24/01/2025

Người trẻ ‘minh oan’ cho nhà Mạc

Chiều 27.3, hội trường lớn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) chật kín người trẻ đến tham dự cuộc tranh biện về công – tội của nhà Mạc trong lịch sử VN.

 

Người trẻ ‘minh oan’ cho nhà Mạc

 

Chiều 27.3, hội trường lớn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) chật kín người trẻ đến tham dự cuộc tranh biện về công – tội của nhà Mạc trong lịch sử VN.




Các bạn trẻ sôi nổi tranh biện về nhà Mạc - Ảnh: Ngữ Thiên

 

Các bạn trẻ sôi nổi tranh biện về nhà Mạc – Ảnh: Ngữ Thiên


Giải nỗi oan dâng đất cho nhà Minh
Thời gian 6 phút trình bày cho đội ủng hộ công trạng của nhà Mạc trôi qua rất nhanh. Lê Thị Huyền Trang, ĐH KHXH-NV Hà Nội, chỉ kịp nêu những luận cứ cơ bản về vương triều. Cô nói đến việc đây là vương triều duy nhất trong lịch sử có nữ tiến sĩ; về sự trọng dụng nhân tài mà Nguyễn Bỉnh Khiêm là người sáng giá nhất… Nhưng hơn hết, cô nói về việc nhà Mạc đã mang tiếng oan là dâng đất cho nhà Minh như thế nào, rằng thật ra đó chỉ là một động thái ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo. “Vương triều Mạc có nhiều công trạng trong lịch sử”, cô sinh viên, vốn là tình nguyện viên trong nhiều hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, kết luận.
Tuy nhiên, phía phản biện cũng hùng hồn không kém. Họ hỏi về việc vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại về quê ở ẩn chỉ sau vài năm nhậm chức. Tất nhiên, việc nhà Mạc cắt đất cho nhà Minh cũng được dùng như một luận cứ quan trọng. “Đội các bạn nói nhà Mạc có chính sách khôn khéo với nhà Minh. Nhưng tôi nhắc lại nhà Mạc đã cắt một phần đất cho nhà Minh. Tại sao lại cắt đất mà không nghĩ ra cách làm khác?”, đại diện đội phản biện đặt câu hỏi. Đội này cũng đưa ra số liệu: năm 1528, sau khi nhà Mạc lên nắm quyền 4 năm đã có một lần dâng đất cho nhà Minh; tới 1540 lại một diện tích ở tây bắc nước ta được dâng tiếp. Theo những người phản biện, hai lần dâng đất cho thấy sự bất lực trong chính sách đối ngoại của nhà Mạc.
 
 
Người trẻ 'minh oan' cho nhà Mạc - ảnh 1
Dù ủng hộ hay phản đối, các bạn cũng đã tìm hiểu rất nhiều. Đó mới là tín hiệu vui nhất, quan trọng nhất. Các bạn trẻ tranh luận mới hấp dẫn, chứ chỉ nhà nghiên cứu nói thì chán lắm

Người trẻ 'minh oan' cho nhà Mạc - ảnh 2
 
PGS-TS Phạm Quốc Quân
 

Cuộc tranh biện về vai trò của nhà Mạc trong lịch sử đã diễn ra liên tiếp hơn 2 tiếng không nghỉ. Nhưng ngay cả khi hai đội đã dừng tranh biện, câu hỏi của người dự thính vẫn liên tiếp được gửi lên, cho cả đội thi lẫn giám khảo.

PGS-TS Trần Thị Vinh, Viện Sử học, giám khảo cuộc tranh biện, cho biết: “Ngoại giao với nhà Minh là vấn đề gay cấn nhất khi đánh giá vương triều Mạc. Nó cũng là vấn đề nan giải nhất của các nhà nghiên cứu trong suốt 25 năm qua”. Tuy nhiên, vấn đề này, bà Vinh cho biết đã có lời giải. Theo đó, việc dâng đất theo sử thần của nhà Lê Trịnh ghi diễn ra hai lần. Lần thứ nhất, Mạc Đăng Dung dâng lại đất của nhà Lý đã dâng cho nhà Tống từ thế kỷ XIII. Có nghĩa là việc dâng đất đó hoàn toàn không có thật. Lần dâng đất thứ hai cũng không thật nốt. Đất bị dâng vốn do nhà Minh giao cho Đại Việt từ năm 1527 và Mạc Đăng Dung trả lại đất đó vào 1540. Vì thế, bà Vinh cho rằng đây là trả đất khống. “GS Trần Quốc Vượng hồi năm 1994, trong hội thảo lần đầu về nhà Mạc, đã nói về vấn đề này. Ông cho đây là thuần phục giả vờ, độc lập thực sự. Cả hai đợt dâng đất đều là giả”, bà Vinh nói.
Một giám khảo khác, PGS-TS Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lưu ý thêm hai đội cần chú ý hơn đến cả góc độ văn hóa nữa, vì không đội nào nhắc đến nền mỹ thuật nhiều thành tựu của nhà Mạc. Ông Quân cũng nói đến tầm nhìn ra biển của vương triều này. Tầm nhìn này các đời trước cũng có, nhưng dám xây dựng kinh đô ở ven biển, gần cửa sông như nhà Mạc thì hiếm. “Đấy là thời đại phóng khoáng nhất, dám vươn ra biển. Gốm đi khắp nơi, tên người cũng ghi trên đồ gốm. Cả người cung tiến, niên hiệu cũng ở đó. Trên toàn Đông Nam Á, không có chỗ nào có được gốm lò quan ghi niên hiệu như vậy”, ông nói.
“Chỉ nhà nghiên cứu nói thì chán lắm”
Ông Phạm Quốc Quân rất tâm đắc về việc có những người trẻ mở cuộc tranh luận về lịch sử. “Chúng tôi chọn chủ đề nhà Mạc vì nó cũng là một vấn đề hiện nay. Khi Hà Nội đặt tên phố cũng đã có chuyện phản đối”, ông Quân nói. Còn nhớ, khi thủ đô định đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, tranh luận đã nổ ra cách đây hơn hai năm. Thậm chí hồ sơ tên đường này còn phải lùi lại. Cuối cùng, biển tên đã được gắn hồi tháng 8.2015, như một ghi nhận lịch sử về vương triều Mạc.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó ban Liên lạc họ Mạc ở Hà Nội, đánh giá: “Các em hiểu lịch sử. Cách dùng từ cũng rất hồn nhiên. Cụm từ trọng nông ức thương là khá phổ biến trong các hội thảo về nhà Mạc, nhưng các em ấy dùng bế quan toả cảng… Đây là cách hay để các em hiểu và nhớ sử”, ông nói.
Các thành viên tham gia tranh biện lần này đến từ nhiều trường ở Hà Nội: ĐH Văn hóa, ĐH KHXH-NV, ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa và ĐH Giao thông vận tải. Cuộc tranh biện cũng thu hút cả thành viên CLB tranh biện YVS Vietnam đến dự. “Dù ủng hộ hay phản đối, các bạn cũng đã tìm hiểu rất nhiều. Đó mới là tín hiệu vui nhất, quan trọng nhất. Các bạn trẻ tranh luận mới hấp dẫn, chứ chỉ nhà nghiên cứu nói thì chán lắm”, ông Phạm Quốc Quân nói.
Cởi mở với lịch sử
Cô Nguyễn Thị Hữu, Phòng Truyền thông – Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết bảo tàng luôn có những chương trình được thiết kế để thu hút người trẻ. Hai CLB được song song duy trì là Tình nguyện viên và Em yêu lịch sử. Cả hai CLB này của bảo tàng tuy nhiều hoạt động khác nhau, song đều có nét chung là biến lịch sử thành thân quen, rất gần và rất mới. “Chúng tôi tạo điều kiện cho các bạn được nghe nói chuyện về lịch sử một cách cởi mở với những đề tài không giống sách giáo khoa. Họ cũng giúp chúng tôi lan toả câu chuyện lịch sử. Chẳng hạn, họ giúp chúng tôi các công việc trong những chương trình trưng bày như lên chương trình, thuyết minh, hướng dẫn người xem”, cô Hữu nói.

Trinh Nguyễn