Báo động nạn trẻ bị xâm hại tình dục
Số liệu thống kê của một số cơ quan thể hiện tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng và ở mức đáng báo động trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân tại sao?
Báo động nạn trẻ bị xâm hại tình dục
Số liệu thống kê của một số cơ quan thể hiện tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng và ở mức đáng báo động trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân tại sao?
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang hướng dẫn các em học sinh tiểu học kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em – Ảnh: Lê Thanh Trung |
Số liệu thống kê của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy trẻ bị người thân quen xâm hại rất cao, độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi.
Phần nổi của tảng băng
Số liệu thống kê mới nhất được công bố ngày 29-3 tại tọa đàm “Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Lao động – thương binh và xã hội, UNICEF khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tổ chức cho thấy trong 5 năm (2011-2015), có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung.
Con số này khiến nhiều người phải giật mình.
Tuy nhiên, là một chuyên gia lâu năm nghiên cứu về vấn đề bảo vệ trẻ em, ông Nguyễn Trọng An (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động – thương binh và xã hội) cho rằng số liệu thống kê nói trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Thực tế, những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hoà nhập lại với cộng đồng.
Báo cáo của TAND tối cao cho thấy trong nhiều trường hợp, các bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù vì bị đe doạ và sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người lớn đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại, từ đó các em lại bị xâm hại nhiều lần.
Có trường hợp mặc dù các cháu bé là người bị hại đã kể lại chuyện bị người khác xâm hại tình dục cho người lớn nghe nhưng người lớn lại thờ ơ, coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc hoặc có thái độ bao che cho hành vi vi phạm của người thân.
Một đối tượng dễ bị xâm hại tình dục là trẻ em lang thang, trẻ đường phố. Lợi dụng việc các em thiếu sự quan tâm của gia đình, nhiều đối tượng đã dùng lợi ích vật chất để dụ dỗ các em.
Trước đó, vào tháng 1-2016, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Vadim Scott Benderman (tên gọi khác là Ben, 46 tuổi, quốc tịch Canada) 4 năm tù về tội dâm ô với trẻ em.
Ben nhập cảnh Việt Nam từ đầu tháng 6-2014, sau đó làm giáo viên dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở Q.Nam Từ Liêm và chơi nhạc tại một quán bar ở Q.Hoàn Kiếm. Trong vòng nửa năm, Ben đã dâm ô nhiều lần với khoảng 4 bé trai.
Cần có những chế tài nghiêm minh
Tại sao số vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục lại ngày càng gia tăng? Theo ông Nguyễn Trọng An, vấn đề này có nhiều nguyên nhân: “Nguyên nhân thứ nhất là do mặt trái của kinh tế thị trường”.
Nhiều trẻ em di cư ra thành thị, bố mẹ mải lo kiếm ăn nên các em bị rơi vào nguy cơ dễ bị lạm dụng, bị xâm hại. Vấn đề thứ hai là hiện nay mạng lưới phòng ngừa rất yếu. Các cộng tác viên, cán bộ chăm sóc trẻ em tại các địa phương đều thiếu về số lượng lẫn kém về chất lượng.
“Họ không làm tròn chức năng phòng ngừa, bảo vệ trẻ em từ xa. Bảo vệ trẻ em thì quan trọng nhất theo tôi vẫn là phòng ngừa, tuyên truyền”, ông An cho biết.
Theo ông An, pháp luật ở nước ta xử lý không nghiêm. Có trường hợp cán bộ cao cấp bị phát hiện có hành vi dâm ô với trẻ em thì bị xử nhẹ hơn so với dân thường.
Nếu ở Mỹ mà có hành vi xâm hại tình dục với trẻ em thì phải lãnh mức án rất cao. Gia đình muốn bảo lãnh để bị can được tại ngoại phải bỏ ra một số tiền rất lớn.
“Luật của họ nghiêm minh như vậy, ở nước ta sự việc xảy ra không ai biết, hoặc biết rồi thì lại xử không nghiêm minh nên số vụ việc trẻ em bị xâm hại cứ ngày càng gia tăng” – ông An chia sẻ.
5.300Đó là số vụ xâm hại tình dục trẻ em trong 5 năm (2011-2015), trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung.
Giúp bảo vệ trẻ em và trẻ em tự bảo vệ Với mục đích “Hành động để đảm bảo mọi trẻ em đều được an toàn”, tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang – giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM – đang giúp ý thức bảo vệ trẻ em, nhất là vấn đề xâm hại ở trẻ em, dần dần lan toả. Từ việc tư vấn cho một người bạn làm một bộ phim ngắn 12 phút về xâm hại tình dục ở trẻ em, sau đó bộ phim Bạn cần biết nói không đoạt giải vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2014, tiến sĩ Linh Trang đã quyết định đem nội dung của bộ phim tới gần hơn với những bậc phụ huynh cùng các em học sinh tiểu học. Từ việc mong muốn trang bị cho các em học sinh tiểu học kiến thức tự bảo vệ mình, tiến sĩ Linh Trang đã trình bày với các hiệu trưởng nhà trường đang theo học tại Học viện Cán bộ TP.HCM và được chào đón. Tiến sĩ Linh Trang nhận định số vụ xâm hại trẻ năm sau luôn cao hơn năm trước, số trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ tuổi, đó là vấn đề của cách giáo dục về vấn đề tình dục và giới tính của nước ta chưa tới. Cũng chính vì lẽ đó mô hình giáo dục để tránh xâm hại tình dục ở trẻ em của cô Trang luôn được mọi người ủng hộ. Gần 40 lớp với hơn 20.000 học sinh tiểu học thuộc TP.HCM và địa phương lân cận đã được tiếp cận hoàn toàn miễn phí với những bài học về xâm hại tình dục ở trẻ em của cô Linh Trang và các cộng sự tự nguyện. Phương pháp giảng dạy của tiến sĩ Trang: 12 phút phát sóng bộ phim, 40 phút còn lại để hỏi lại các em về nội dung đã được nhắc đến trong đoạn clip. Việc làm của tiến sĩ Trang giúp các em học sinh tiểu học nhận diện được thế nào là bị xâm hại, hành vi xâm hại, đối tượng xâm hại và các chiêu trò kẻ xấu dụ dỗ để xâm hại. Bên cạnh việc tự bảo vệ bản thân thì pháp luật, gia đình, nhà trường và xã hội là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của trẻ. |
Theo ông Nguyễn Trọng An – nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, biện pháp thiết yếu và cần phải tăng cường để ngăn ngừa việc trẻ em bị xâm hại tình dục là hỗ trợ kiến thức để cha mẹ bảo vệ trẻ em. “Bố mẹ phải dạy con những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, không được để người lạ sờ vào, không đi về khuya, không đi vào chỗ tối… để phòng ngừa các nguy cơ. Quan trọng nhất trong bảo vệ trẻ em vẫn là phòng ngừa, sau đó mới đến vấn đề can thiệp về y tế. Chúng ta cũng cần chấn chỉnh, sửa đổi lại luật pháp với các quy định nghiêm minh hơn. Ví dụ như các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phải có mức án thật nghiêm khắc, bố mẹ nếu bạo lực con thậm chí phải tạm thời tước quyền nuôi con của họ…” – ông An kiến nghị. |
* Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.8, TP.HCM): Số vụ việc xử lý rất hiếm hoi
Thông tin tố giác tội phạm mà các cơ quan tố tụng nhận được từ gia đình các trẻ bị lạm dụng tình dục có thể nói là rất nhiều, không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay cả các đô thị lớn. Tuy nhiên, thực tế có một khoảng cách lớn giữa số lượng thông tin tố giác vụ việc với số vụ việc được xử lý hình sự. Cái khó đầu tiên đó là quan niệm, phong tục tập quán của Việt Nam khác với các nước. Do mối quan hệ gần gũi, nhiều người thân, họ hàng có thể dễ dàng thân mật với trẻ, nên những hành vi như ôm hôn, nựng trẻ… rất thường xuyên mà không bị phản ứng. Thứ hai là cái khó trong việc thu thập chứng cứ. Hiếm lắm mới có những vụ việc mà có người khác chứng kiến để có thể làm nhân chứng chứng minh hành vi phạm tội. Theo quy định của điều 116 Bộ luật hình sự, người đã thành niên nếu có hành vi dâm ô với trẻ em thì bị xử lý theo 3 khung hình phạt, nhẹ nhất có thể bị xử phạt 6 tháng tù, nặng nhất có thể tới 12 năm tù. Có thể nói quy định của pháp luật đối với hành vi này là đủ nghiêm khắc nhưng thực tế, do các khó khăn trên thì số vụ việc được xử lý hình sự rất hiếm. * Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): Luật còn thiếu chặt chẽ
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết theo Bộ luật hình sự hiện hành, có 4 tội danh liên quan hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đó là: hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em và dâm ô đối với trẻ em. Thực tế có 2 tội danh thường gặp và cơ quan tố tụng áp dụng định tội rất khó chuẩn xác, rạch ròi là tội danh hiếp dâm trẻ em và dâm ô với trẻ em (mức hình phạt nhẹ hơn). Có nhiều trường hợp đáng lý phải bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em nhưng đã bị chuyển xuống tội danh dâm ô đối với trẻ em. Sắp tới TP.HCM và nhiều tỉnh thành sẽ có toà gia đình và người chưa thành niên, đó là việc rất đáng mừng. Theo luật sư Liên, việc triển khai các toà đó với nhân sự được đào tạo phù hợp để xét xử, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của trẻ em. Thông qua đó, nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi hành vi xâm hại ngày càng được nâng lên đúng mức. |