Thức cùng phố đi bộ
Muốn biết người trẻ đang thích ăn gì, cuồng gì… hãy ra phố đi bộ. Muốn tìm nơi mát mẻ để gặp gỡ, vui chơi, cứ ra phố đi bộ.
Thức cùng phố đi bộ
Muốn biết người trẻ đang thích ăn gì, cuồng gì… hãy ra phố đi bộ. Muốn tìm nơi mát mẻ để gặp gỡ, vui chơi, cứ ra phố đi bộ.
Muốn lang thang một mình, vẫn là phố đi bộ – cung đường độc đáo như một thế giới thu nhỏ của người trẻ TP.HCM.
7 giờ tối, có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, không khí dịu mát, không gian thoáng đãng, lung linh ánh đèn, dòng người đông đúc đang tản bộ, vui chơi và chụp hình. Có người vừa tản bộ vừa thưởng thức một ly trà đào chua chua, một que kem hình thú lạnh tê người. Cũng có nhóm tụm năm tụm bảy và bắt đầu những câu chuyện tán gẫu cùng vài bịch bánh tráng trộn, xen lẫn là những tiếng cười giòn tan…
Đâu đó xa xa, những chú hề bong bóng với đủ sắc màu giữa vòng vây của đám trẻ con hiếu kỳ. Những anh chàng trượt ván thực hiện những màn trình diễn điêu luyện, “đánh bóng” mặt đường. Các bạn trẻ xúng xính với đủ mọi phong cách thời trang. Phố đi bộ Nguyễn Huệ chính là nơi hội tụ những “gu” thời trang phong phú nhất, từ bụi bặm, thanh nhã đến phi giới tính… tạo nên sự “muôn màu muôn vẻ” cho cung đường này.
Những bữa tiệc vòng tròn
Không khí nhộn nhịp, tất bật của Sài Gòn về đêm chẳng khác gì so với ban ngày được tái hiện qua phố đi bộ một cách rõ nét.
Cứ đi một đoạn lại có một nhóm bạn trẻ đam mê nghệ thuật tụ tập để giao lưu, trình diễn. Đấy là những màn hip hop rộn ràng, những âm thanh chân thực của đàn guitar mộc, tiếng gõ lấc cấc xập xình của trống cajon, cộng với tiếng sáo du dương, tiếng đàn tranh nhẹ nhàng… Tất cả tạo nên một bữa tiệc âm nhạc sống động.
Đến đây đa phần là những nhóm nhạc không tên tuổi. Đơn giản chỉ là những người bạn chưa từng quen biết, họ ra phố đi bộ và gặp nhau trong âm nhạc, trong những điệu nhảy. Điểm chung gắn kết những con người này là niềm đam mê nghệ thuật, ai cũng có thể hoà nhập. Đơn cử, nhóm nhảy của hai chàng trai với biệt danh Bears và Panda, nhưng rất khó để nhận ra thành viên nhóm nhảy vì xoay quanh họ luôn có rất đông người cùng nhảy. Do không có “bạn cùng tiến” để lập nhóm nên mọi người tụ tập tại đây, cùng nhau khoe hết tài năng của mình. Trong số đó, có một cậu nhóc mới 10 tuổi rất hăng hái nhảy. Chúng tôi hỏi: “Em trai hả?”, Bears cười và nói: “Em này là một khán giả hay xem tụi mình biểu diễn nên muốn tham gia học nhảy”.
Phố đi bộ cũng chính là một sân khấu đường phố cho những nhóm nhạc từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Họ đến đây và chỉ cần đàn vài ca khúc hợp âm sôi động là ngay lập tức có rất nhiều bạn trẻ vây quanh. Nhiều du khách nước ngoài cũng bị cuốn hút, quây quần xung quanh và vỗ tay tán thưởng. Không khí càng lúc càng sôi động.
Ngồi bên vị khách nước ngoài và một nhóm sinh viên, nghe họ giới thiệu cho nhau về những nét âm nhạc đường phố đặc trưng của nước mình, rất thú vị. Chợt nghĩ, nơi này cũng là một địa điểm tốt cho người trẻ nếu muốn trau dồi thêm vốn ngoại ngữ. Kết thúc cuộc trò chuyện, vị khách này chủ động mang tiền sang ủng hộ tinh thần nhóm nhạc mặc dù nhóm này không bỏ thùng quyên góp. Ở nhiều nước trên thế giới, đây là một hình thức khá phổ biến. Nó thể hiện sự trân trọng đối với người “nghệ sĩ” đường phố.
Nơi người trẻ không muốn một mình
Điểm chung của các câu lạc bộ, nhóm khi đến với phố đi bộ là muốn tìm niềm vui, sự thoải mái để giao lưu với nhiều người trẻ đồng trang lứa.
Nhóm nhảy zumba là một điểm nhấn cho phố đi bộ đêm chúng tôi tới ghi nhận. Họ mang đến những điệu nhảy vô cùng ấn tượng. Nhảy xong, nhóm bắt đầu màn giao lưu với tất cả mọi người bằng việc dạy nhảy zumba miễn phí. Thế là chỉ sau một đêm tản bộ, nhiều người trẻ và các em nhỏ có thể bỏ túi cho mình kỹ năng về một điệu nhảy mới.
Nguyễn Quang Huy, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, tự trang bị cho mình một chiếc loa di động và một cái micro. Mỗi tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, Huy mang ra phố đi bộ và bắt đầu chương trình “ca nhạc theo yêu cầu”.
Tại đây, mọi người sẽ tự đăng ký và tự hát, ai thuộc bài nào thì đăng ký tham gia bài đó. Huy có một cuốn sổ để ghi lại những bài hát được đăng ký cộng vào những lời nhắn gửi yêu thương mà các chàng trai cô gái muốn gửi tặng cho nhau. Sau mỗi bài hát, bằng chất giọng ấm áp của mình, Huy bật mí những lời yêu thương mà người hát nhắn gửi.
Chia tay những nhóm nhạc, ghé đến khu dành riêng cho các chàng trai trượt ván, thấy thú vị chúng tôi xin trượt thử, không ngờ lại nhận được sự đồng ý nhanh gọn. Khi chúng tôi thú thật chưa từng chơi trò này lần nào thì Trần Văn Thái, người nhường chiếc ván, nói: “Bạn đừng lo. Để mình hướng dẫn. Cũng đơn giản thôi”. Cái “đơn giản” với Thái khiến chúng tôi chỉ mới tập được một lúc mà đã té đến ê người. Nhưng điều quan trọng chúng tôi nhận được là sự cởi mở và nhiệt tình của các thành viên nhóm trượt ván, dù họ chỉ là những người xa lạ cách đây vài phút.
Đến đây, chúng tôi chợt nghĩ đến câu nói của Phan Mỹ Dung, thành viên nhóm nhảy zumba: “Làm gì một mình cũng không thú vị bằng có nhiều người. Chưa có sân khấu nào mà những nghệ sĩ nghiệp dư như tụi mình có thể cháy hết mình, phiêu hết cỡ và đặc biệt là giao lưu được với nhiều người như sân khấu đường phố này”. Và rõ ràng một điều, những người trẻ ra đây, họ không muốn một mình.
Nữ Vương