05/11/2024

Bằng mọi giá để đạt “chuẩn quốc gia”, giáo viên bị quá tải?

Trước việc nhiều giáo viên đang phải chịu áp lực từ ba chữ “chuẩn quốc gia”, rất nhiều chuyên gia giáo dục và bạn đọc bày tỏ nỗi bức xúc khi bệnh thành tích đang là nguyên nhân của nhiều vụ việc sai phạm từ giáo viên đến học sinh.

 

Bằng mọi giá để đạt “chuẩn quốc gia”, giáo viên bị quá tải?

 

“Giáo viên nếu lúc nào cũng làm đúng, đánh giá thật thì sẽ không bao giờ đạt được yêu cầu của cấp trên với hàng trăm thứ, công việc phải đạt xuất sắc” – ý kiến của một bạn đọc. 

Bằng mọi giá để đạt “chuẩn quốc gia”, giáo viên bị quá tải?
Đối với những giáo viên có tâm huyết, họ luôn nghĩ ra những phương án để làm sao đảm bảo chất lượng dạy, học – Ảnh: T.T

Câu chuyện “ám ảnh trường chuẩn quốc gia” nhận nhiều quan tâm của bạn đọc.

Trước việc nhiều giáo viên đang phải chịu áp lực từ ba chữ “chuẩn quốc gia”, rất nhiều chuyên gia giáo dục và bạn đọc bày tỏ nỗi bức xúc khi bệnh thành tích đang là nguyên nhân của nhiều vụ việc sai phạm từ giáo viên đến học sinh.

Giáo viên đánh giá sai để có thành tích?

ThS Lê Hoàng Giang, giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng việc đặt áp lực thành tích có thể khiến một số giáo viên cố tình đánh giá sai học sinh để có thành tích.

Theo phân tích của ThS Lê Hoàng Giang, khi chịu áp lực từ phía nhà trường, giáo viên có thể có 2 xu hướng phản ứng khác nhau.

Đối với những giáo viên có tâm huyết thì họ sẽ cảm thấy rất nặng nề, luôn phải nghĩ ra những phương án để làm sao vừa đảm bảo chất lượng học sinh, vừa đảm bảo chỉ tiêu nhà trường đặt ra. Họ có thể tổ chức những tiết dạy không công để cải thiện trình độ cho những học sinh yếu kém. Như vậy vừa tốn công, vừa mệt mỏi, vừa rất áp lực cho họ.

Bên cạnh đó cũng có nhiều giáo viên nghĩ rằng việc dạy học và cho điểm thế nào là việc của họ, mặc kệ nhà trường muốn đưa ra chỉ tiêu thế nào thì đưa, họ cứ cho học sinh điểm tốt dù học sinh ấy chưa xứng đáng để đạt được thành tích. Ban giám hiệu không thể xuống kiểm tra từng bài tập, từng bài kiểm tra của học sinh được.

“Ban giám hiệu nhà trường phải quản lý được cách đánh giá học sinh của giáo viên chứ không thể để cho giáo viên tự ý làm hết. Từ đó mới thấy được rằng cách quản lý của mình còn kém và không thành một hệ thống trong nhà trường” – ThS Lê Hoàng Giang nhận định.

Không thể bằng mọi giá để đạt “chuẩn quốc gia”

Theo ThS Lê Thị Loan, nguyên trưởng Khoa Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục (Hà Nội), tiêu chuẩn “chuẩn quốc gia” vẫn đang là mục tiêu mà giáo dục VN và giáo dục quốc tế hướng đến.

“Đây là tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục của các cấp học. Chủ trương thì tốt, tuy nhiên có thể khi áp dụng ở từng địa phương, do ban lãnh đạo từng phòng, từng sở đặt ra những yêu cầu không thực tiễn làm cho giáo viên bị quá tải chăng?” – ThS Lê Thị Loan đặt ra vấn đề.

Tiêu chuẩn của một trường chuẩn quốc gia là thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, có thể một số trường tuy chưa đạt đến mức đó nhưng vì muốn có thành tích nên vẫn ép cả thầy, cả trò vào tình trạng học quá tải.

ThS Lê Thị Loan cho rằng không phải trường nào cố gắng mọi giá cũng có thể đạt “chuẩn quốc gia”. Có được danh hiệu này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tiễn của trường, ví dụ như điều kiện đầu vào của học sinh, điều kiện của đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất,…

“Phải khẳng định rằng chủ trương là tốt, đây là xu hướng chung của cả thế giới, mỗi trường đều phải phấn đấu để đạt được danh hiệu “chuẩn quốc gia”. Nhưng phấn đấu như thế nào, từng bước để đạt được hay bằng mọi cách để đạt được thì còn là vấn đề đáng phải bàn” – ThS Lê Thị Loan nói.

Cho rằng danh hiệu “chuẩn quốc gia” vẫn là cần thiết để các trường có mục tiêu phấn đấu, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng nói: “Tuy nhiên trong giáo dục thì hoàn toàn không nên có áp lực về thành tích bởi vì đó không chỉ là áp lực lên giáo viên mà còn lên chính học sinh và phụ huynh của các em”.

Theo ThS Lê Hoàng Giang, việc mỗi nhà trường tự đặt ra tiêu chí về chất lượng học sinh và kết quả học tập cũng là việc bình thường.

Tuy nhiên việc thực hiện làm sao để đạt được chỉ tiêu đã đặt ra thì phải theo một phương pháp, một định hướng dạy học cụ thể chứ không thể chỉ đặt áp lực lên giáo viên phải đảm bảo con số chứ không quan tâm đến chất lượng.

ThS Lê Hoàng Giang đánh giá đây là một điều hoàn toàn sai lầm mà giáo dục VN đang mắc phải.

Còn nhiều tiêu chí khác để đánh giá chất lượng

Theo ThS Lê Thị Loan, tiêu chí đảm bảo chất lượng không chỉ nằm ở tỉ lệ học sinh được lên lớp hay đạt loại khá, giỏi. Còn một tiêu chuẩn bền vững hơn đó chính là sự tiến bộ của mỗi học sinh so với đầu vào hoặc dựa trên quá trình phấn đấu.

“Nếu nhà trường có khả năng giúp đỡ một học sinh từ yếu kém đến trung bình thì đó đã là một điều đáng ghi nhận rồi chứ cũng không cần tỉ lệ khá giỏi. Đó là một tiêu chí mà các nhà giáo dục cần phải tính toán thêm để có thể đưa vào tiêu chuẩn “chuẩn quốc gia” – ThS Lê Thị Loan nêu ý kiến.

ThS Lê Thị Loan cũng cho ràng nhiều lãnh đạo các phòng, sở giáo dục cũng thường có tâm lý muốn “đốt cháy giai đoạn”, có nhiều trường đạt chuẩn để có thành tích. Tuy nhiên không nên vì thế mà đặt áp lực lên giáo viên mà nên bắt đầu từ những điều kiện hiện có và đầu tư vào những điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đầu vào học sinh,…

Theo cô Nguyễn Thị Hiền, hiện nay phương pháp giáo dục đổi mới dành cho học sinh tiểu học đã bỏ hình thức chấm điểm mà chỉ đánh giá qua năng lực và phẩm chất của học sinh. Việc này phần nào cũng giảm được áp lực của các thầy cô giáo về vấn đề thành tích.

Vấn đề tinh giản biên chế giáo viên còn nhiều bất cập?

ThS Lê Hoàng Giang cho biết theo quy định, giáo viên nào trong 2 năm liên tiếp không được danh hiệu lao động tiên tiến thì sẽ bị giảm biên chế.

Mức đánh giá lao động tiên tiến của giáo viên lại phụ thuộc vào kết quả điểm số của học sinh. Do vậy, giáo viên nào cho điểm nghiêm túc thì lại có khi bị rơi vào một trong những đối tượng xem xét tinh giảm biên chế.

“Nhiều giáo viên từ đó sẽ hình thành suy nghĩ là tại sao mình không tự cứu bản thân mình bằng cách cho học sinh điểm cao dù không đúng với thực lực? Bộ GD&ĐT đã vô tình đưa ra tiêu chí tinh giản biên chế làm các giáo viên phải lừa dối nhau, lừa dối học sinh và phụ huynh, không đánh giá một cách chính xác được ai là người dạy tốt, ai là người kém về chuyên môn” – ThS Lê Hoàng Giang nói.

Tinh giản biên chế là điều cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhưng nên suy xét thay đổi những đối tượng tinh giản biên chế để giáo viên đỡ chịu áp lực.