25/01/2025

Hội chứng ngưng thở ở trẻ em

Hội chứng ngưng thở ở trẻ em là một bệnh ít gặp, bệnh chiếm tỉ lệ 1-3% trẻ em nhỏ hơn 8 tuổi. Bệnh do sự tắc nghẽn đường hô hấp trên trong lúc ngủ, nguyên nhân gây tắc nghẽn thường nhất là VA và amiđan phì đại.

 

Hội chứng ngưng thở ở trẻ em 

Gần một năm nay, con gái tôi, bé Phan Quỳnh H., cứ đến khoảng 0g sáng là bắt đầu khò khè, ngáy, lăn lộn, trằn trọc, giật mình khó ngủ đến sáng. Cháu chỉ khoảng 14,5kg dù đã 2 tuổi. 

Hai vợ chồng đi hết phòng khám này đến bệnh viện nọ tìm cách chữa bệnh cho con, nhưng bệnh của cháu không hề thuyên giảm mà ngày càng nặng. Hai vợ chồng thay nhau trông bé, mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc hằng ngày. Chị T. (quận Bình Tân), chia sẻ trong vẻ mặt buồn bã tuyệt vọng.

Chẩn đoán chính xác bằng nội soi trong lúc ngủ

Qua hỏi bệnh và khám, các bác sĩ nghi ngờ bé bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Nhưng khi khám kiểm tra bằng nội soi lúc thức thấy amiđan và VA của bé không to, không gây tắc nghẽn đường hô hấp, mà thông thường hai cơ quan này là nguyên nhân thường nhất gặp gây tắc nghẽn đường hô hấp trên của trẻ em.

Bé cần được đo thêm đa ký giấc ngủ để có chẩn đoán chính xác hơn trước khi quyết định điều trị. Nhưng cả hai đêm liền bé được tiến hành đo đa ký giấc ngủ đều thất bại, vì khi bé trằn trọc lăn lộn thì các dây nối điện cực đo trên người của bé bị bé rứt rớt ra.

Một cuộc hội chẩn bao gồm bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê được tiến hành. Quyết định sau cùng là bé sẽ được các bác sĩ gây mê tiến hành tiêm thuốc ngủ để tạo ra giấc ngủ gần giống giấc ngủ bình thường, bác sĩ tai mũi họng sẽ nội soi đường hô hấp của bé khi bé ngủ.

Trong khi nội soi, bác sĩ tai mũi họng phát hiện khi bé ngáy to và có cơn ngưng thở cũng là lúc hai amiđan cuộn vào đường hô hấp làm tắc nghẽn đường hô hấp, dù amiđan của bé không to như khi đã nội soi lúc bé thức.

Như vậy bé được chẩn đoán chính xác là bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn do hai amiđan cuộn vào đường thở khi ngủ.

Bác sĩ nhanh chóng thông báo cho gia đình của bé về kết quả nội soi trong lúc ngủ và tiến hành cắt amiđan cho bé.

Ngay đêm đầu tiên sau phẫu thuật theo dõi tại bệnh viện, gia đình và các bác sĩ nhi theo dõi không thấy bé còn triệu chứng như trước nữa.

Sau một tuần rồi một tháng theo dõi, bé đã hết hẳn căn bệnh như một ác mộng cho cả gia đình.

Những triệu chứng hay gặp của chứng ngưng thở

Hội chứng ngưng thở ở trẻ em là một bệnh ít gặp, bệnh chiếm tỉ lệ 1-3% trẻ em nhỏ hơn 8 tuổi. Bệnh do sự tắc nghẽn đường hô hấp trên trong lúc ngủ, nguyên nhân gây tắc nghẽn thường nhất là VA và amiđan phì đại.

Khi trẻ bị bệnh, các triệu chứng thường gặp nhất là khò khè, ngáy to, có cơn ngưng thở, bứt rứt, bồn chồn, thức giấc thường xuyên trong giấc ngủ. Một số trẻ có triệu chứng ác mộng hoặc đái dầm. Ban ngày trẻ thường có triệu chứng buồn ngủ, tăng hoạt động quá mức. Trẻ thường hay có bệnh lý đi kèm như béo phì hoặc chậm lớn suy dinh dưỡng.

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ thường dựa vào sự mô tả của bố mẹ về cơn khó thở khi ngủ, khám bệnh thấy có VA và amiđan to gây tắc nghẽn đường hô hấp trên, kết hợp với đo đa ký giấc ngủ phát hiện trẻ có cơn ngưng thở. Nội soi trong giấc ngủ chỉ được thực hiện trong trường hợp khó, chẩn đoán chưa rõ ràng.

Tình trạng ngưng thở lúc ngủ sẽ gây gián đoạn giấc ngủ, phá vỡ các giai đoạn của giấc ngủ, đồng thời làm thiếu oxy lên não ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ gây hậu quả là rối loạn nhận thức và hành vi của trẻ, hạn chế sự phát triển trí thông minh. Nếu bệnh diễn tiến lâu sẽ gây biến chứng cao huyết áp hoặc rối loạn chuyển hoá do tình trạng thiếu oxy trong máu lâu dài.

Vì nguyên nhân thường gặp là do amiđan và VA phì đại nên cách điều trị bệnh thông thường là cắt amiđan và nạo VA.

Cắt ami đan  ảnh hưởng đến miễn dịch không đáng kể.

Tại phòng khám khoa tai mũi họng hàng ngày có rất nhiều bệnh nhi được cha mẹ đưa đến khám với triệu chứng tương tự như ngáy, trằn trọc khi ngủ, có cơn ngưng thở hoặc do viêm ami đan tái phát nhiều lần.

Nhưng khi được bác sĩ tư vấn bé nên cắt ami đan thì bố mẹ của bệnh nhi rất lo ngại, vì trong dân gian hoặc thậm chí là một số bác sĩ khác khuyên  ami đan là cơ quan miễn dịch để bảo vệ cơ thể, nếu cắt đi bé sẽ không còn gì bảo vệ đường hô hấp nữa, bé sẽ viêm nhiễm đường hô hấp thường xuyên hơn.

Nhưng sự thật là từ rất lâu, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để đo các thành phần miễn dịch do ami đan tiết ra, so sánh các thành phần này trước và sau khi cắt ami đan, người ta nhận thấy có sự thay đổi, nhưng sự thay đổi này không đáng kể.

Do vậy, phẫu thuật cắt ami đan đã trở thành phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất ở trẻ em trên toàn thế giới để điều trị bệnh viêm ami đan tái phát nhiều lần và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Cắt ami đan không cần đợi tuổi.

Nhiều bậc phụ huynh biết chắc chắn con mình bệnh do amiđan, và phẫu thuật cắt amiđan sẽ điều trị dứt điểm được bệnh nhưng vẫn còn ngại đưa con đi cắt amiđan vì sợ con chưa đủ tuổi. Trong dân gian thì nói sau 12 tuổi mới cắt được, có bác sĩ lại nói sau 8 tuổi mới cắt, có bác sĩ lại nói sau 5 tuổi.

Sự thật là không có tuổi nào là cột mốc để cắt amiđan. Amiđan được cắt bỏ không phụ thuộc vào tuổi mà phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ các triệu chứng do ami đan gây ra.

Nếu trẻ dưới 3 tuổi khi cắt amiđan nên ở lại bệnh viện theo dõi từ một đến hai đêm cho tới lúc bé thật sự khoẻ có thể chạy chơi như bình thường thì có thể xuất viện. Bé lớn hơn 3 tuổi sau khi cắt amiđan có thể về nhà ngay hoặc năm lại một đêm tuỳ vào tổng trạng của bé.

Ngày nay nhờ có các dụng cụ phẫu thuật hiện đại như máy cắt trong môi trường nước coblation, tia laser, việc thực hiện cắt amiđan trở nên rất nhanh và dễ dàng, thời gian cho một cuộc mổ chỉ mất khoảng 10 đến 15 phút. Cuộc mổ thường mất khoảng 3-5 ml máu hoặc hoàn toàn không chảy máu.

 

Tuy nhiên để cho một cuộc mổ an toàn, ngoài các xét nghiệm đông máu, bé cần được khám và đánh giá tình trạng nội khoa, tình trạng dị ứng, những khả năng đặt nội khí quản khó để có sự chuẩn bị xử trí kịp thời.