Tất cả những chuyển biến trên thực sự đã là những tín hiệu vui trong đời sống văn hoá đọc của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Xốc dậy văn hoá đọc
Tất cả những chuyển biến trên thực sự đã là những tín hiệu vui trong đời sống văn hoá đọc của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tối qua 21.3, Hội sách TP.HCM “khủng” nhất từ trước đến nay đã khai mạc tại công viên Lê Văn Tám với 710 gian hàng (tăng 210 gian so với năm 2014), 172 đơn vị trong nước và 36 nhà xuất bản nước ngoài tham gia; 102 chương trình trình diễn, giao lưu, ký tặng, giới thiệu sách, hơn 30 triệu bản in của 300.000 tựa sách.
Với 100.000 bản in lần đầu cho Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng ra mắt sau Tết Bính Thân, Nguyễn Nhật Ánh đang giữ kỷ lục là nhà văn trong nước có ấn phẩm in lần đầu cao nhất hiện nay. Với gần 200.000 bản cho 4 tựa sách in: Ngày trôi về phía cũ (45.000 bản),Đường hai ngả người thương thành lạ (55.000 bản), Buồn làm sao buông (70.000 bản), Anh Khang (sinh năm 1987) cũng lập kỷ lục là nhà văn trẻ có nhiều bản in nhất. Trung bình từ 10.000 -30.000 bản in, các tập thơ của Phong Việt (Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Đi qua thương nhớ, Sống một cuộc đời bình thường) gây sốc cho những ai từng cho rằng thơ in ra vài trăm bản chỉ để tặng. Đây là những con số mà chỉ cách đây khoảng 5 năm không một nhà làm sách nào dám mơ tới.
Bên cạnh đó, các cuộc giao lưu, ra mắt sách liên tục của cả đơn vị xuất bản nhà nước lẫn tư nhân được tổ chức quanh năm tại các nhà sách lớn nhỏ, trên đường sách, tại các quán cà phê… đều thu hút được đông đảo khán giả. Thậm chí dù đã có vô số hội sách cả online lẫn hội sách giấy thông thường được tổ chức hằng năm bởi các đơn vị Phương Nam, Nhã Nam, Văn Chương…, nhưng ước tính sẽ có khoảng 1 triệu lượt người đến Hội sách TP.HCM lần 9 (từ ngày 21 – 27.3) và 5,6 triệu lượt truy cập vào Hội sách online Đồng hành cùng hội sách TP.HCM (18 – 27.3 trên Tiki.vn). Có lẽ chưa năm nào các đơn vị xuất bản lại hăng hái rủ nhau đi trẩy hội sách đông vui như năm nay, bất chấp từ tháng 8.2015, 39 nhà xuất bản (chiếm 61,9%) vẫn đang “run rẩy” chờ đóng cửa do không đủ điều kiện hoạt động cùng vấn nạn sách giả, sách lậu và vô số khó khăn của người làm sách.
Tất cả những chuyển biến trên thực sự đã là những tín hiệu vui trong đời sống văn hóa đọc của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Độc giả Hà Nội xếp hàng xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt sách – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Sức mua có đồng hành với chất lượng đọc ?
Chúng ta phải xem xét tỷ lệ các loại sách được đọc nữa. Người đọc mua nhiều sách văn học hay sách khởi nghiệp làm giàu. Điều đó rất khác nhau. Nó cho thấy người đọc định hướng việc đọc của mình như thế nào
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Nhà văn bản học Lại Nguyên Ân cho rằng thị trường sách hiện nay phong phú hơn trước rất nhiều. Song ông lưu ý đến việc cần điều tra tỷ lệ sách đọc của người Việt bây giờ. Trong khi sách trên thị trường rất phong phú, một số hồi ký ồn ào câu khách bán chạy thì vẫn có những cuốn sách quý không bán được bao nhiêu. “Chỉ nên nói sách trên thị trường phong phú thôi. Còn nhìn những cuốn kén khách như sách Nhà xuất bản Tri thức có bán được mấy đâu. Nếu loại sách này bán được nhiều thì tốt quá”, ông nói.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lưu ý rằng cần chú ý phân biệt sức mua và sức đọc cũng như chất lượng đọc – không phải lượng sách bán tăng lên thì chất lượng văn hoá đọc nâng cao. “Chúng ta phải xem xét tỷ lệ các loại sách được đọc nữa. Người đọc mua nhiều sách văn học hay sách khởi nghiệp làm giàu. Điều đó rất khác nhau. Nó cho thấy người đọc định hướng việc đọc của mình như thế nào”, ông nói.
Thực tế thì việc phát hành các sách khảo cứu về văn hóa, lịch sử vẫn đang gặp không ít khó khăn, tuy nhiên trong tình hình chung đó vẫn có những điểm sáng. “Lúc bắt tay vào làm tủ sách Góc nhìn sử Việt (gồm 10 cuốn) viết về các danh nhân, nhân vật lịch sử, tiểu thuyết dã sử… trong chương trình Alpha di sản, chúng tôi nghĩ số lượng độc giả sẽ giới hạn. Tuy nhiên, trong thực tế bộ sách vừa ra mắt đã bán chạy, không chỉ có những người làm công tác nghiên cứu quan tâm mà nhiều độc giả trẻ đã tìm mua. Trước nhu cầu đó, Alpha books lên kế hoạch tái bản nhiều loại sách mảng này: Góc nhìn nhà Tây Sơn, Bắc Cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Hoàng Việt luật lệ… để phục vụ bạn đọc. Mảng đề tài về Sài Gòn – Gia Định, Nam bộ xưa cũng đang thu hút độc giả, chúng tôi đã liên lạc với nhiều nhà văn, nhà báo chuyên về lĩnh vực này để kết nối, sớm xuất bản nhiều tác phẩm hay, có giá trị”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Alpha books cho biết. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, cũng thông tin: “Khi xuất bản những cuốn sách về biên khảo, khảo cứu chúng tôi không đặt nặng doanh thu và lợi nhuận, nhưng rất mừng là mảng sách này ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đã bắt đầu bán được. Có cuốn như Hồ sơ về Lục châu học của GS Nguyễn Văn Trung đã tái bản đạt con số 3.000 bản”.
TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng những năm gần đây thị hiếu về sách của người đọc đã tốt lên dần với những người đọc biết phản biện. “Kênh truyền bá kiến thức qua sách đã tốt lên nhiều”, ông nhận xét.