25/12/2024

‘Thảm hoạ’ béo phì

Trong lúc cơ quan chức năng chưa có những cuộc điều tra tổng thể để cảnh báo thì “thảm hoạ” béo phì đang lặng lẽ ập đến từng gia đình, trở thành nguy cơ đe doạ chất lượng nguồn nhân lực VN.

 

‘Thảm hoạ’ béo phì

 

 

Trong lúc cơ quan chức năng chưa có những cuộc điều tra tổng thể để cảnh báo thì “thảm hoạ” béo phì đang lặng lẽ ập đến từng gia đình, trở thành nguy cơ đe doạ chất lượng nguồn nhân lực VN.



 


PV Thanh Niên đã phỏng vấn PGS-TS Lê Thị Bạch Mai (ảnh), Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, xung quanh thực trạng nhức nhối này. 

‘Thảm họa’ béo phì - ảnh 1


* Thưa bà, béo phì ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ, thể lực?
– Béo phì khiến trẻ thừa mỡ, mỡ thừa đọng lại ở các tạng gây nguy cơ: gan nhiễm mỡ, lâu dài ảnh hưởng chức năng gan; chít hẹp đường thở khiến trẻ thiếu ô xy, dẫn đến ngủ không sâu, ngủ kém giảm khả năng tăng trưởng chiều cao, trong khi đó trẻ hạn chế chiều cao càng dễ béo phì do chỉ tăng trọng lượng kéo chiều ngang và đó là vòng luẩn quẩn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ. Ngoài ra, với trẻ béo, trọng lượng nặng gây quá tải khớp gối, dễ dẫn đến bệnh về cơ xương khớp.
* Nói như thế, có nghĩa béo phì ảnh hưởng xấu đến nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai?
– Đúng như thế. Béo phì khi nhỏ cũng dễ dàng béo phì khi trưởng thành, kéo theo đó là bệnh liên quan đến béo phì: sỏi mật, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… Riêng nữ giới béo phì còn tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Rõ ràng trẻ béo phì có thể dẫn đến hệ lụy về chất lượng lao động giảm sút khi trưởng thành do nguồn nhân lực tương lai dễ mắc các bệnh mạn tính, bệnh do rối loạn chuyển hoá. 



‘Thảm họa’ béo phì - ảnh 2
Béo phì khi nhỏ cũng dễ dàng béo phì khi trưởng thành, kéo theo đó là bệnh liên quan đến béo phì: sỏi mật, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… Riêng nữ giới béo phì còn tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung

‘Thảm họa’ béo phì - ảnh 3




* Vậy đâu là nguyên nhân gây ra béo phì, thưa bà?
– Bữa ăn hiện mới chú trọng về đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng một số khảo sát cho thấy khẩu phần ăn còn nhiều năng lượng từ đạm động vật, chất béo, chưa có thực đơn phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng. Trong đó, can xi cần cho tăng trưởng chiều cao, cung cấp cho quỹ xương, răng, nhưng khẩu phần ăn hiện mới đáp ứng 50 – 60% nhu cầu can xi. Thói quen ăn ngọt cũng làm trẻ dư cân.
Không có cơ hội vận động
* Theo bà, cần can thiệp như thế nào để kiểm soát được béo phì?
– Kiểm soát béo phì không chỉ là chế độ ăn, mà trẻ còn cần được vận động. Nhưng vấn đề là cần có không gian, có người hướng dẫn cho trẻ tập hợp lý, tập đúng. Khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều trường nói về thành tích thi đấu, đội tuyển đoạt giải bóng đá, bơi lội trong khi lại không thấy nói về học sinh của mình được vận động lành mạnh như thế nào, giờ ra chơi được chơi gì…
Để tốt cho sức khỏe, thể lực các em chỉ cần các môn thể thao đại chúng, không phải kỹ thuật cao siêu, không chiếm không gian quá rộng và cũng không hề tốn kém. Ví dụ như nhảy dây với động tác nhảy chụm đầu gối tạo sức bật, kích thích màng xương đùi. Động tác này giúp trẻ khi ngủ sẽ tiết hormone tăng trưởng tốt hơn, giúp tăng chiều cao.
Cha mẹ cần vào cuộc để giúp trẻ thoát cảnh béo phì - Ảnh: Ngọc Thắng

Cha mẹ cần vào cuộc để giúp trẻ thoát cảnh béo phì – Ảnh: Ngọc Thắng

* Thưa bà, tiếp xúc với nhiều cha mẹ có con béo phì, chúng tôi có một nhận xét là hầu hết họ rất lo cho con nhưng vì quá bận rộn nên chưa vào cuộc để giúp con giảm cân. Bà có thể tư vấn giúp họ phải làm gì để con thoát cảnh béo phì?
– Gia đình cần coi trọng việc cho trẻ vận động và tạo cơ hội cho trẻ vận động. Bây giờ các con hầu như chỉ lo học đã choán phần lớn quỹ thời gian, nếu có thời gian nghỉ ngơi thì lại “chat”, vào internet; trẻ di chuyển cũng là đưa đón bằng ô tô, xe máy vì gia đình lo tai nạn, không an toàn.
Cơ hội vận động của các con rất ít. Do đó, ăn uống hợp lý, lối sống năng động, tăng vận động không chỉ là thực hành ở nhà trường mà chính cha mẹ cũng phải vào cuộc. Nếu người lớn cần duy trì vận động tích cực 40 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần thì ở trẻ em cần vận động tích cực 60 phút/ngày và 5 ngày mỗi tuần.
Thói quen thức khuya cũng không tốt cho phát triển của trẻ. Trẻ nên được ngủ trước 22 giờ vì ngủ sau thời gian này sẽ hạn chế việc tiết hormone tăng trưởng. Do đó, nên cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ và ngủ sâu. Nhiều bậc phụ huynh viện lý do các con có quá nhiều bài tập về nhà, phải làm. Trường hợp này vẫn nên ngủ sớm và hôm sau dậy sớm để học chứ không nên thức khuya.
* Viện Dinh dưỡng quốc gia đã có những động thái nào về việc xây dựng thực đơn để kiểm soát béo phì ở trẻ em?
– Từ năm 2014, Viện Dinh dưỡng quốc gia kết hợp một số đơn vị xây dựng thực đơn cho nhà trường phù hợp với mức chi trả, thói quen ăn uống, chế biến và dinh dưỡng cân đối. Hoạt động này đã thực hiện tại một số địa phương: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và sẽ triển khai ở Hà Nội. Ngoài ra, còn có các hoạt động giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng hợp lý để các em nhận biết, từ đó có thói quen đúng hơn trong chế độ ăn. Việc này rất quan trọng vì nó sẽ hình thành thói quen tốt cho trẻ khi trưởng thành.
Một điều tra của Trường ĐH Y Hà Nội ở nhóm học sinh 13 – 17 tuổi cho thấy 43% dành từ 3 tiếng trở lên/ngày cho các hoạt động ở tư thế ngồi. Lối sống tĩnh tại ít vận động thể lực, trẻ không có cơ hội tiêu hao năng lượng là nguyên nhân gây béo phì.
PGS-TS Lê Thị Bạch Mai lưu ý: “Theo thống kê, từ năm 2000 – 2010 tỷ lệ thừa cân béo phì tăng 9,2 lần (từ 0,9% lên 5,6%) ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Ngay sau đó, chúng ta đã có kế hoạch truyền thông, cảnh báo đến cộng đồng cũng như chính sách can thiệp, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì lứa tuổi này đã giảm chút, hiện ở mức 4,8%. Tuy nhiên ở lứa tuổi học đường, tỷ lệ này lại cao hơn.
Quà của các con là bim bim, xúc xích, nước ngọt, đồ chiên rán nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng cùng với lối sống tĩnh tại, chế độ ăn như vậy sẽ gây tích luỹ năng lượng, dẫn đến thừa cân béo phì. Do đó, căn tin trong trường cũng cần cung cấp thực phẩm an toàn về dinh dưỡng, giúp trẻ hạn chế đồ ngọt, béo. Các hàng quà cần xa trường học”.


 

Liên Châu (thực hiện)