23/01/2025

Chọn trường tốt để giao quyền tự chủ

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các trường ĐH phía Nam để lắng nghe những khó khăn và đề xuất giải pháp trong thực hiện tự chủ các trường ĐH tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ chiều 31-3.

 

Chọn trường tốt để giao quyền tự chủ

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các trường ĐH phía Nam để lắng nghe những khó khăn và đề xuất giải pháp trong thực hiện tự chủ các trường ĐH tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ chiều 31-3.

 

 

 

 

Chọn trường tốt để giao quyền tự chủ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các trường đại học có điều kiện tốt sẽ tiến hành tự chủ trước, sau đó nhân rộng ra các trường khác – Ảnh: Chí Quốc

Với quan điểm không chỉ dừng lại ở 13 trường ĐH đang được thí điểm tự chủ vì “có mất gì đâu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các trường cần “đặt hàng” cụ thể với ông để tháo gỡ, tìm giải pháp.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đồng tình với việc giao cho các trường ĐH tự chủ nhưng cũng lưu ý nhiều vấn đề liên quan. Ông Nguyễn Phong Quang, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng tự chủ là đúng nhưng phải đi lên từng bước bằng cách chọn các trường có cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo tốt để làm trước rồi nhân rộng sau chứ không thể “đùng một cái tự chủ hết là chưa được”.

Ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho hay một số trường thực hiện thí điểm thì đợt tuyển sinh năm 2015 họ cũng ngại, sợ tăng học phí thì thí sinh không thi vào nhưng tất cả các trường đó tuyển sinh rất tốt, nhiều thí sinh có điểm cao.

“Vấn đề học phí không phải là cái người ta quan tâm mà là chất lượng, uy tín của nhà trường, sau này tìm được việc làm thôi” – ông Ga nói.

Đồng thời ông Ga cho rằng một số trường công lập như ĐH Cần Thơ có tăng gấp đôi học phí thì vẫn chưa bằng học phí của trường ngoài công lập mà “không lẽ chất lượng không bằng để sinh viên phải học trường ngoài”.

Cũng theo ông Ga, các thí sinh thuộc diện chính sách, khó khăn Nhà nước có chính sách về miễn giảm học phí, học bổng nên những em này nếu học ở các trường tự chủ cũng được hưởng chính sách này bình thường.

TS Cao Văn Phường – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM – cho rằng tự chủ không chỉ có vấn đề học phí mà nếu cho tự chủ thì đầu tiên các trường phải có quyền thiết kế chương trình, mục tiêu phù hợp thực tế phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tiếp đến là được chọn nhân sự, chủ động trong vấn đề tài chính…

Ông dẫn chứng có thời kỳ Trường ĐH Mở TP.HCM mở các khoa như phụ nữ học, Đông Nam Á học… thì Bộ GD-ĐT chưa hề cho mã ngành. Tuy nhiên ông Phường cũng lưu ý khi tự chủ thì phải có hội đồng nhà trường để giám sát hoạt động của hiệu trưởng cũng như các thành viên hội đồng.

Cùng quan điểm với ông Phường, PGS.TS Lê Quang Minh, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng tự chủ bao gồm rất nhiều vấn đề chứ không chỉ có chuyện thu – chi tài chính và ông đề nghị các trường cần nghiên cứu nghị định của Chính phủ về tự chủ cho ĐH Quốc gia TP.HCM và Hà Nội để có đề xuất cụ thể với Chính phủ và Bộ GD-ĐT.

Ông Minh cho rằng tự chủ là xu thế sẽ đến với các trường trọng điểm, việc thúc đẩy sẽ làm cho vấn đề này diễn ra sớm hơn mà thôi.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi tiến hành tự chủ thì luôn đi đôi với yêu cầu công khai, nên việc giám sát như nêu trên là không phải vấn đề đáng lo.

Kết luận hội nghị, ông Đam cho biết Chính phủ không buộc hơn 200 trường đều phải tự chủ hết mà trước mắt chọn ra một số trường có điều kiện tốt để làm nòng cốt, nhân rộng.

“Tôi rất mong một số trường như Trường ĐH Cần Thơ đặt ra, làm, có quyền tự chủ và chất lượng đào tạo tốt. Không phải bắt tự chủ bây giờ mà đang mở ra cho các trường thấy lợi ích của việc tự chủ, nhưng tới lúc nào đó cũng phải bắt buộc. Những trường đã tốt rồi thì phải đặt ra (tự chủ – PV)” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đề nghị giám sát đào tạo “có danh không có thực”

Tại buổi làm việc, TS Trần Thượng Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đã đặt câu hỏi: “Tại sao hiện nay mở đào tạo sau ĐH ồ ạt nhưng lại thất nghiệp, thật vô lý”. “Các đồng chí đi học nước ngoài đều biết ở họ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành kỹ thuật không đào tạo tại chức mà ở ta thì phần lớn lại đào tạo tại chức nên phải xem lại, đào tạo vậy sao có chất lượng được”.

Theo ông Tuấn, hiện nay các giảng viên lao vào dạy mà không lo nghiên cứu nên sẽ không có trường ĐH nghiên cứu.

“Chúng ta dạy như thế nhiều quá mà không nghĩ tới hậu quả của nó, mà ở ĐBSCL là nơi thạc sĩ thất nghiệp nhiều. Đề nghị Bộ GD-ĐT giám sát chặt chẽ việc này, không thể để đào tạo sau ĐH tràn lan, có danh mà không có thực như thế’’ – ông Tuấn đề nghị.

CHÍ QUỐC