05/11/2024

Cần sa mua bán như rau

Chỉ cần gọi vào số điện thoại có sẵn trên các trang mạng, cần sa sẽ được mang đến tận nơi, bất kể mua số lượng nhiều hay ít, mua lá hay hạt. Thậm chí, có người còn rao bán cả cây con và hướng dẫn cách trồng…

 

Cần sa mua bán như rau

 

Chỉ cần gọi vào số điện thoại có sẵn trên các trang mạng, cần sa sẽ được mang đến tận nơi, bất kể mua số lượng nhiều hay ít, mua lá hay hạt. Thậm chí, có người còn rao bán cả cây con và hướng dẫn cách trồng…





Rao bán hạt, búp cần sa tràn lan trên mạng - Ảnh: Đức Tiến

 

Rao bán hạt, búp cần sa tràn lan trên mạng – Ảnh: Đức Tiến


Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, trên mạng xã hội thời gian gần đây đang “nở rộ” hoạt động mua bán cần sa. Rất nhiều người rao bán công khai cần sa điếu, bịch, hạt, cây con; giá tuỳ theo trọng lượng và chất lượng.
Không khó để tìm thấy những thông tin đại loại như: “Cần sa Thái, Việt, Cam, điếu lớn 60.000 đồng/điếu, điếu nhỏ 40.000 đồng/điếu. Hàng 100% thiên nhiên, không hóa học. Anh em nào mua nhiều thì ưu đãi lớn. Mua 5 tặng 1, mua 10 tặng 2. Giao dịch trực tiếp, ai ở Sài Gòn thì giao hàng tận ổ. Ai ở xa thì lấy ship”. Hoặc: “Cuối tuần rồi phê thôi nào anh em. Cam 150.000 đồng/bịch 4 gr 250.000 đồng/bịch 7 gr. Giao dịch trực tiếp ở TP.HCM, gần thì giao hàng không tính phí”…
“Làm thuốc gì mà làm thuốc”
Mới đây, qua vài lời chào hỏi trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi làm quen với một người tên Q. (ngụ Q.10, TP.HCM), người được dân chơi cần sa đặt cho một biệt danh đi liền với loại cây “chết người” là Q. “cần sa”. Q. được biết nhiều do là địa chỉ tin cậy của các “đệ tử” mê khói cần sa; đặc biệt là giới trẻ. Q. cung cấp đầy đủ tất cả các “mặt hàng” mà khách yêu cầu. Từ cần sa điếu tới bịch lá, hoa, hạt và cả cây con. Không những thế, người này rất rành trong việc trồng và chăm sóc cây cần sa. “Ông trồng hút thì nói mẹ cho rồi chứ lòng vòng làm gì, làm thuốc gì mà làm thuốc. Chỗ tui có bán hạt. Ông mua thì tui bán cho. Một hạt thì “10 k” (1 k được hiểu là 1.000 đồng – NV), 15 hạt thì giảm còn 8 k/hạt, 20 hạt thì tính 6 k/hạt, trên 50 hạt thì tính 5 k/hạt. Mua thì mai ông qua Q.5 hoặc Q.10 tui bán cho”, Q. “xổ toẹt” khi chúng tôi ngỏ ý nhờ hướng dẫn cách trồng để làm thuốc.
Hình ảnh cây cần sa được rao bán với giá 500.000 đồng/cây - Ảnh: lấy Từ mạng xã hội

Hình ảnh cây cần sa được rao bán với giá 500.000 đồng/cây – Ảnh: lấy Từ mạng xã hội


Không chỉ bán hạt cần sa, mà Q. còn bán cả cây cần sa con. “Cây con thì mắc hơn, từ 500.000 – 900.000 đồng/cây. Loại 500.000 đồng thì hai lá bằng nửa móng tay thôi, giống như cây giá vậy, còn loại 900.000 đồng thì cây lớn hơn chút. Mà mua loại này thì phải đặt trước 5 ngày, chờ chuyển từ Lâm Đồng về”, Q. nói. Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại trồng trọt mất thời gian, Q. vồ vập ngay: “Vậy thì lấy về hút luôn cho nhanh. Một “pack” (1 bịch – NV) giá 150.000 đồng. Còn điếu thì có hai loại 50.000 đồng/điếu và 70.000 đồng/điếu. Mua 5 điếu tặng 1 điếu. Mua 10 điếu tặng 3 điếu. Hàng chất lượng đảm bảo, khỏi lo”.
Chiều 1.4, chúng tôi đặt mua 2 điếu và 10 hạt cần sa với giá 200.000 đồng thì được Q. hẹn gặp trước một trường học trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10). Đến điểm hẹn, chúng tôi gọi vào số 012… thì Q. nghe máy và bảo: “Chờ chút 5 phút nữa có người giao hàng”. Chỉ ít phút sau, một thiếu niên khoảng 15 – 16 tuổi từ trong hẻm bước ra, mắt dáo dác nhìn tới lui rồi tiến lại gần chúng tôi. Cậu bé nhanh chóng thò tay vào túi quần móc ra một bịch ni lông nhỏ bằng 3 ngón tay, trong đó có hai điếu cần sa quấn và 10 hạt nhỏ màu xám giống hạt tiêu rồi nói “xem hàng đi”. Chúng tôi chê “hạt lép” nên không mua khiến cậu bé này có vẻ khó chịu.
Chỉ cần gọi điện “đặt hàng” thì lập tức “đệ tử” của Q. sẽ giao hàng cho khách

Chỉ cần gọi điện “đặt hàng” thì lập tức “đệ tử” của Q. sẽ giao hàng cho khách


Đáng nói, qua nhiều lần liên hệ đặt hàng với nhiều cách thức khác nhau, chúng tôi phát hiện Q. không bao giờ xuất hiện mà chỉ để những “đàn em” có độ tuổi từ 15 -17 đi giao hàng cho khách. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lần “giao dịch” thành công, những em này sẽ được trả công từ 20.000 – 30.000 đồng.
Rất nguy hiểm
Tại Củ Chi (TP.HCM), nhiều hộ dân đang trồng cần sa để cho heo, gà ăn và chữa bệnh. Khi chúng tôi đến, ông U. (nhà ở vùng ven của H.Củ Chi), đang cắt khoảng 15 nhánh cây cần sa để ở sân chuẩn bị bằm nhỏ, trộn với chuối và cám cho heo, gà ăn. Thậm chí, ông này không giấu giếm chuyện phơi khô lá cần sa để ngâm rượu uống chữa đau bụng. Tương tự, anh N.H cũng trồng 4 cây cần sa. “Lúc trước có mười mấy cây nhưng lãnh đạo xã xuống mấy lần nhắc nhở, kêu chặt bỏ đi nên chỉ còn vài cây sót lại”, anh H. kể và cho biết thêm “ở đây không ai dám trồng nhiều vì có trồng nhiều cũng bị xã đến chặt đi à”.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN), trong y khoa, cần sa, thuốc phiện được sử dụng trong các trường hợp giảm đau (đau do ung thư, đau bụng); dùng chữa bệnh đường hô hấp, tiêu chảy. Tuy nhiên, việc sử dụng những chất này phải có sự am hiểu, do thầy thuốc chỉ định. Nếu tự ý dùng bừa bãi cần sa sẽ rất nguy hiểm. Vì cần sa có tính gây nghiện nên dùng bừa bãi sẽ bị nghiện, bị lệ thuộc; và có thể gây kích thích hưng phấn cơ thể một cách quá khích dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, tiêu cực.
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Đại học Y Dược, TP.HCM) khuyến cáo: “Ngoài việc gây nghiện, nếu tự dùng bừa bãi cần sa, thì với trường hợp đau bụng mà dùng chất giảm đau sẽ rất nguy hiểm, làm lu mờ triệu chứng diễn tiến bệnh nặng mà không biết. Chẳng hạn, nếu đau bụng do ruột thừa, mà cứ dùng thuốc giảm đau đến khi ruột vừa viêm nhiễm, vỡ cũng không hay”.
Có thể tử hình đối với hành vi mua bán
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: “Cần sa hay còn được gọi là tài mà, bồ đà… là chất ma tuý bị cấm theo Nghị định 82 năm 2013 của Chính phủ. Nên hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt cần sa là vi phạm pháp luật và tuỳ theo số lượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm tương ứng khung hình phạt theo điều 194 bộ luật Hình sự. Cụ thể, người nào tàng trữ vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm. Nếu vận chuyển, tàng trữ, mua bán lá, hoa, quả cây cần sa có trọng lượng từ 25 kg đến dưới 75 kg thì thuộc khoản 3 điều 194 bộ luật Hình sự, với hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân, đến tử hình. Còn người nào sử dụng trẻ em (dưới 16 tuổi) để vận chuyển cần sa là tình tiết định khung hình phạt theo điểm e, khoản 2, điều 194 bộ luật Hình sự là sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em. Ngoài ra, việc sử dụng người chưa thành niên có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo điều 252 bộ luật Hình sự hiện hành. Theo đó, người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ 1 – 5 năm”.
Đối với những người “giao hàng” từ 15 – 17 tuổi như phóng viên ghi nhận, luật sư Chánh cho rằng nếu họ biết đây là cần sa mà vẫn giúp sức cho người bán, thì tuỳ mức độ hành vi sẽ bị truy cứu với vai trò đồng phạm…


 

Thanh Niên