Phải biến sản phẩm khoa học thành tiền
150 thanh niên tiêu biểu TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 20.3.
Phải biến sản phẩm khoa học thành tiền
150 thanh niên tiêu biểu TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 20.3.
Tham dự chương trình có ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM và anh Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN…
Nhiều trăn trở về giao thông
Đề cập đến vấn đề giao thông, tiến sĩ Lý Hùng Anh, giảng viên trẻ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kiến nghị: “Để thúc đẩy, khuyến khích nhiều người dân sử dụng phương tiện công cộng và giảm kẹt xe, cần phát triển thêm nhiều xe buýt nhỏ. Bởi lẽ, đặc thù đường sá VN rất nhỏ nên các xe buýt lớn thường gây tắc đường”.
|
Theo tiến sĩ Hùng Anh, chất lượng xe buýt hiện nay rất kém, có nhiều xe vô tư xả khói gây độc hại cho người dân. “Vấn đề đặt ra ở đây là trung tâm kiểm định cần phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với những xe buýt kém chất lượng này, tuyệt đối không cho lưu hành giao thông”, tiến sĩ Hùng Anh thẳng thắn. Tiến sĩ Anh cũng đề xuất nên phát triển hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, hệ thống bán vé tự động trên các xe buýt…
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phản hồi: “Tôi thấy cán bộ Đoàn, đoàn viên ai cũng rất tâm huyết đến vấn đề giao thông vận tải. Chúng tôi xin thông tin: Từ năm 2002, hệ thống xe buýt đã được tái lập và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại”.
Ông Cường cho hay sở này đã đề ra 5 nhóm giải pháp, trong đó có kế hoạch đổi mới toàn diện hệ thống hoạt động của xe buýt. Khoảng tháng 10 tới đây sẽ triển khai dự án vé xe thông minh. Ông Cường nhìn nhận: “Hiện TP.HCM có khoảng 136 tuyến với 3.000 xe buýt, nhưng chất lượng xe chưa tốt. Nhiều xe đã xuống cấp và tuổi thọ trung bình của xe là 9 – 10 năm rồi. Vì vậy năm 2016, chúng tôi sẽ tập trung đổi mới khoảng 500 xe buýt”. Ông Cường cũng cam kết sẽ chỉ đạo kiểm soát chất lượng khí thải chặt chẽ hơn và sẽ lưu ý những vấn đề khác mà thanh niên đặt ra.
Đại diện công nhân, anh Võ Thanh Hoà (Công ty Pouyen VN) bày tỏ sự quan tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại những khu chợ tự phát. Anh Hoà bức xúc: “Tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo có biện pháp xử lý những khu chợ tự phát, lấn chiếm quốc lộ, gây nguy hiểm cho công nhân và người đi đường. Thay vào đó cần phải có khu chợ tập trung”. Anh Hoà cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố cần hỗ trợ thanh niên công nhân cải thiện đời sống, cụ thể là xây thêm những khu lưu trú cho công nhân ở, trong đó nên có nhà giữ trẻ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến phản ảnh TP.HCM nên có giải pháp hỗ trợ tối đa dự án nhà ở xã hội cho người lao động để họ ổn định cuộc sống. Bởi trên thực tế, có nhiều người không tiếp cận được với các dự án này.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định: Nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp và ký túc xá sinh viên là một trong những nội dung trọng tâm và trọng điểm mà thành phố đang nỗ lực giải quyết.
Để không trở thành… tiến sĩ giấy
Chị Huỳnh Thư, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tâm tư: “Đại bộ phận các nhà khoa học trẻ chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học rất ít ỏi. Chúng tôi cũng không có nhiều kinh nghiệm, ít va chạm thực tế nên rất cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và nhà nước để các đề tài nghiên cứu được ứng dụng cũng như được thương mại hoá”.
Có biệt danh là “tiến sĩ tôm” (do có nhiều nghiên cứu về tôm), anh Trần Hữu Lộc, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trăn trở: “Khoa học là mũi nhọn, là động lực và là đòn bẩy để đưa kinh tế đi lên. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, chúng ta nên đi theo hướng gia công, sản xuất ra những sản phẩm giá trị thấp hay là chúng ta muốn tạo ra những sản phẩm công nghệ giá trị cao hơn? Theo tôi, phải chọn phương án 2 có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Để làm được như vậy, nhà khoa học cần phải mạnh dạn suy nghĩ lớn và làm lớn”.
Anh Lộc nói tiếp: “Nhiều người phàn nàn sao bây giờ tiến sĩ giấy nhiều quá. Chúng tôi, những người trẻ, cũng là tiến sĩ rất sợ bị đánh đồng như vậy. Nhà khoa học cần biến sản phẩm nghiên cứu thành tiền, để có thể tự đứng được trên đôi chân của chính mình”.
Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến quan tâm đến các vấn đề khác, đó là: đầu tư chất lượng sản phẩm du lịch và tạo cơ chế tự chủ cho Trung tâm xúc tiến du lịch TP.HCM để thu hút nhiều du khách hơn; thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện thái độ phục vụ người dân; xây dựng môi trường và “hệ sinh thái” cho các bạn trẻ khởi nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thẳng thắn phê bình một số lãnh đạo sở không rõ vì lý do gì mà không đến tham dự buổi đối thoại, như: Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Nội vụ TP.HCM…
Ông Thăng cho rằng việc lãnh đạo thành phố gặp mặt thanh niên tiêu biểu để nghe hiến kế, đóng góp xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình là cần thiết và cần làm thường xuyên hơn nữa. Ông đề nghị các sở, ban ngành triển khai thực hiện các đề xuất và cần thông tin lại kết quả cho đoàn viên, thanh niên. Ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi tư duy trì trệ của công chức, viên chức vì đây chính là một rào cản lớn cho quá trình phát triển.
Bí thư Thành uỷ nhắn nhủ: “Các nhà khoa học trẻ phải tăng tính chủ động để tiếp thị, giới thiệu những sản phẩm sáng chế và cần phải thương mại hoá những sản phẩm đó. Mặt khác, tạo môi trường tốt nhất để các bạn trẻ phát triển chính là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố”.
Như Lịch – Lam Ngọc