27/12/2024

Điều trị sỏi thận không phẫu thuật

Những tiến bộ trong ứng dụng kỹ thuật điều trị, tán sỏi thận qua da bằng laser với can thiệp ít xâm lấn cho phép thực hiện trong trường hợp sỏi to, sỏi tái phát sau phẫu thuật.

 

Điều trị sỏi thận không phẫu thuật


Những tiến bộ trong ứng dụng kỹ thuật điều trị, tán sỏi thận qua da bằng laser với can thiệp ít xâm lấn cho phép thực hiện trong trường hợp sỏi to, sỏi tái phát sau phẫu thuật.




Tán sỏi thận qua da giúp bệnh nhân sớm bình phục - Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn cung cấp

 

Tán sỏi thận qua da giúp bệnh nhân sớm bình phục – Ảnh: Bệnh viện Xanh Pôn cung cấp


Bác sĩ CK2 Phạm Huy Huyên, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết khoa này đã bắt đầu triển khai kỹ thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ. Đây là phương pháp ít sang chấn, ít tổn thương vùng lành bởi các kỹ thuật viên đưa thiết bị vào vị trí sỏi qua đường hầm nhỏ. Kỹ thuật này giảm chảy máu, an toàn hơn do không phải mổ mở và an toàn hơn so với đường hầm lớn đã từng được áp dụng các năm trước.
Để thực hiện kỹ thuật này, các phẫu thuật viên sẽ mở một đường hầm từ thắt lưng đi qua da, qua đài thận tiếp cận đến viên sỏi nằm trong thận, sau đó dùng máy nội soi đi qua hầm và tán sỏi bằng tia laser. Viên sỏi lớn sẽ bị phá vỡ thành những mảnh vụn nhỏ, và được lấy ra khỏi cơ thể bởi một thiết bị bơm đẩy ra ngoài qua đường hầm.
“Việc mở đường hầm đến sỏi được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm đảm bảo chính xác cao, tia laser sẽ đến được đúng vị trí sỏi để “bắn” trúng đích. Với các ưu điểm đó, bệnh nhân sẽ sớm bình phục, thời gian nằm viện ngắn (trung bình 2 – 3 ngày) thay vì 7 – 10 ngày nếu phải mổ mở”, bác sĩ Huyên đánh giá.
Theo chuyên gia, phương pháp này cho phép thực hiện với các bệnh nhân sỏi to có chỉ định mổ mở. Với bệnh nhân từng phải phẫu thuật sỏi, việc áp dụng tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ giúp cho bệnh nhân không phải mổ mở một lần nữa, giảm nguy cơ chảy máu, sang chấn vì mổ lại trên sẹo vết mổ cũ khá khó khăn, lâu bình phục.
Tại khoa phẫu thuật tiết niệu, một bệnh nhân là nam giới 73 tuổi, ở Hà Nội vừa được điều trị bằng phương pháp tán sỏi thận qua da. 10 năm trước, bệnh nhân này đã qua một lần phẫu thuật mổ lấy sỏi thận. Do cơ địa, sỏi tái phát khá nhanh. Nhập viện lần này, bệnh nhân được phát hiện thận trái có sỏi san hô chiều dài đến 7 cm, thận phải là sỏi 2,5 cm. Bệnh nhân bị sỏi chèn ép, hai thận bị ứ nước, các bác sĩ đã phải chỉ định đặt ống dẫn lưu trước đó. Ngoài ra, chức năng thận suy giảm (suy thận độ hai). “Bệnh nhân đã được điều trị tán sỏi qua da đường hầm nhỏ an toàn, lấy hết sỏi bên thận phải. Khoảng 1 – 2 tháng ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tán sỏi to bên thận trái”, bác sĩ Huyên cho biết. Với sỏi to, cần thực hiện tán sỏi 2 – 3 lần, bởi mỗi lần tán sỏi, thời gian không nên kéo dài quá 3 tiếng để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Một bệnh nhân khác là nam giới, 59 tuổi ở Lào Cai nhập viện trong tình trạng có sỏi thận hai bên, kích thước 3,5 cm (thận trái) và 2,2 cm (thận phải). 7 năm trước bệnh nhân này đã phải mổ mở lấy sỏi thận. Lần này bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ. Ông cho biết với phương pháp này, ông không bị đau nhiều sau mổ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi về chức năng thận, nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu. “Phương pháp này chi phí cao, khoảng 15 – 20 triệu đồng/lần thực hiện tuỳ thuộc kích thước của viên sỏi. Tuy nhiên do có nhiều ưu điểm, đem đến an toàn cao hơn nên vẫn được bệnh nhân lựa chọn”, bác sĩ Huyên cho biết.

Nam Sơn