27/12/2024

Làm cách nào phòng bệnh do virút Zika?

Chúng tôi là những người dân ở Q.2, TP.HCM. Mới đây, tôi đọc báo thấy trong khu vực mình ở có một người nhiễm virút Zika nhưng cô ấy vẫn đi làm bình thường.

 

Làm cách nào phòng bệnh do virút Zika?

 

 

Chúng tôi là những người dân ở Q.2, TP.HCM. Mới đây, tôi đọc báo thấy trong khu vực mình ở có một người nhiễm virút Zika nhưng cô ấy vẫn đi làm bình thường. 

 

 

 

 

Tôi rất lo lắng vì bệnh nhân này có thế lây bệnh cho chúng tôi. Sao biết cô ấy mắc bệnh, các cơ quan chức năng không cách ly cô ấy? Những người dân như chúng tôi cần làm gì để phòng bệnh do virút Zika?

(Một số bạn đọc ở Q.2, TP.HCM)

* PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, trả lời: Bệnh do virút Zika thường có triệu chứng sốt nhẹ, phát ban, đau cơ, đau khớp, đa số bệnh cảnh nhẹ và không cần nằm viện.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn (Aedes Aegypti) tương tự bệnh sốt xuất huyết. Bệnh không lây lan qua đường hô hấp, ăn uống hay tiếp xúc hằng ngày.

Do vậy, biện pháp kiểm soát dịch là kiểm soát nguồn bệnh (người nhiễm bệnh) và muỗi ở nơi sinh sống, làm việc.

Ngay sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Zika tại Q.2, bệnh nhân đã được tư vấn không để bị muỗi vằn chích trong vòng 7 ngày kể từ ngày phát bệnh (bệnh nhân phát bệnh từ ngày 29-3, đến ngày 7-4 đã là 9 ngày), vì đây là thời gian lây nhiễm, nghĩa là thời gian này nếu bị muỗi vằn chích thì muỗi có khả năng mang virút lây lan sang người khác qua chích.

Những người có biểu hiện như phát ban, sốt trong bán kính 200m từ nơi ở bệnh nhân đã được nhân viên y tế lấy mẫu, xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với Zika.

Viện Pasteur TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM phối hợp với địa phương đã điều tra và bắt toàn bộ muỗi, lăng quăng trong khu vực ổ dịch; đồng nghĩa với việc khu vực bệnh nhân đã sạch muỗi và lăng quăng.

Sau đó cơ quan y tế địa phương đã phun hoá chất lần nữa đảm bảo sạch muỗi và lăng quăng tại nơi ở và nơi làm việc, cắt đứt đường lây truyền của bệnh.

Tuy nhiên những biện pháp trên chỉ là xử lý dịch tức thì và mang tính tạm thời. Biện pháp căn cơ là người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp cần kiểm soát muỗi, thể hiện qua các hành động cụ thể như dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà, tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay. Mở cửa nhà và hợp tác với chính quyền, y tế trong phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virút Zika.

THUỲ DƯƠNG ghi