Trung tâm chống ngập TP.HCM vừa đề xuất UBND TP một dự án đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng để đối phó với các trận mưa lớn và kéo dài liên tục bằng các xe bơm hút nước di động.
Nghìn tỉ đồng chống ngập bằng xe bơm ở Sài Gòn
Trung tâm chống ngập TP.HCM vừa đề xuất UBND TP một dự án đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng để đối phó với các trận mưa lớn và kéo dài liên tục bằng các xe bơm hút nước di động.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nhiều chuyên gia trong ngành phản đối vì cho rằng chỉ giải quyết phần ngọn trong khi tốn quá nhiều tiền.
1.400 tỉ đồng mua xe bơm di động
Ngày 11.3, đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm) xác nhận vừa đề xuất UBND TP.HCM cho thực hiện dự án chống ngập bằng xe bơm hút nước di động với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Trong đó, hơn 1.200 tỉ đồng đầu tư cho trang thiết bị gồm 63 xe chống ngập di động cùng một bãi đậu xe và một nhà điều hành.
Dự án này theo tôi thấy nếu dư tiền thì đầu tư thôi chứ nói để giải quyết được ngập do mưa cường độ lớn vì biến đổi khí hậu toàn cầu là phi khoa học
TS Phạm Sanh
Theo Trung tâm, vài năm gần đây do biến đổi khí hậu nên vào mùa mưa TP.HCM thường xảy ra những trận mưa có vũ lượng lớn và thời gian kéo dài liên tục khiến việc ứng phó cấp thời với ngập gặp khó khăn. Vì vậy đề xuất sử dụng xe bơm di động chống ngập có tính khả thi cao vì dễ di chuyển, trên một chiếc xe được lắp đặt tất cả thiết bị bơm hút hiện đại, sử dụng hợp kim nhẹ nên xe có tính cơ động dễ vận hành.
Tổng diện tích chống ngập cho giải pháp trên khoảng 336 ha. Mỗi xe có công suất bơm 20 – 60 m3/phút, các xe có thể bơm hút được dung lượng nước lớn tại các điểm ngập trên địa bàn TP, nhất là những “rốn” ngập tồn tại lâu nay và cả những điểm ngập mới phát sinh. Dự kiến có khoảng 30 tuyến đường trên địa bàn TP, nhất là ở các quận 6, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức… sẽ được ứng cứu bằng xe này.
Trung tâm đề xuất thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 – 2019. Ngoài nguồn vốn ngân sách, vốn vay, có thể huy động thêm các nguồn vốn khác. Về phương án vận hành, dự án sử dụng các xe sẽ bơm nước ra các tuyến kênh, rạch, cống cấp 2. Hệ thống này liên thông với những cửa rạch thoát ra sông Sài Gòn. Nếu ngập do mưa thì dùng xe để bơm nước ra cống cấp hai, kênh, hồ chứa gần nhất. Còn khi mưa to kết hợp triều cường sẽ đóng các cửa cống ngăn triều sau đó bơm tiếp vào cống cấp 2, kênh, rạch, hồ chứa nơi gần điểm ngập nhất.
Chỉ giải quyết phần ngọn
Nhận xét về đề xuất này, tiến sĩ – chuyên gia Phạm Sanh cho biết về bản chất và nguyên lý hoạt động thì trạm bơm di động cũng giống như trạm bơm cố định mà TP.HCM sử dụng lâu nay, nghĩa là cũng sử dụng giải pháp bơm hút nước. Chỉ khác nhau là do ngập nhiều chỗ quá nên phải chuyển sang sử dụng trạm bơm di động vì có xe vận chuyển từ điểm này sang điểm khác.
Theo chuyên gia Phạm Sanh, cần đánh giá hiệu quả chống ngập của các trạm bơm cố định mà Trung tâm vận hành thời gian qua. Vì sao các trạm bơm này không phát huy hiệu quả mà phải chuyển sang sử dụng trạm bơm di động? Ông Sanh cho rằng với vũ lượng mưa quá lớn, nhất là như những trận mưa hồi năm 2015 thì nhất định các trạm bơm không thể phát huy được tác dụng do bể thu nước quá nhỏ. Khi đó, tình trạng ngập miên man trên diện rộng, thậm chí nước dội ngược lại, khiến việc bơm nước tại các trạm bơm nói chung không hiệu quả.
Từ những phân tích trên, ông Phạm Sanh cho rằng giải pháp sử dụng xe bơm nước di động sẽ không hiệu quả. Chưa kể, TP phải tốn hàng nghìn tỉ đồng đầu tư mua sắm thiết bị. Việc cần làm theo ông Phạm Sanh là cơ quan chống ngập phải tính toán, chứng minh một cách khoa học và có tính thuyết phục về thủy lực. Không thể thấy do mưa quá lớn mà sử dụng trạm bơm di động, bởi bơm di động chỉ khác bơm cố định là xe toả ra nhiều điểm. Vì vậy, sẽ không có chuyện nhờ 63 xe bơm này mà triệt được ngập do mưa lớn.
Ngoài ra, vấn đề ngập nước tại TP.HCM còn nguyên nhân chính là do hệ thống cống quá nhỏ. Nếu cống đã quá tải thì trạm bơm cũng không giải quyết được vì trạm bơm phải dùng vòi xả nước ra cống.
“Mưa ở TP.HCM là mưa đô thị chứ không giống như mưa ngoài đồng ngoài ruộng thường tập trung một chỗ. Vì vậy dự án này theo tôi thấy nếu dư tiền thì đầu tư thôi chứ nói để giải quyết được ngập do mưa cường độ lớn vì biến đổi khí hậu toàn cầu là phi khoa học. Cơ quan chống ngập TP.HCM phải trả lời câu hỏi vì sao thời gian qua đầu tư rất nhiều trạm bơm nhưng không thành công hiệu quả chống ngập trước khi nghĩ đến chuyện chi thêm hàng nghìn tỉ đồng mua sắm thêm 63 trạm bơm”, ông Sanh nói.
Về đề xuất trên, GS-TSKH Lê Huy Bá đồng ý rằng đây là giải pháp rất tình thế của cơ quan chống ngập nhưng ông cho rằng chỉ nên áp dụng trong những trường hợp rất hạn hữu chứ với số lượng hàng chục xe như vậy là không nên.
Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty tư vấn thoát nước D&C, cũng cho rằng giải pháp này chỉ giải quyết phần ngọn và hoàn toàn không khả thi nhưng lại tốn kém.
“Không thể nào bơm nước hết ở các điểm ngập vì các điểm ngập tự nó đẻ ra. Nếu không thể triệt từ gốc thì không thể nào bơm hết được. Đặc biệt, đề xuất này không tận dụng được các điều kiện tự nhiên về địa hình, kênh rạch sẵn có của TP.HCM để thoát nước. Các điều kiện này rất dễ tận dụng, như sử dụng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé để làm các hồ chứa điều tiết, chống ngập. Chẳng hạn với kênh Nhiêu Lộc có chiều dài 9,3 km, rộng bình quân 38 m, nếu đào sâu xuống 4 m thì TP sẽ có 1,2 triệu m3 để chứa nước. Với trận mưa khoảng 120 mm thì kênh này sẽ giải quyết ngập cho vùng diện tích 100 ha. Ngoài ra, TP.HCM còn nhiều tuyến cống, kênh tiêu thoát khác nếu được tận dụng sẽ giải quyết được rất nhiều diện tích bị ngập trên địa bàn TP”.
Tốn kém quá!
Chống ngập tại TP.HCM nên nghĩ và thực hiện các biện pháp mang tính chiến lược nhiều hơn là các giải pháp chắp vá, tình thế. Nếu là giải pháp tình thế thì cũng cần tính toán để giảm bớt chi phí, tốn kém. Chứ sử dụng mấy chục xe bơm mà tốn hàng nghìn tỉ đồng như thế thấy quá tốn kém, lại không có hiệu quả.