23/01/2025

Tinh hoa tơ lụa hội tụ

Ngày 28.3, Ngày hội văn hoá tơ lụa VN – châu Á 2016 tổ chức lần đầu tiên ở làng lụa Hội An (Quảng Nam).

 

Tinh hoa tơ lụa hội tụ

Ngày 28.3, Ngày hội văn hoá tơ lụa VN – châu Á 2016 tổ chức lần đầu tiên ở làng lụa Hội An (Quảng Nam). 




Chiêm ngưỡng tơ lụa tại Ngày hội tơ lụa VN - châu Á 2016 - Ảnh: An Dy

 

Chiêm ngưỡng tơ lụa tại Ngày hội tơ lụa VN – châu Á 2016 – Ảnh: An Dy


Các chuyên gia đến từ những nền văn hoá tơ lụa hàng đầu thế giới đã cùng kết nối và tìm hướng phát triển cho ngành lụa.
Đưa lụa vào đời sống hiện đại
Làm cách nào để tơ lụa phát triển và được sử dụng phổ biến trong đời sống hiện đại, đó là trăn trở của hơn 70 đại diện đến từ các trung tâm nghiên cứu, hiệp hội tơ lụa, các tập đoàn tơ lụa nổi tiếng ở châu Á và thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa châu Á, ông Dilip Barooah (người Ấn Độ), cho biết: “Mặc dù trên thực tế, sản phẩm tơ lụa chỉ chiếm 0,5% thị phần thương mại thời trang toàn cầu, trong tổng số quy mô thị trường là 1,15 nghìn tỉ USD, nhưng tôi vẫn tự tin khẳng định, thị trường tơ lụa truyền thống đang trong xu hướng phát triển. Trong đó, châu Á luôn là thị trường giàu tiềm năng của sản phẩm tơ lụa, không chỉ về mặt sản xuất mà cả tiêu thụ”.


Tinh hoa tơ lụa hội tụ - ảnh 1
Ngày hội văn hoá tơ lụa VN – châu Á 2016 là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa

Tinh hoa tơ lụa hội tụ - ảnh 2

Ông Li Jilin 
Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới

Đại diện Ấn Độ mang đến 2 dòng sản phẩm tơ lụa nổi tiếng thế giới là lụa Mumbai và Cashmere. Đây là lần đầu tiên lụa Cashmere Ấn Độ đến VN qua những sản phẩm sử dụng thường nhật như váy áo, lụa, khăn lụa… Trung Quốc có sản phẩm của thủ phủ lụa Hàng Châu và Tứ Xuyên với những sản phẩm lụa mang tính ứng dụng cao vào đời sống hiện đại từ khâu thiết kế mẫu đến khả năng giặt và sử dụng dễ dàng. Myanmar có những dải lụa với hoa văn rất đặc biệt và rực rỡ, dành riêng cho các sự kiện, lễ hội… VN có sản phẩm và nghệ nhân đến từ các làng lụa cả nghìn năm tuổi như lụa An Giang, Vạn Phúc, Thái Bình, Hà Đông, lụa Chăm – Ninh Thuận, Mã Châu – Duy Xuyên…
Nói đến phát triển ngành may công nghiệp với các sản phẩm cao cấp từ tơ lụa phải nhắc đến Nhật Bản. Ông Takao Watanabe, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thành phố Kyoto (Nhật Bản), đã chia sẻ cách làm của ngành lụa Nhật: “Ở nước chúng tôi, các viện nghiên cứu nông nghiệp sẽ nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Và hiện tại, chúng tôi có hơn 200 công ty may mặc, giới thiệu gần 600 sản phẩm lụa khác nhau, với các mẫu mã độc đáo nhất để người Nhật hiểu rõ đây là hàng “Made in Japan” và trước tiên hướng tới người tiêu dùng Nhật Bản”.
Trung Quốc thì chọn cách đưa lụa vào tay người trẻ. “Nhiều nhà thiết kế nước ngoài đến làm ăn tại Trung Quốc vẫn phải kết hợp với các nhà thiết kế trẻ Trung Quốc và nhận định đó là con đường đúng để có chỗ đứng trong thị hiếu của giới trẻ Trung Quốc”, một đại diện trẻ đến từ một tập đoàn tơ lụa lớn của Trung Quốc chia sẻ tại Ngày hội tơ lụa VN – châu Á.
Nguồn cảm hứng từ tơ lụa
Ông Li Jilin, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới, cho rằng: “Ngày hội văn hoá tơ lụa VN – châu Á 2016 là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hoá tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa”.
Với chủ đề Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại, ngày hội đã đặc biệt thu hút sự quan tâm của những người trẻ yêu lụa. Nhà thiết kế thời trang trẻ của VN Đinh Bách Đạt đã tìm đến các làng lụa truyền thống hàng trăm năm tuổi của VN như Vạn Phúc, Quảng Nam… tìm hiểu quy trình ươm tơ dệt lụa theo kiểu thủ công, truyền thống, kết nối và tìm cảm hứng với lụa Việt. Những bộ sưu tập thời trang lụa của Đinh Bách Đạt như Quê hương Việt Nam, Hòn ngọc Viễn Đông được đón nhận nhiệt tình từ phía những người yêu tơ lụa.
Một cô gái trẻ yêu lụa khác là Đỗ Khải Ly (24 tuổi), Giám đốc truyền thông và quản lý dự án phát triển Bảo tàng Làng lụa Hội An, chia sẻ tham vọng xây dựng một trung tâm may đo các sản phẩm từ lụa cho cả thế giới. Theo Khải Ly, Hội An xưa vốn là một thương cảng cổ chuyên buôn bán lụa với cả thế giới. Và di sản thừa hưởng hôm nay là lượng du khách đến Hội An ngày càng đông để từ đó những cửa hàng may đo thời trang ra đời. Khách du lịch đến và đặt may những trang phục theo ý thích và chỉ sau một buổi, họ có thể nhận ngay những sản phẩm may đo đúng yêu cầu để tiếp tục hành trình khám phá di sản. Các nhà thiết kế và thợ may chuyên nghiệp ở Hội An sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của những vị khách Ý với phong cách thời trang cao cấp, cho đến những vị khách Âu Mỹ sẵn sàng chi trả cả chục nghìn USD để sở hữu những bộ trang phục cầu kỳ từ lụa tơ tằm thủ công…
“Một trung tâm sản xuất, phân phối sản phẩm lụa Việt và thế giới, kết nối với các cửa hàng may đo chuyên nghiệp tại làng lụa Hội An, tại sao không? Đây sẽ là nơi liên kết với các ông lớn về tơ lụa trong khu vực để cung cấp các sản phẩm tơ lụa đặc chủng nhất của VN, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản… Như vậy, các đơn vị may đo thời trang sẽ không phải khó khăn trong việc tìm kiếm những nguồn vải cao cấp, giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng từ đó sẽ được giảm bớt, tăng khả năng tiêu thụ và phổ biến sản phẩm lụa trong đời sống hiện đại”, Đỗ Khải Ly chia sẻ ý tưởng táo bạo nhưng hy vọng sớm trở thành hiện thực.

An Dy