24/01/2025

Chuyện người điếc làm phim

Buổi ra mắt những bộ phim tài liệu và phim truyện ngắn tối 2.4 tại rạp Công Nhân (Hà Nội) đã diễn ra thật lạ lùng.

 

Chuyện người điếc làm phim

 

Buổi ra mắt những bộ phim tài liệu và phim truyện ngắn tối 2.4 tại rạp Công Nhân (Hà Nội) đã diễn ra thật lạ lùng. 





Các bạn trẻ khiếm thính tham gia khóa học làm phim của dự án Nghe bằng mắt - Ảnh: Hà My

 

Các bạn trẻ khiếm thính tham gia khóa học làm phim của dự án Nghe bằng mắt – Ảnh: Hà My


Không có tiếng trò chuyện rôm rả hay những âm thanh huyên náo như những buổi lễ bình thường khác bởi nhà làm phim và khán giả chỉ có thể trò chuyện với nhau qua dấu hiệu của đôi tay.
10 bộ phim tài liệu và 2 phim truyện ngắn được thực hiện bởi các đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, thiết kế mỹ thuật, diễn viên… đều là những người khiếm thính. Đây là những bộ phim nằm trong dự án Nghe bằng mắt, do Đỗ Thu Hiền – một nhà làm phim trẻ và những người bạn cùng chung mong ước được chia sẻ niềm đam mê điện ảnh với người khiếm thính thực hiện.
Ước mơ của Cảnh
“Em ước mơ được làm diễn viên, nhưng điều đó gần như là không thể với một người điếc như em”, Nguyễn Hồng Cảnh – chàng trai 23 tuổi tưởng như ước mơ của cậu đã khép lại. Cho tới khi Cảnh bất ngờ biết được thông tin về dự án, anh đã đăng ký và được tuyển chọn vào lớp học. Bất ngờ hơn nữa, Cảnh được chọn làm đạo diễn, lần đầu tiên được phân công vai diễn, chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên. Bộ phim Tạp dề vàng của Cảnh nói về ước mơ trở thành đầu bếp của Duy, một người bạn cùng trong nhóm làm phim.
 
 
Chuyện người điếc làm phim - ảnh 1
Khi xem phim, nếu không có phụ đề tôi chỉ có thể tưởng tượng ra câu chuyện, nhìn thấy nhân vật khóc thì chỉ biết tưởng tượng chuyện gì đang xảy đến với họ. Đến hôm nay tôi đã được xem những bộ phim mà tôi có thể sống cùng với những cảm xúc của nhân vật trong phim

Chuyện người điếc làm phim - ảnh 2
 
Anh Tường Linh
một người khiếm thính
 
Cũng giống như Cảnh, nhiều bạn trẻ khiếm thính làm phim về chính ước mơ của những người bạn xung quanh họ. Cô gái có ước mơ múa của An My là một trong những bộ phim như thế. My đã kể câu chuyện về Thuỷ, người bạn đam mê nhảy múa. Không thể nghe, nhưng Thủy có thể nhảy theo những âm thanh tưởng tượng trong đầu cô. Thái Thành và Tin để vui lại kể về ước mơ giản dị của chàng trai trẻ chỉ là bố mẹ đừng bắt anh trở thành người bình thường. Dường như bố mẹ anh không muốn chấp nhận sự thật con mình là một người điếc. Họ đưa anh đến thầy lang để chữa trị. Ông thầy kéo lưỡi, đập đầu khiến anh đau đớn, nhưng tất cả cũng không thể khiến anh nghe và nói được. Chị Loan – nhân vật của bộ phim Viên gạch yêu thương (Phan Việt), chỉ có một mong muốn: “Mẹ hãy cười lên”. Bởi mẹ cô đã nhiều lần rơi nước mắt thương con gái bị khiếm thính đến khi lấy chồng, sinh được người con trai cũng bị khiếm thính.
Mỗi bộ phim là mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời, mỗi số phận khác nhau. Không được trau chuốt như những bộ phim của những nhà làm phim chuyên nghiệp, nhưng những bộ phim của những nhà làm phim khiếm thính lại mang cảm xúc chân thực của người trong cuộc. Những bộ phim giống như những cánh cửa mở để mọi người bước vào cuộc sống của người điếc, thế giới mà trước đấy rất ít được biết. Thế giới ấy không chỉ có sự tự ti, mặc cảm, mà còn có cả những nỗ lực, yêu thương và hy vọng. “Khi xem phim, nếu không có phụ đề tôi chỉ có thể tưởng tượng ra câu chuyện, nhìn thấy nhân vật khóc thì chỉ biết tưởng tượng chuyện gì đang xảy đến với họ. Đến hôm nay tôi đã được xem những bộ phim mà tôi có thể sống cùng với những cảm xúc của nhân vật trong phim”, anh Tường Linh, một người khiếm thính, chia sẻ.
Kéo gần thế giới của người điếc và người nghe
Người điếc làm phim

Dưới hàng ghế khán giả, ông Nguyễn Đình Khoản chờ đợi bộ phim đầu tay của cậu con trai Nguyễn Đình Khánh. Ông kể, con trai ông sinh ra bị điếc là một cú sốc đối với gia đình. Cả nhà đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng phải chấp nhận điếc bẩm sinh không chữa được. Khánh hiện đã có việc làm ổn định, anh là nhân viên văn phòng trong một cơ quan nhà nước, lấy vợ và sinh con. Cũng giống như Khánh, nhiều người khiếm thính đang nỗ lực để hòa nhập cuộc sống bình thường. “Em từng nghĩ người điếc và người nghe (từ chỉ những người không bị khiếm khuyết về thính giác – PV) có hai thế giới, hai nền văn hóa hoàn toàn xa lạ. Nhưng bây giờ em đã có thể làm được công việc mà một người nghe có thể làm, em thấy mình đến gần với thế giới và văn hóa của người nghe hơn. Điều em muốn nhắn nhủ là các bậc cha mẹ hãy tin tưởng vào những người con bị khiếm thính rằng họ cũng có thể làm được những việc có ích”, Nguyễn Hồng Cảnh chia sẻ.
NSƯT Trung Anh cho biết ông không nghĩ rằng mình lại có thể nhận được nhiều “tác động ngược” khi nhận lời hướng dẫn làm phim (thông qua “phiên dịch” là những người nghe biết sử dụng ký hiệu của người điếc) cho các bạn trẻ khiếm thính như vậy. “Tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ được hiểu hơn về người khiếm thính, những người mà trước đây tôi gần như rất ít có dịp tiếp xúc. Nhưng tôi đã có sự hứng khởi đặc biệt khi được giảng dạy cho các bạn trẻ có nhiều nỗ lực và khát khao rất lớn như thế”, ông nói. Nghệ sĩ Trung Anh mong muốn có thể đưa những người bạn trẻ này vào những vai diễn thích hợp trong các bộ phim dành cho những khán giả bình thường. “Tôi mong sẽ có ngày văn hóa của người nghe và người điếc được thu hẹp lại, không khác xa nhau nữa”, ông nói.

Ngọc An