Đỏ mắt tìm nhân tài
Nhiều năm qua, các tỉnh ĐBSCL mở cửa chiêu mộ nhân tài về công tác, kèm theo nhiều chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn.
Đỏ mắt tìm nhân tài
Nhiều năm qua, các tỉnh ĐBSCL mở cửa chiêu mộ nhân tài về công tác, kèm theo nhiều chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn.
Tiến sĩ Đoàn Thị Ngọc Thanh (người đứng), phó trưởng khoa nông nghiệp và công nghệ thực phẩm Trường ĐH Tiền Giang, trong giờ thực hành. Cô Thanh là một trong số 4 tiến sĩ về Trường ĐH Tiền Giang theo diện thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Tiền Giang – Ảnh: T.Tú |
Tuy nhiên, kết quả chiêu mộ nhân tài không thật sự như kỳ vọng…
Chiêu hiền đãi sĩ
HĐND tỉnh Cà Mau (khoá VIII) ban hành nghị quyết 21/2013 về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh. Mục tiêu quan trọng của nghị quyết là thu hút nhân tài về Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn như: đối với GS.TS, hỗ trợ một lần bằng 500 lần mức lương cơ sở; PGS.TS, hỗ trợ 400 lần mức lương cơ sở; tiến sĩ: hỗ trợ bằng 300 lần mức lương cơ sở; thạc sĩ: hỗ trợ 180 lần mức lương cơ sở. Còn đối với bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II: hỗ trợ bằng 240 lần mức lương cơ sở; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I: hỗ trợ bằng 120 lần mức lương cơ sở…
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đưa ra nhiều ưu đãi khác: nếu các người tài về tỉnh thì được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định. Ngoài ra, còn được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ; được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục tiếp nhận, hợp thức hoá gia đình về tỉnh sinh sống và làm việc lâu dài…
Trước đó tại Cần Thơ, năm 2010 UBND thành phố cũng đã ban hành quyết định chính sách tương tự như Cà Mau để thu hút người có học hàm, học vị nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung cán bộ, công chức chuyên môn cho các xã, phường, thị trấn… Theo đó, GS.TS sẽ được hỗ trợ lần đầu 100 triệu đồng, PGS.TS là 80 triệu đồng, tiến sĩ y khoa là 60 triệu đồng, thạc sĩ là 40 triệu đồng…
Ngoài ra Cần Thơ còn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ viên chức, công chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu và đạt chuẩn của ngành, cơ quan. Ngoài việc được phân công đi học, mỗi cá nhân có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1, cấp 2 còn được hỗ trợ 40-60 triệu đồng mỗi người.
Tương tự, tại Bến Tre, bà Lê Thị Thanh Thúy, trưởng phòng tổ chức công chức Sở Nội vụ Bến Tre, cho biết theo chương trình thu hút nhân tài của tỉnh, người có trình độ sau ĐH – tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ về công tác tại các cơ quan trong tỉnh được hưởng trợ cấp một lần: tiến sĩ 300 triệu đồng, thạc sĩ 100 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II 100 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I 60 triệu đồng, bác sĩ 50 triệu đồng.
Riêng người tốt nghiệp ĐH về xã, phường, thị trấn công tác được hưởng trợ cấp khó khăn thêm 15% hệ số lương khởi điểm (được hưởng 100% mức lương khởi điểm) trong thời gian tập sự. Sau khi được tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh công chức, cán bộ chuyên trách, hưởng trợ cấp (một lần) 15 triệu đồng.
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định, đưa ra chính sách ưu đãi cho người có bằng thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, nếu về Kiên Giang công tác sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Nếu là GS, PGS.TS về giảng dạy tại các trường CĐ của tỉnh đúng theo chuyên ngành đang thiếu sẽ được hỗ trợ ban đầu 30 triệu đồng.
Ngoài ra, người có học hàm, học vị, có năng lực chuyên môn (không kể trong hay ngoài tỉnh) làm việc trong một thời gian nhất định ở lĩnh vực nào đó theo yêu cầu, được UBND tỉnh chấp thuận, sẽ được trả mức thù lao tối đa 10 triệu đồng/tháng.
Vắng bóng nhân tài
Mặc dù chính sách thu hút nhân tài của các tỉnh ĐBSCL đưa ra khá hấp dẫn, nhưng các trường hợp có trình độ cao về tỉnh phục vụ chỉ tính trên đầu ngón tay qua từng năm.
Cụ thể, Cà Mau sau hơn hai năm tỉnh chỉ thu hút bốn trường hợp, trong đó ba trường hợp có trình độ thạc sĩ, một người có trình độ ĐH. Hậu Giang, suốt giai đoạn 2005-2016 chỉ thu hút được 36 trường hợp tốt nghiệp sau ĐH về phục vụ các đơn vị hành chính; Kiên Giang trong 10 năm không thu hút được trường hợp nào.
Khá hơn là TP Cần Thơ trong 5 năm (2010-2015) thì thu hút được 75 trường hợp có trình độ cử nhân về phục vụ tại xã phường, 3 thạc sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa I, 3 tiến sĩ (nhưng một trường hợp đủ thời gian công tác đã chuyển đi nơi khác làm việc, một trường hợp bỏ ngang phải bồi thường) và 1 PGS.TS.
Theo Sở Nội vụ Bến Tre, chương trình trên cũng chỉ thu hút được 29 bác sĩ trình độ cử nhân, 4 bác sĩ trình độ thạc sĩ và 26 cán bộ tốt nghiệp ĐH về làm việc tại các xã, phường, thị trấn.
Ông Lê Quang Hảo – phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau – cho biết theo kế hoạch, giai đoạn 2012-2015 Cà Mau cần thu hút trên 260 nhân tài, ưu tiên nhiều nhất cho ngành y tế, tiến sĩ chuyên ngành thủy sản hoặc thạc sĩ chuyên ngành bệnh học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì hầu như không có nhân tài nào về tỉnh công tác thuộc các diện này.
Ông Lê Minh Khởi – phó giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang – nhận định nhu cầu thu hút trí thức trẻ xuất sắc, các nhà khoa học trẻ có trình độ, tâm huyết về Kiên Giang làm việc, nghiên cứu khoa học là rất lớn, nhưng thời gian qua việc tuyển dụng chưa tốt, chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng nên tỉnh chưa thu hút được nhân tài nào. Chưa kể có nhiều trường hợp sau khi tuyển dụng được bố trí ngành nghề không đúng chuyên môn, phải đưa đi đào tạo lại…
Đối tượng không hay biết
Anh L.N.K., học thạc sĩ vật lý chuyên ngành vật lý hạt nhân tại TP.HCM, cho hay năm 2009, sau khi tốt nghiệp anh về Cần Thơ xin việc làm nhưng nhiều nơi từ chối, trả lời “không phù hợp”, sau cùng anh xin đi dạy môn vật lý tại một trường ĐH ở TP Cần Thơ. Cũng theo anh K., anh và các bạn sau khi ra trường về làm việc tại các cơ quan nhà nước không ai nghe nói có chính sách thu hút hay hỗ trợ đối với người có bằng cấp cao.
Còn chị N.T.H.P. cho biết sau khi tốt nghiệp ngành dược Trường ĐH Y dược Cần Thơ thì chị không xin được việc làm phù hợp. Chị tự đăng ký học lên thạc sĩ, nhưng khi trở về, đến một số nơi thì đều bảo phải chờ đợi. “Tôi không chờ được nên xin vào công ty dược tư nhân để làm việc. Tôi chưa từng nghe nói có chính sách thu hút nhân tài”, chị P. nói.
Chị T.T.G., đang giảng dạy ở một trường CĐ cộng đồng tại Hậu Giang, cho biết chị học thạc sĩ về và được nhận vào làm ngay. Tuy nhiên chị cũng chưa nghe nói có chính sách hỗ trợ gì đối với người có bằng thạc sĩ. Hiện chị vẫn hưởng lương công chức bình thường như những người khác.
Hỗ trợ 770 triệu đồng cũng vắng người Năm 2012, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh. Theo đó, nếu học tiến sĩ ở các nước Pháp, Nga, Anh, Úc, Mỹ, Nhật các đối tượng về làm việc tại các cơ quan tỉnh Tiền Giang sẽ được hỗ trợ đến 670 lần so với mức lương (nếu nhân mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng, một tiến sĩ về công tác sẽ được hỗ trợ một lần hơn 770 triệu đồng). Đối với thạc sĩ được hỗ trợ 430 lần so với mức lương cơ sở… Nếu tiến sĩ học ở các nước khác (với những nước nêu trên) khi về Tiền Giang công tác sẽ được hỗ trợ 610 lần mức lương cơ sở; thạc sĩ được hỗ trợ 370 lần, viên chức thì được hỗ trợ 366 lần. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nội vụ Tiền Giang, từ năm 2010 – 2015 toàn tỉnh chỉ thu hút được 4 tiến sĩ. Toàn bộ các tiến sĩ này không về khối hành chính công tác, mà xin về nhận công tác tại Trường ĐH Tiền Giang. Tỉnh Tiền Giang còn có chính sách thu hút các tiến sĩ học trong nước, nhưng trong 6 năm qua cũng không thu hút được người nào. |