúc Je ne t’aime plus của Christophe). Khi trở về VN, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này và ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Ca khúc Không được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương, sau đó một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 lần lượt ra đời như Ai đưa em về, Chia phôi, Một lời cuối cho em, Buồn ơi chào mi, Đêm nay ai đưa em về…, được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee khoảng đầu thập niên 1970. Riêng ca khúc đầu tay của ông Không là một trong 2 ca khúc VN (cùng với bản Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn) từng được “quốc tế hoá” chuyển ngữ sang tiếng Hoa, tiếng Nhật…
Chuyện kể rằng, trong một buổi chiêu đãi, có ông khách người Nhật đề nghị nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chơi piano bài Nị, nhạc sĩ bối rối, đề nghị ông khách hát vài câu. Và ông bật cười, ngồi vào đàn chơi hết bản nhạc một cách tinh tế. Vị khách người Nhật ngạc nhiên hỏi vì sao ông biết và chơi thành thạo bản nhạc này, ông trả lời: “Ông sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi biết tôi chính là tác giả ca khúc này”.
Thực ra thì vào năm 1973, ca sĩ người Đài Loan Đặng Lệ Quân (Teresa Teng, diva số 1 châu Á thập niên 1970 – 1980; năm 1986, tạp chí Time – Mỹ xếp bà vào danh sách 10 ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới) thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh các quốc gia trong khu vực. Đặng Lệ Quân tới Sài Gòn ngày 24.7.1973 và biểu diễn ở rạp Lệ Thanh. Tại đây, cô đã chọn ca khúc Không của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (chuyển lời Hoa thành bài Nị – Anh) để hát giao lưu.
Tuy nhiên, ít người biết Đặng Lệ Quân không phải là ca sĩ đầu tiên đưa bài hát này đến cộng đồng người Hoa. Vào năm 1971, ca khúc Không đã từng được phổ biến ở Đài Loan bởi phiên bản tiếng phổ thông có tên Kong với hai giọng ca nổi tiếng thời đấy là Dương Tiểu Bình và Ưu Nhã.
Thuỷ chung một mối tình
25 tuổi, Nguyễn Ánh 9 gặp, yêu và gắn bó suốt đời mình với em gái của một vũ sư nổi tiếng. Cô là một nghệ sĩ nhảy thiết hài (tap dance) mới 20 tuổi, rạng ngời hương sắc. Ông tâm sự rằng hồi đó khi quyết định cưới vợ, ông cũng hơi bốc đồng, muốn chứng tỏ: chúng tôi “xướng ca” nhưng không “vô loài”. Thật may mắn, ông đã cưới được một người vợ “trên cả tuyệt vời”. Đang là một vũ công hàng đầu của loại hình nghệ thuật nhảy thiết hài, người vợ trẻ của Nguyễn Ánh 9 đã từ bỏ tất cả, dù nhiều khi rất nhớ sàn nhảy, nhớ ánh đèn sân khấu, để chăm sóc chồng con suốt gần 50 năm nay.
Ông cũng biết vợ mình hy sinh cho chồng con rất nhiều nên đôi khi cũng rủ bà đến các tụ điểm ca nhạc để bà đỡ nhớ sân khấu, nhưng bà từ chối: “Ngồi nhìn chồng mình đánh đàn đâu có vui sướng gì!”. Chính vì thế mà có thời gian nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mở phòng trà Tiếng Dương Cầm ở nhà mình. Kinh doanh không lời lãi bao nhiêu nhưng có được cái không khí, quần tụ anh em nghệ sĩ để cho vợ khuây khoả… Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 có ý kiến cho rằng do người yêu của ông đặt cho từ hai chữ Nguyễn Ánh, nhưng do trùng tên huý của vua Gia Long nên thêm con số 9 ở phía sau (bởi Nguyễn Ánh gồm có 9 mẫu tự và số 9 là con số may mắn). Tuy nhiên nhạc sĩ cho biết số 9 là để kỷ niệm ngày cưới của mình đồng thời nhắc nhớ ngày sinh nhật của bà xã (ngày 18 (1 + 8 = 9) tháng 8).
Người nhạc sĩ, người thầy, người đàn anh đáng kính ấy đã từ giã chúng ta ở cái tuổi 76. Ông ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của những ai từng gặp gỡ, từng hát nhạc của ông…

Hà Đình Nguyên