23/01/2025

1.000 tỉ đồng để lát vỉa hè bằng granite: Không nên lát toàn bộ

Liên quan đến đề xuất kế hoạch lát lại vỉa hè trên 134 tuyến đường bằng đá granite của UBND Q.1 với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

 

1.000 tỉ đồng để lát vỉa hè bằng granite: Không nên lát toàn bộ

 

Liên quan đến đề xuất kế hoạch lát lại vỉa hè trên 134 tuyến đường bằng đá granite của UBND Q.1 với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.





Một đoạn đường Lê Thánh Tôn đã được lát đá mới - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Một đoạn đường Lê Thánh Tôn đã được lát đá mới – Ảnh: Diệp Đức Minh


“Con nhà nghèo đòi mua iPhone”


1.000 tỉ đồng để lát vỉa hè bằng granite: Không nên lát toàn bộ - ảnh 1
Việc bỏ ra cả nghìn tỉ đồng để lát toàn bộ 
vỉa hè của Q.1 lúc này như kiểu con nhà nghèo thấy bạn bè xài iPhone cũng đòi mua iPhone cho bằng được vậy. Chúng ta còn nhiều dự án dân sinh quan trọng ngay tại Q.1 cần được đầu tư hơn là làm sang vỉa hè lúc này
1.000 tỉ đồng để lát vỉa hè bằng granite: Không nên lát toàn bộ - ảnh 2

 KTS Ngô Viết Nam Sơn

Tiến sĩ (TS) – kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, người thực hiện thành công nhiều dự án quy hoạch đô thị tại các nước phát triển nhận định: “Đây là việc làm vội vã và không hợp hoàn cảnh đang phát triển của đô thị như TP.HCM. Trong xu thế phát triển, việc làm đẹp bộ mặt TP nhận được nhiều ủng hộ, song việc bỏ ra cả nghìn tỉ đồng để lát vỉa hè của Q.1 lúc này như kiểu con nhà nghèo thấy bạn bè xài iPhone cũng đòi mua iPhone cho bằng được vậy. Chúng ta còn nhiều dự án dân sinh quan trọng ngay tại Q.1 cần được đầu tư hơn là làm sang vỉa hè lúc này”.

Giải thích cho nhận định này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trên thế giới, những TP đã ổn định hoàn toàn về quy hoạch như New York, Hồng Kông, Singapore… nhưng cũng chỉ những khu vực tài chính, thương mại đã được quy hoạch lâu đời, không có chuyện phát sinh dự án xây dựng mới làm đá hoa cương.
Còn TP.HCM là đô thị đang phát triển, hạ tầng chưa ổn định, những tòa nhà đã và sẽ tiếp tục mọc lên ngay khu vực trung tâm, lát đá hoa cương lúc này, về sau chắc chắn sẽ có tình trạng lật lên để làm hệ thống cáp ngầm. Như vậy là vô cùng lãng phí.
“Tốt nhất UBND Q.1 nên tham khảo làm vỉa hè bằng xi măng, sơn sửa lại, làm các trụ điện khang trang… Hoặc thay vì lát hết vỉa hè của 134 tuyến đường, chỉ cần chọn lọc lát 5 – 10 tuyến đường có nhu cầu đi bộ nhiều, đầu tư làm đường ống ngầm bên dưới thật hiện đại. Để nếu có phát triển các dự án xây dựng sau này, chỉ cần đưa thêm các đường dây vào đường ống ngầm này là xong”, KTS Sơn nói.
Đồng ý với quan điểm cần đầu tư làm đẹp mỹ quan TP, nhưng TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng TP còn quá nhiều dự án hạ tầng cần tiền để cải tạo, thay đổi, xây mới để giải quyết vấn đề dân sinh chứ không chỉ là “vẻ đẹp lấp lánh” trên các tuyến đường Q.1. Nếu có cuộc “cách mạng” chỉnh trang đô thị, việc cấp bách trước mắt, theo TS Trần Du Lịch, là làm hạ tầng nhằm tháo gỡ những “nút thắt” gây nghẽn giao thông đô thị.


1.000 tỉ đồng chưa phải là tổng kinh phí  
Trước những băn khoăn về số kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 1.000 tỉ đồng, ngày 29.3, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), nói: “Không phải tổng kinh phí đầu tư lát đá hơn 130 tuyến vỉa hè này là 1.000 tỉ đồng, mà đây là số tiền được các doanh nghiệp đã gắn bó lâu năm trên địa bàn Q.1 đề xuất tham gia đóng góp để quận thực hiện đầu tư chỉnh trang lại toàn bộ vỉa hè. Còn kinh phí cụ thể là bao nhiêu, quận sẽ tính toán kỹ trong lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2019 sau khi UBND TP đồng ý chủ trương”. Ông Thuận khẳng định: “Kế hoạch là vậy nhưng khi có sự đồng thuận thì mới triển khai, bởi mục đích cuối cùng là vì tương lai của TP, phục vụ lợi ích lâu dài của người dân, nhưng nếu chưa có sự đồng tình chỗ nào thì chúng tôi tiếp tục thuyết phục, chứ không làm theo kiểu chủ quan, duy ý chí”.
Tân Phú

Về số tiền 1.000 tỉ đồng này không lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, mà từ nguồn thu thưởng ngân sách vượt và tiền thu từ quảng cáo của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận theo báo cáo của UBND Q.1, TS Lịch nhấn mạnh: “Tất cả tiền bạc dù bất kỳ từ nguồn nào để làm hạ tầng giao thông cũng liên quan đến ngân sách. Lấy tiền từ thu vượt ngân sách cũng có nghĩa là từ tiền của dân mà ra. Nên giải thích này tôi nghĩ không thuyết phục. Tôi chỉ lấy ví dụ tại khu vực Thảo Điền, Q.2 nối tiếp giáp vào Q.1, nơi tập trung khu nhà ở cao cấp, nhiều trụ sở văn phòng nhà đầu tư… nhưng hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng quá tải, nhếch nhác, kết nối với đoạn xa lộ cứ vào giờ cao điểm là bị nghẽn hàng giờ. Nếu đổ 1.000 tỉ đồng vào chỉ để lát gạch đá hoa cương để làm đẹp bộ mặt TP lúc này nói theo thuật ngữ kinh tế là gây phí tổn cơ hội. Tôi không đồng ý triển khai dự án tốn kém như vậy lúc này, nghe không ổn lắm”, TS Lịch nhận định.

Chỉ nên lát granite ở khu trung tâm
Là người làm du lịch, mong muốn bộ mặt TP sạch, đẹp, an toàn để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nhưng ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt không đồng ý với lý do dùng 1.000 tỉ đồng lát đá hoa cương để thu hút khách du lịch.
Theo ông Huê, đối với TP hiện nay, cái khách du lịch cần là sạch và an ninh. “Mình thường có tật lớn là làm theo phong trào để làm truyền thông và báo cáo. Nhưng du khách mỗi ngày cần an ninh, sạch đẹp. Do đó điều cần là bỏ tiền làm vệ sinh đường phố, lo cho an ninh, trật tự… thường xuyên. Cái này không tốn nhiều mà nếu làm được như vậy du khách sẽ đến VN nhiều hơn. Thậm chí, họ còn về nước tuyên truyền cho ngành du lịch TP”, ông Huê nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Quyền, chuyên gia về du lịch cho rằng, dùng đá lót đường là granite là không cần thiết. Q.1 lập luận là để thu hút khách du lịch thì không đúng, không có cơ sở vững chắc. Cần thiết nhất là tạo vỉa hè sao cho thông thoáng. Ở Q.5 thí điểm làm hàng rào dọc đường đã tạo ra sự thông thoáng và ngăn cướp giật. Hiện không gian vỉa hè đang bị xâm hại. Giải quyết các vấn đề này cần thiết hơn là dùng 1.000 tỉ đồng để lót đá hoa cương vỉa hè.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, chi phí để mua đá hoa cương sẽ cao gấp 2 – 3 lần nếu làm đá lát vỉa hè thông thường trong khi mỹ quan đô thị không phụ thuộc vào sự hào nhoáng bằng những vỉa hè lát đá hoa cương mà chính là sự chỉn chu, văn minh trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, chỉ cần sửa chữa hoặc thay những viên gạch bị bể hỏng, chỉnh trang lại những lề đường bị vỡ, hỏng hóc. Còn lại, hãy để tiền đầu tư cụ thể vào những dự án hạ tầng mà có liên quan đến mạng sống con người.
Từng dành gần 2 năm để nghiên cứu vấn đề làm đường, vỉa hè tại TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Phước Đại, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khẳng định trong khu đô thị Q.1 có gần 1 triệu m2 vỉa hè mà đồng bộ như vậy hết thì không đảm bảo thoát nước. Đặc biệt, hồn đô thị không đảm bảo khi đá granite toàn màu xám và đen.
Theo KTS Đại, TP có 3 khu là chợ Bến Thành truyền thống; khu Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão là khu dịch vụ bán lẻ và khu 3 Nguyễn Huệ là khu trung tâm tài chính. Khu 3 đồng ý lát đá granite nhưng đá phải được xử lý để chống trơn trượt và thoát nước được.
Khu chợ Bến Thành, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão nên sử dụng gạch khối, đá khối để lát giống như các con đường Pháp làm trước đây như ở trước bưu điện, nhà thờ Đức bà TP. Làm như vậy sẽ tránh trơn trượt vì hai nơi này người dân và du khách đi lại rất nhiều, giúp thoát nước tốt và quan trọng là có thể đào lên làm lại.
Bố trí chỗ cho người bán hàng rong ở trung tâm TP
Ngày 29.3, tại cuộc họp báo về kinh tế – xã hội quý 1/2016, Phó chủ tịch UBND Q.1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết Q.1 thực hiện thí điểm khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định trên lề đường Nguyễn Văn Chiêm, khu vực công viên cảng Bạch Đằng (đối diện số 18 – 20 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1). Theo đó, dự kiến thời gian kinh doanh từ 6 – 8 giờ, từ 11 – 13 giờ mỗi ngày.
Ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng phòng Kinh tế Q.1, cho biết thêm mỗi trường hợp được giải quyết theo quy định của quận được bố trí khoảng 6 m2 để buôn bán. Trung tuần tháng 4.2016 sẽ thực hiện thí điểm, thời gian thí điểm kéo dài trong vòng 1 tháng.
Sau khi Thanh Niên ngày 23.3 phản ánh tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm TP.HCM, ngày 29.3, UBND Q.1 có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND 10 phường trên địa bàn Q.1 vận động các cơ sở kinh doanh cho phép khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Theo đó, chủ tịch UBND 10 phường triển khai việc tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán ăn, khách sạn trên địa bàn phường hướng dẫn và cho phép người dân, khách du lịch được sử dụng nhà vệ sinh tại địa chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh (có bảng ghi “Sử dụng nhà vệ sinh miễn phí”, bảng này do UBND 10 phường cung cấp cho các cơ sở kinh doanh).
Tân Phú


Nguyên Nga – Đình Sơn