23/01/2025

Dễ nổi giận do não nhiễm ký sinh trùng

Đột nhiên nổi giận mà không thể kiểm soát được, như tranh cãi không đáng trên đường phố, có thể là kết quả của tình trạng não nhiễm ký sinh trùng toxoplasma gondii ở mèo.

 

Dễ nổi giận do não nhiễm ký sinh trùng

 

Đột nhiên nổi giận mà không thể kiểm soát được, như tranh cãi không đáng trên đường phố, có thể là kết quả của tình trạng não nhiễm ký sinh trùng toxoplasma gondii ở mèo.




Nên thận trọng khi nuôi và chăm sóc mèo - Ảnh: Shutterstock

 

Nên thận trọng khi nuôi và chăm sóc mèo – Ảnh: Shutterstock


Trong cuộc nghiên cứu với hơn 350 người trưởng thành, những người bị chứng rối loạn tâm lý gọi là Rối loạn bùng nổ đứt quãng (IED) có nguy cơ cao gấp đôi nhiễm ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis so với các cá nhân khỏe mạnh.
Để rút ra kết luận về sự liên quan giữa IED với ký sinh trùng, Giáo sư Emil Coccaro thuộc Đại học Chicago (Mỹ) và nhóm của ông đã chọn 358 người trưởng thành, trong số này 1/3 mắc IED, được mô tả là tình trạng nổi giận với lời nói và hành động không phù hợp với hoàn cảnh; 1/3 số người bị những chứng rối loạn tâm lý khác và 1/3 còn lại hoàn toàn bình thường.
Các chuyên gia phát hiện 22% số người bị IED được xác định dương tính với toxoplasmosis, so với 9% ở nhóm người khoẻ mạnh. Khoảng 16% trong nhóm mắc các chứng rối loạn tâm lý khác cũng nhiễm toxoplasmosis. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ chỉ phát hiện được mối liên hệ giữa bệnh toxoplasmosis và tâm trạng dễ nổi giận, chứ không thể kết luận cụ thể rằng toxoplasmosis gây nên tính khí bất ổn ở người, hoặc khuyên con người nên từ bỏ chuyện nuôi mèo. “Không phải ai dương tính với toxoplasmosis cũng đều có thái độ gây gổ”, theo Giáo sư Coccaro, Trưởng khoa ngành khoa học thần kinh về tâm lý và hành vi tại Đại học Chicago. Thế nhưng nhiễm ký sinh trùng có vẻ như “nâng cao nguy cơ xuất hiện hành vi hung hãn”, theo chuyên gia Mỹ.
Báo cáo đăng trên chuyên san Clinical Psychiatry đã bổ sung chứng cứ cho thấy toxoplasmosis, thường không gây triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ, bằng cách nào đó đã can thiệp vào cơ chế hoá học của não và đẩy họ vào tình trạng rối loạn hành vi về lâu dài.
Các nghiên cứu trước đó đã thiết lập sự liên hệ giữa bệnh toxoplasmosis do ký sinh trùng Toxoplasma gondii ở mèo với bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, tâm lý bốc đồng và hành vi tự sát. Cụ thể, Jaroslav Flegr, Giáo sư sinh học thuộc Đại học Charles (CH Cezch) cho hay kết luận của nhóm Giáo sư Coccaro đã xác nhận báo cáo của nhóm mình thực hiện trong hơn 2 thập niên qua. Theo đó, họ phát hiện sự tồn tại của toxoplasmosis có liên hệ với những chấn thương và các ca tử vong bắt nguồn từ hành động bạo lực ở những nước cụ thể.
Tuy nhiên, cái mà họ vẫn chưa xác định được là cơ chế liên quan đến hành vi con người của ký sinh trùng ở mèo. Theo Giáo sư Coccaro, tăng phản ứng chống viêm nhiễm của não là giả thuyết hàng đầu có thể giải thích được tình trạng này. Theo đó, toxoplasmosis kích thích cơ thể tạo ra các chất kháng thể. Một khi đã vào được cơ thể người, ký sinh trùng toxoplasma gondii có thể di chuyển đến cơ bắp vào não bộ. Khi đến não, toxoplasma gondii có thể nằm ẩn bên trong tế bào, kích hoạt phản ứng chống viêm nhiễm làm tổn hại đến tế bào thần kinh trong quá trình hệ miễn dịch cố gắng tiêu diệt ký sinh trùng này.
Hiện mèo là vật chủ duy nhất có thể chứa chấp ký sinh trùng toxoplasma gondii, và con người có thể bị nhiễm kén trứng đã thụ tinh của loài này trong quá trình dọn dẹp vệ sinh cho mèo, làm việc trong vườn nhiễm kén; hoặc ăn thịt chưa nấu chín kỹ, rau quả không rửa kỹ. Toxoplasma gondii có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về thần kinh và thậm chí khiến thai chết lưu nếu thai phụ nhiễm ký sinh trùng ở mèo.

Tụ Yên