23/01/2025

Những cách tẩy độc cơ thể có thể áp dụng

Chất độc đang bao vây chúng ta, từ môi trường ô nhiễm, thức ăn nhiễm độc… Do đó, tẩy độc cho cơ thể là một nhu cầu cần thiết, chính đáng để đảm bảo sống khoẻ, sống chất lượng.

 

Những cách tẩy độc cơ thể có thể áp dụng

 

Chất độc đang bao vây chúng ta, từ môi trường ô nhiễm, thức ăn nhiễm độc… Do đó, tẩy độc cho cơ thể là một nhu cầu cần thiết, chính đáng để đảm bảo sống khoẻ, sống chất lượng.

 

 

 

 

Những cách tẩy độc cơ thể có thể áp dụng
Các bà nội trợ nên đưa những loại trái cây giàu vitamin C vào thực đơn hằng ngày – Ảnh minh hoạ: Hữu Khoa

 

 

Nhưng gần đây, nhiều phương pháp tẩy độc, detox được cổ xuý “có cánh” liên tục: nhịn ăn, uống nhiều nước lọc, nước chanh, nước trà, uống thuốc trợ gan, tẩy độc ruột… Những phương pháp này phần lớn “truyền khẩu” hơn là có bằng chứng, có tính khoa học thực tiễn.

Chất độc từ đâu ra?

Chất độc thật sự đang vây quanh chúng ta. Chúng có hai nguồn: một là nội sinh, do cơ thể tạo ra trong quá trình hoạt động, đốt cháy thức ăn để tạo ra năng lượng với hệ quả là những chất thải độc như khí carbonic trong hô hấp, axit lactic trong co cơ, chất urê trong chuyển hoá chất đạm, các gốc tự do nhiều trong gian bào… và hai là ngoại sinh, từ môi trường ngoại lai xâm nhập vào như các hóa chất sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm…

Ngoài ra khói xe, khói rác thải, khói thuốc lá và bị phơi nhiễm với quá nhiều chất gây ô nhiễm môi trường khác.

Những phương pháp giải độc “nhân tạo”

Vì khả năng tự thải độc của cơ thể có giới hạn, con người sử dụng một số biện pháp hỗ trợ giúp hệ thống tự giải độc của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn như:

1. Súc rửa dạ dày

Thường súc rửa dạ dày được áp dụng rộng rãi trong y khoa để lấy nhanh các chất độc vào đường tiêu hoá như ngộ độc thuốc, ngộ độc thức ăn, uống nhầm độc chất….

2. Súc rửa đại tràng

Người ta thường dùng thuốc xổ đại tràng có chứa một số muối, và đôi khi cà phê hoặc các loại thảo mộc để loại bỏ chất độc còn trong ruột kết. Tuy nhiên, đại tràng thường tự có khả năng không đòi hỏi bất kỳ sự giúp đỡ làm sạch chính nó. Việc súc rửa đại tràng cũng có thể gây nguy hiểm nếu thực hành không chính xác hay lạm dụng.

3. Chế độ ăn thải độc

Nhiều chế độ ăn kiêng thải độc được đề nghị như: (1) tăng cường uống nhiều nước lọc, nước khoáng, trà xanh, vitamin C, trà thảo dược; (2) ăn nhiều rau xanh, nhiều chất xơ, thực phẩm chức năng hỗ trợ gan, thận để tác dụng giải độc cơ thể tốt hơn; (3) cung cấp các lợi khuẩn (probiotics) cho cơ thể.

Nhiều nghiên cứu cho thấy lợi khuẩn đóng vai trò tích cực trong việc đào thải các kim loại nặng, gốc tự do và những loại vi khuẩn nguy hiểm trong cơ thể người bằng cách tăng cường khả năng chống oxy hoá tự nhiên của hệ miễn dịch.

4. Tăng thải độc qua mồ hôi

Dựa trên nguyên lý: dùng niacin (vitamin PP) liều cao để “đẩy” những chất độc (gây ung thư, đột biến gen, dị tật di truyền) ra khỏi nơi tích lũy là mỡ, chất béo, tuỷ xương và sau đó xông hơi, mồ hôi sẽ mang theo các chất độc thải ra ngoài.

Cuối cùng bổ sung dầu, chất béo (trong các viên nang dầu cá, vitamin A, D), nước và khoáng để làm thăng bằng sinh học, chống tái hấp thu chất độc qua ruột.

Ban đầu, phương pháp chỉ được thiết kế nhằm thải bỏ chất độc dạng phóng xạ. Sau đó, được áp dụng rộng rãi hơn để thải độc nhiều chất khác như thuốc trị bệnh khi dùng quá liều, dioxin, thuốc, nhiễm độc chì, nhiễm độc asen, thuỷ ngân…

5. Thẩm phân phúc mạc và chạy thận nhân tạo

Đây là phương pháp thải độc rất hiệu quả được áp dụng nhiều trong y tế. Phương pháp này dựa trên nguyên lý là chất độc trong máu sẽ được lọc qua màng bán thấm ra dịch lọc để thải ra ngoài giúp máu được “trong sạch” hơn.

Thẩm phân phúc mạc và lọc máu qua thận nhân tạo đã cứu sống nhiều triệu người, đặc biệt là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối hằng năm.

Tẩy sạch cơ thể là việc rất cần thiết. Cơ thể “sạch” sẽ hoạt động hiệu quả hơn và ít bị bệnh tật, trục trặc hơn. Những cách thải độc “nhân tạo” thường dựa trên cơ chế hoạt động của hệ thống thải độc có sẵn trong cơ thể con người. Nói chung là làm tăng hoạt lên chức năng sẵn có.

Cần cảnh giác với những cách tẩy độc được “tiếp thị” quá mức. Đã có xu hướng lừa bịp tinh vi để chữa những bệnh “tưởng tượng”, với những độc chất không có thật.

Con người có khả năng tự thải độc

Cơ thể người có 5 cơ quan, hệ thống đảm trách chức năng thải độc, giúp cơ thể trong lành, không nhiễm bệnh là:

(1) phổi và bộ máy hô hấp giúp trao đổi dưỡng khí và thở ra các chất độc bay hơi;

(2) làn da với hệ thống thải chất bã và mồ hôi giúp cơ thể thải khá nhiều chất độc qua da;

(3) hệ thống dạ dày ruột (hệ tiêu hoá) giúp thải rất nhiều chất độc hại dư thừa, đặc biệt là các chất độc do ăn uống qua nôn mửa hay theo phân ra ngoài;

(4) gan với hệ thống thải độc cực kỳ hiệu quả thông qua vô số phản ứng hoá học 

(5) thận, đường tiểu và hệ tiết niệu là nơi cuối cùng tống thải các chất độc hoà tan trong nước ra ngoài triệt để và nhiều nhất.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI