Mong ước một cây cầu
Con sông Thu Bồn chảy đến chân Hòn Kẽm Đá Dừng bị thắt ngặt như hình cuống phễu trở nên thật hung bạo.
Mong ước một cây cầu
Con sông Thu Bồn chảy đến chân Hòn Kẽm Đá Dừng bị thắt ngặt như hình cuống phễu trở nên thật hung bạo.
Các em học sinh thôn 1 và thôn 2 xã Hiệp Hòa vẫn hằng ngày đi học trên con đò cũ nát – Ảnh: Tấn Lực |
Dòng nước cuộn chảy dữ dội hằng ngày qua nơi đây dường như muốn cố tình rửa trôi một thảm hoạ đau đớn.
Chuyến đò tang thương
Ngày 27-10-1996, chuyến đò đưa 36 người đi từ bến Hà Trung (thôn 2, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức, Quảng Nam) bị nước lũ lật úp làm 10 người chết. Trong số những người thiệt mạng có hai em nhỏ cùng một phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8. Nhiều ngày sau thảm hoạ, thi thể những người xấu số mới được tìm thấy cách hiện trường hàng chục cây số.
Ngồi bần thần gợi nhớ lại những gì đã xảy ra, ông Võ Quang Bình – nguyên trưởng Công an xã Hiệp Hoà, người may mắn sống sót sau thảm hoạ – run lên vì xúc động.
Ông kể lúc đó khoảng 11g trưa, ông trở về nhà sau cuộc họp tại thôn 2. Con đò nhỏ chở hầu hết nông dân, mấy người đi buôn cùng vài em học sinh qua sông về lại trung tâm xã Hiệp Hoà tròng trành rời bến khi nước lũ đang lên cao. Vừa đến giữa dòng thì đò bất ngờ bị dòng nước xoáy bẻ gãy bánh lái, xoay tròn vài vòng rồi lật úp.
Theo ông Bình, tất cả những người thiệt mạng trưa hôm ấy đều ngồi trong khoang thuyền, do không thoát ra kịp khi đò bị lật úp mà chết.
Ông Văn Bá Thành (62 tuổi) – nguyên thành viên ban giám sát HTX lâm nghiệp Hiệp Hoà, người trực tiếp lái canô ngược xuôi sông Thu Bồn tìm vớt thi thể nạn nhân ngày ấy – nói như muốn khóc:
“Ngày thứ chín, tôi vớt được thi thể cháu tôi, con bé mới 6 tuổi, lúc ấy da thịt đã nở ra như ổ bánh mì nung quá lửa, phải dùng bẹ chuối lồng xuống mới xúc về được. Nhiều người khác phải tìm tới ngày thứ 12 mới thấy thi thể phân huỷ gần hết, trôi lềnh bềnh xuống tận dưới đồng bằng”.
Những cái chết tiếp diễn
Những ngày sau đó, từ thôn 1 đến thôn 5 xã Hiệp Hòa phủ trắng một màu khăn tang, tiếng ai oán, khóc than vang dậy cả núi rừng. Từng đoàn người đưa tang rũ rượi bên quan tài những người xấu số từng là chồng, là vợ con, là anh em xóm giềng thân thuộc.
Suốt một thời gian dài sau đó, dân chúng hai bên bờ sông không ai dám qua đò bởi bị ám ảnh. Ông Thành nói: “Dù sợ hãi là vậy nhưng rồi cuối cùng cũng phải qua sông thôi, dân bên này học hành làm ăn đều ở bên đó, không đi đò thì biết đi đường nào khác nữa đâu!”.
Không dừng lại, đoạn sông này sau đó vẫn tiếp tục giết chết những con người vô tội theo cách riêng của nó.
Người dân Hiệp Hòa hôm nay vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện buồn về cái chết oan ức của em Phạm Thị Dung, trú tại thôn 2.Đêm 18-11-2009, em lên cơn đau tức ở ngực, không lâu sau thì bắt đầu có dấu hiệu khó thở, người yếu dần. 22g, gia đình cõng em đi cấp cứu nhưng vừa tới bến sông mới hay lái đò đã về nghỉ.
Mẹ em – bà Đặng Thị Hiền, vứt bỏ giày dép, băng băng chạy trên bãi sỏi lởm chởm nơi bờ sông đi gọi đò. Hai giờ sau, đò đến nơi thì Dung đã mê man, vừa qua bờ sông bên kia thì mất, năm ấy em mới 14 tuổi, đang là một học sinh lớp 8 ngoan hiền.
Nhắc lại chuyện xưa, bà Hiền đấm ngực tự dằn vặt mình bởi đã không chữa chạy kịp thời cho con. “Từ lúc con bé mất đến giờ tôi vẫn còn mang ân hận, nếu có cây cầu, gia đình đưa cháu tới bệnh viện sớm thì đâu đến nỗi!…”.
Vấn đề là câu chuyện buồn của Dung không phải là cá biệt, những ca phát bệnh đột ngột vì ngăn trở đò giang mà người bệnh phải chết trên tay người nhà ngay tại bến đò này đã không còn là chuyện hiếm.
Người lái đò mong chuyển nghề
Nhiều năm kiếm sống bằng nghề lái đò đưa khách sang sông, ông Phạm Văn Bích (46 tuổi, trú thôn 2) không nhớ nổi mỗi ngày đưa đò mấy trăm chuyến qua lại hai bờ.
Trên con đò tuềnh toàng vì đã khá cũ nát mà bề ngang chỉ rộng vừa chỗ để một chiếc xe máy cùng với gần chục em học sinh ngồi chen chúc trước mũi, ông Bích nói người trong các thôn nghèo giàu thế nào ông đều nắm rõ.
Ngồi trên chuyến đò qua lại sông mấy bận, chúng tôi ngạc nhiên khi chẳng thấy ông thu tiền đi đò của ai thì được ông giải thích rằng tất cả các gia đình trong kia đều khó khăn nên đóng phí đi đò cho người nhà một năm bằng ba thúng lúa, chỉ có khách lạ nơi khác đến ông mới thu mỗi người 5.000 đồng.
Ông bảo nghề lái đò ngày làm đêm nghỉ, nhưng cũng có nhiều đêm ông thức trắng cùng con đò khi người trong thôn gõ cửa nhờ cậy việc hệ trọng lúc ốm đau, tai nạn.
Cũng như hàng trăm hộ dân khác ở vùng này, mong ước lớn nhất của ông Bích là có một chiếc cầu nối liền đôi bờ sông cho trẻ con an tâm đi học, người lớn ra ngoài đi làm. Ông cười, nói: “Nghề lái đò bạc bẽo lắm, không sung sướng gì đâu, có cây cầu thì tôi dù bỏ nghề cũng dễ kiếm chuyện khác làm ăn mà dân hai thôn cũng có cơ hội đổi đời”.
Cách trở đò giang Ông Lương Phước Nghĩa – chủ tịch UBND xã Hiệp Hoà, người tường tận mọi nỗi thống khổ của người dân – cho biết chỉ vì con sông chia cách đôi bờ mà người dân thôn 1 và thôn 2 phải chịu đủ thiệt thòi: “Cùng một rẫy keo như nhau nhưng nếu trồng bên này sông (trung tâm xã) có giá 10 triệu đồng thì ở bên kia sông người ta chỉ mua chừng 5 triệu. Do cách trở đò giang, người dân nuôi được con heo, con gà hay trồng được cây trái gì đều phải bán nửa giá, thậm chí có lúc bán rẻ như cho nhưng thương lái còn nài ép đủ đường rất khổ”. |