Những tai nạn tàu ngầm bí ẩn
Đa số các sự cố tàu ngầm đều được giải mã theo thời gian, nhưng có những tai nạn bí ẩn đến nỗi nhiều năm sau vẫn không ai biết được chuyện gì đã xảy ra.
Những tai nạn tàu ngầm bí ẩn
Đa số các sự cố tàu ngầm đều được giải mã theo thời gian, nhưng có những tai nạn bí ẩn đến nỗi nhiều năm sau vẫn không ai biết được chuyện gì đã xảy ra.
CHDCND Triều Tiên nhiều khả năng đã mất một tàu ngầm quân sự tại bờ biển phía bắc giữa lúc cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn đang diễn ra tại khu vực, theo Đài CNN ngày 12.3 dẫn thông tin từ tình báo Mỹ.
Sở dĩ Mỹ lập tức biết được sự cố của tàu ngầm Bình Nhưỡng là do hệ thống vệ tinh tình báo của nước này liên tục dõi theo hoạt động của con tàu, cùng với sự hỗ trợ của máy bay trinh sát lẫn tàu bè của Lầu Năm Góc trong khu vực.
Theo một quan chức quân đội Mỹ giấu tên, Triều Tiên dường như không hề có ý muốn loan báo sự cố, hoặc đề nghị được trợ giúp từ các lực lượng hải quân nước ngoài. Nếu tiếp tục như vậy, nguyên nhân tai nạn của con tàu có thể là một bí ẩn không thể giải đáp, tương tự số phận của vài tàu ngầm khác trong quá khứ.
INS Dakar của Israel
1968 là một năm đầy chết chóc và bí ẩn bao trùm thế giới tàu ngầm. Tàu INS Dakar của Israel là chiếc đầu tiên biến mất trong cái năm định mệnh đó.
Nó mất liên lạc trong lúc trên đường đến Israel sau khi được mua từ Anh. Xác tàu có lúc đã được các ngư dân ở Gaza nhìn thấy, nhưng phải đến năm 1999, hải quân Israel mới định vị được nơi con tàu chôn thân trong lòng biển. Các lãnh đạo quân sự của Ai Cập từ năm 1970 đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đắm tàu, cho hay một tàu chiến của Ai Cập đã đánh chìm tàu ngầm của Israel, nhưng chính phủ Tel Aviv bác bỏ các tuyên bố này.
Cách đây 3 năm, tờ Haaretz Daily dẫn một loạt các tài liệu giải mật do Cơ quan Lưu trữ Israel cung cấp về vụ đắm tàu khiến 69 thuỷ thủ thiệt mạng nói trên, trong đó có báo cáo của hải quân Israel từ năm 1968 với nội dung không loại trừ khả năng một hạm đội Liên Xô đã đánh đắm con tàu. Một thư tín của Bộ Ngoại giao nước này ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cho phép Israel tiến hành lùng sục dọc theo vùng bờ biển vì lý do an ninh. Cho đến nay, Israel vẫn chưa giải thích lý do con tàu bị đắm.
K-129 của Liên Xô
Tàu ngầm K-129 lớp Golf-II, mang theo tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân, đã chôn vùi 98 thủy thủ Liên Xô khi nó chìm ở độ sâu 4.880 m tại vùng biển ngoài khơi đảo Oahu của tiểu bang Hawaii vào ngày 11.3.1968.
Tai nạn xảy ra hết sức bất ngờ và phía Liên Xô hoàn toàn không hiểu được lý do con tàu gặp nạn. Tuy nhiên, một tàu ngầm của Mỹ là USS Swordfish đột nhiên bị hư kính tiềm vọng và buộc phải quay về cảng Yokosuka ở Nhật Bản vào ngày 17.3 cùng năm. Vì thế, giả thuyết đầu tiên được nêu lên là tàu Mỹ đã đụng hư tàu Liên Xô rồi tháo chạy.
Điện Kremlin càng tin vào giả thuyết này dựa trên việc hải quân Mỹ đã tăng cường hoạt động của tàu ngầm trong khu vực sau khi CHDCND Triều Tiên bắt giữ tàu do thám USS Pueblo của Mỹ. Đến năm 1993, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow khẳng định chiếc USS Swordfish không hề ở gần K-129 vào thời điểm con tàu xấu số bị chìm.
Lầu Năm Góc giải thích rằng tàu USS Swordfish đã đâm vào một tảng băng trôi và ở cách địa điểm xảy ra vụ đắm tàu của Liên Xô đến 3.218 km. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng tàu Liên Xô bị chìm do một vụ nổ xảy ra trong lòng con tàu và không hề có các tác động của ngoại lực. Sau đó, Mỹ đã triển khai chiến dịch bí mật mang tên dự án Azorian để trục vớt xác tàu K-129, nhưng chỉ thu được một số phần của con tàu này, theo các tài liệu giải mật vào năm 2010.
USS Scorpion của Mỹ
Cũng trong năm 1968, vào giữa tháng 5, tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion nhận được một chỉ thị tuyệt mật trước nửa đêm: Thay đổi hành trình và đến quần đảo Canary (nơi tình báo của hải quân Mỹ phát hiện một nhóm tàu bí mật của Liên Xô). 33 phút sau, USS Scorpion trồi lên tại căn cứ tàu ngầm Mỹ ở Rota (Tây Ban Nha) để đưa 2 thủy thủ vào bờ.
Đó là vào ngày 17.5.1968, lần cuối cùng USS Scorpion lộ diện. Năm ngày sau đó, nó bị đắm ngoài quần đảo Azores thuộc Đại Tây Dương. Tất cả 99 người trên tàu đều tử nạn. Các báo cáo ban đầu cho rằng một vụ nổ đã phá huỷ con tàu, dù một cuộc nghiên cứu khác cho rằng đây không phải là một kết luận đủ độ tin cậy.
Nhiều người nghiêng về giả thuyết Liên Xô đánh đắm USS Scorpion để trả đũa cho vụ tàu K-129. Đợt giải mật hồ sơ vào năm 1993 đã cung cấp một giả thuyết khác, cho rằng vụ nổ ngư lôi trên tàu nhiều khả năng là do bộ phận trữ năng lượng trên tàu bị tăng nhiệt quá mức. Tuy nhiên, đến nay cả Mỹ lẫn Nga đều giữ bí mật về nguyên nhân tai nạn.
Gangneung của Triều Tiên
Một sự cố tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đã xảy ra vào thập niên 1990, khiến con tàu bị mắc cạn trên bờ biển miền Nam. Tuy nhiên, phần bí ẩn vẫn chưa được giải thích là tại sao toán biệt kích Triều Tiên chịu trách nhiệm thu thập tin tức tình báo về miền Nam lại tấn công thuỷ thủ đoàn của tàu ngầm đến đón họ.
Vì một lý do nào đó, nhóm biệt kích đã thủ tiêu toàn bộ thuỷ thủ đoàn của tàu ngầm mắc cạn. Nhóm này sau đó bị quân đội Hàn Quốc tiêu diệt trong lúc cố gắng quay về Bình Nhưỡng qua ngõ giới tuyến liên Triều. Sau sự cố này, một lãnh sự Hàn Quốc tại Vladivostok đã thiệt mạng vì trúng độc, và kết quả điều tra cho thấy chất độc dùng để giết nhà ngoại giao cũng giống như loại tìm thấy bên trong tàu ngầm.
Tàu ngầm 361 của Trung Quốc
Tàu ngầm 361 của hải quân Trung Quốc đã chìm tại biển Bột Hải, nằm giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên vào năm 2003.
Các ngư dân Trung Quốc đã phát hiện xác tàu khoảng 10 ngày sau khi gặp nạn. Con tàu đã tham gia vào một cuộc tập trận bí mật và phía Bắc Kinh đã không tiết lộ thêm thông tin về nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, báo chí Hồng Kông dẫn nguồn thạo tin cho hay con tàu bị chìm do không tắt động cơ diesel sau khi lặn, khiến toàn bộ 70 người trên tàu chết ngạt.
Thuỵ Miên