24/12/2024

Cổng trường ‘khủng’ ở huyện nghèo

H.Minh Hoá (Quảng Bình) là một trong các huyện nghèo nhất trên cả nước theo Nghị quyết của Chính phủ năm 2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.


Cổng trường ‘khủng’ ở huyện nghèo


H.Minh Hoá (Quảng Bình) là một trong các huyện nghèo nhất trên cả nước theo Nghị quyết của Chính phủ năm 2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.


 


Thế nhưng, trong những năm qua, nhiều công trình của địa phương rất lãng phí.
Cổng trường 'khủng' ở huyện nghèo - ảnh 1

Cổng trường “khủng” ở Trường THCS Xuân Hoá

Cổng trường 'khủng' ở huyện nghèo - ảnh 2

Cũng ở huyện này còn nhiều cơ sở giáo dục tạm bợ – Ảnh: T.Q.N

Phòng học không đủ chuẩn nhưng cổng trường đồ sộ
Việc lãng phí tập trung vào các cơ sở giáo dục. Chẳng hạn Trường THCS Xuân Hoá có hàng rào hơn 616 triệu đồng, cổng trường hơn 174 triệu đồng, sân bê tông hơn 587 triệu đồng. Ba hạng mục này nằm trong gói thầu xây dựng do UBND xã Xuân Hoá làm chủ đầu tư, nguồn vốn ngân sách.
Cả 3 hạng mục đều rất lãng phí. Hàng rào quá to cao, sân trường thì tráng xi măng gần như toàn bộ không dành chỗ trồng cây xanh và trang trí. Đặc biệt, cổng quá cao to khiến ai thấy cũng ngạc nhiên, mái che của cổng được đúc rộng. Ông Trương Quốc Toán, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Minh Hoá, thừa nhận: “Không có quy định kích cỡ tối đa bao nhiêu, rộng bao nhiêu; chỉ nói hàng rào tối thiểu 1,5 m. Khi xây lên mới thấy hơi đồ sộ, to thật, hơi phô trương. Huyện đang khó khăn, cổng lớn quá, không tương xứng với huyện. Sân cũng đổ hơi nhiều thật”.
Trong khi đó, H.Minh Hoá còn nhiều trường học tạm bợ. Số liệu từ phòng giáo dục huyện cho hay trong tổng số 53 trường học từ mầm non đến THCS hiện còn 167 phòng học bán kiên cố, 114 phòng học tạm, 23 trường còn cổng tạm. Khi biết việc xây cổng trường, hàng rào “khủng” như thế, nhiều người dân và giáo viên cho rằng nếu dành tiền đó để đầu tư xoá phòng học tạm, mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học cho các trường khác thì giá trị hơn nhiều. Ngay tại Trường THCS Xuân Hoá, các phòng chức năng như y tế, thiết bị cũng không đủ diện tích vì được cải tạo, ngăn đôi từ phòng học cũ. Trong quá trình xây dựng, các trường học không được tham vấn ý kiến mà nhà trường chỉ nhận sử dụng theo dạng “chìa khoá trao tay”!
Nghi ngờ về chất lượng công trình
Một công trình cổng, hàng rào đồ sộ khác tương tự ở Trường tiểu học và THCS xã Hóa Phúc. Hàng rào hơn 223 triệu đồng, cổng hơn 174 triệu đồng, dãy phòng học hơn 1,6 tỉ đồng do UBND xã Hoá Phúc làm chủ đầu tư. Hợp đồng xây dựng từ cuối năm 2012, đến cuối 2014 thì nghiệm thu. Tuy nhiên, sự việc mới đây khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình này. Ngày 13.11.2015, một chiếc xe ben vào đổ vật liệu trong trường, khi đi ra tài xế quên không hạ thùng ben xuống nên thùng va vào phần mái cổng, làm cổng gãy ngang phần chân, toàn bộ cổng đổ sập đè nát cabin xe, lái xe tử vong tại chỗ.
Nhiều người chứng kiến và qua hình ảnh ghi lại cho thấy kết cấu cổng rất yếu, bê tông, hồ vữa, gạch ngói không có sự kết dính; nhất là phần chân móng. Một cán bộ trong lĩnh vực thẩm định đánh giá nếu chân móng chắc thì việc gãy đổ sẽ khác, nó chỉ gãy vỡ một phần nào đó hoặc không gãy được vì lúc này tốc độ xe mới xuất phát đi ra chưa lớn. Tại điểm thùng xe va chạm với mái cổng cũng chỉ bị vỡ nhẹ, chứng tỏ lực tác động không lớn.
Ngoài ra, chất lượng của công trình dãy phòng học trường này cũng có nhiều nghi vấn. Các phòng học có lớp sơn cẩu thả, cửa gỗ cong vênh, chắp nối. Ông Trần Giang Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hệ thống điện của dãy phòng không ngắt được, cúp cầu dao nhưng điện vẫn còn, rất nguy hiểm. Vừa rồi xã tiến hành bàn giao nhưng chúng tôi không nhận. Tuy nhiên, vì thiếu phòng học nên sắp tới chắc cũng cho học sinh vào học”.

 

Trương Quang Nam