24/01/2025

2.800 xe bốn bánh không biết xếp vào loại xe gì

Chỉ riêng tại TP.HCM có hơn 2.800 chiếc xe mà người dân không biết xếp chúng vào loại xe gì: ôtô hay xe thô sơ?

 

2.800 xe bốn bánh không biết xếp vào loại xe gì

 

 

Chỉ riêng tại TP.HCM có hơn 2.800 chiếc xe mà người dân không biết xếp chúng vào loại xe gì: ôtô hay xe thô sơ?

 

 

 

 

2.800 xe bốn bánh không biết xếp vào loại xe gì
Một chiếc xe đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM – Ảnh Như Hùng

Đây là loại xe mà một bộ phận người dân còn khó khăn dùng làm phương tiện kiếm sống hằng ngày: chở hàng thuê.

Hình dáng loại xe này được thiết kế chẳng khác một chiếc ôtô tải loại nhỏ. Theo đó, xe có bốn bánh, phía trước có cabin với hai chỗ ngồi, lái bằng vôlăng; hệ thắng, ga, côn được điều khiển bằng chân; phía sau để chở hàng…

Nếu đưa đi đăng kiểm, không chiếc nào đạt

Anh N.T.H. (Q.Gò Vấp) là một trong số hàng ngàn trường hợp chạy loại xe nói trên để kiếm sống hằng ngày trên nhiều ngả đường của TP. Mỗi ngày anh H. kiếm được 300.000-400.000 đồng nhờ chiếc xe chở hàng bốn bánh 
của mình.

Chiếc xe của anh H. được mua từ năm 2010 với giá hơn 40 triệu đồng. Theo anh, nó cứ hư hỏng thường xuyên và hư đến đâu sửa đến đấy, cứ thế mà chạy. Anh H. cho biết xe loại này khi chạy thấy an toàn hơn chiếc xe ba gác mà anh từng làm phương tiện kiếm sống nhiều năm trước.

Tuy nhiên, anh H. khẳng định chiếc xe bốn bánh anh đang chạy cũng như nhiều chiếc xe khác cùng loại, nếu đưa vào đăng kiểm kiểm tra như cho ôtô hiện nay thì không có chiếc nào đạt. Anh H. cho rằng nếu đặt vấn đề đăng kiểm thì cần có những quy định riêng, bộ phận đăng kiểm riêng cho loại xe này.

Còn đề cập các dấu hiệu khi loại xe chở hàng bốn bánh này đổ các dốc cầu, dốc đường… thường hay bị rung lắc, bằng kinh nghiệm chạy xe của mình, anh H. giải thích điều này do hệ thống lái của xe được thiết kế không có 
trợ lực.

Trong khi đó, người dân khi lưu thông gặp phải những xe này đều cảm thấy bất an. Những ý kiến lo lắng thường tập trung vào các biểu hiện của chiếc xe như cũ kỹ, chắp vá…, song lại chạy với tốc độ cao, chở nhiều hàng hoá, có thể gây mất an toàn cho chính người dùng chiếc xe cũng như những người xung quanh cùng chạy xe trên đường.

Người dân cũng đặt vấn đề không biết loại xe này được xếp vào loại ôtô hay xe thô sơ? Người dân đề nghị cần xem xét, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ có thể dẫn đến mất an toàn do chưa kiểm soát chặt chẽ những yếu tố kỹ thuật đảm bảo an toàn của 
chiếc xe.

Hỏi cơ quan chức năng loại xe nói trên được xếp vào loại xe nào và các quy định về quản lý, kiểm soát an toàn tương ứng, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM cho biết loại xe vừa được đề cập được gọi chung là “xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ”.

Theo đơn vị này, đây là loại xe được định nghĩa: là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có hai trục, bốn bánh xe, có phần động cơ và thùng lắp ráp trên cùng một xát xi (dàn khung dưới – tương tự ôtô tải có trọng lượng dưới 3.500kg). Vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 60km/h, khối lượng bản thân xe không lớn hơn 550kg.

Cấp biển số để chạy 
“thí điểm”

Hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ do đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM đảm trách. Tính đến thời điểm hiện nay đã cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số cho 2.805 xe; thường mang biển số 50TĐ-XXX.XX (X là các số của mỗi xe).

Một cán bộ đội cảnh sát giao thông Phú Lâm (Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM) cho biết loại xe này nhỏ giống như xe tải, cho phép lưu thông nhưng không có đăng kiểm.

Đây là loại xe cho phép chạy thí điểm thời gian qua nên có biển số chữ “TĐ” nghĩa là “thí điểm”. Người điều khiển xe phải có bằng lái xe tải, khi kiểm tra xử phạt, cảnh sát giao thông cũng áp dụng những lỗi thuộc xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ nhưng không phân định rõ được xe này thuộc loại xe tải hay thô sơ nên ít khi chặn xe kiểm tra xử phạt.

Nói về tính an toàn của loại xe này, cán bộ cảnh sát giao thông này phân tích do xe không có thông số kiểm định nên chính cảnh sát giao thông cũng không biết cụ thể ra sao.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quan sát bằng mắt thường cho thấy những xe này khó đảm bảo chất lượng an toàn. Chẳng hạn như khi chở quá tải nhìn rất nguy hiểm bởi tải trọng xe nhỏ, còn tài xế phần lớn leo lên “lái đại” bởi thường xuất thân từ xe ba gác chuyển qua, không có bằng lái đúng chuẩn, trong khi kính chiếu hậu cũng không bao quát tầm nhìn bởi người ngồi trong thùng xe nhỏ xíu…

Còn một cán bộ đội cảnh sát giao thông Công an Q.Gò Vấp cho biết hiện “xe tải con” được phép lưu thông nhưng không cần phải kiểm định.

Thường cảnh sát giao thông hiếm khi chặn lại kiểm tra, trừ khi người lái xe vi phạm quá đáng, bởi biết cuộc sống họ khó khăn như những người lái xe ba gác. Các lỗi thường thấy như chở cồng kềnh, đi đường cấm và khi kiểm tra mười xe thì đến chín xe là người điều khiển không có bằng lái.

Bản thân là cảnh sát giao thông nhưng cũng không biết rõ thông số kỹ thuật hay có những trường hợp phải xử phạt loại xe này như thế nào cho đúng. Ít ra, khi cho phép các cửa hàng mua bán và cho phép đưa xe vào sử dụng trên đường phố, cơ quan chức năng phải thống nhất bằng những văn bản liên quan, thông báo từ khâu kiểm định đến sở GTVT, công an. Còn hiện nay không thấy một văn bản của cơ quan nào thống nhất rõ ràng…

Không nên cấm tức thì

Thạc sĩ Lê Minh Tiến (giảng viên xã hội học ĐH Mở TP.HCM) nhấn mạnh: để giải quyết vấn đề xe thô sơ, cần phải tiến hành từng bước một chứ không nên thực thi lệnh cấm tức thì.

Trước hết nên tiếp tục các chính sách cho vay vốn, hỗ trợ học nghề cho những cư dân có liên quan nhưng vẫn chưa bắt buộc họ phải dừng ngay việc kiếm sống bằng phương tiện xe thô sơ bằng cách quy định các tuyến đường được phép lưu thông, quy định kích cỡ các loại hàng hóa được phép chuyên chở để đảm bảo an toàn cho người khác.

Sau một khoảng thời gian nào đó, có thể từ sáu tháng đến một năm thì buộc họ phải thay đổi hẳn sinh kế của mình. Nếu làm như vậy thì có thể vấn đề xe thô sơ mới được giải quyết một cách có hiệu quả.

Đề nghị phải có đăng kiểm

Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP cho biết thêm theo quy định, đối với loại xe nói trên phải được đảm bảo nguyên tắc không cho phép chạy trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường bộ được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp I và cấp II.

Theo các quy định hiện hành, phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ do chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, song phải đảm bảo nguyên tắc như vừa nêu.

Còn lãnh đạo Sở GTVT TP nhấn mạnh sở đã có tham mưu cho UBND TP theo hướng cần quản lý xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ như đối với ôtô, nghĩa là một trong những yêu cầu phải có là đăng kiểm xe.

QUỐC THANH – SƠN BÌNH ([email protected])