02/11/2024

Hội chứng ‘tim vỡ’

Vui quá mức hoặc buồn quá thể đều có thể gây hại cho quả tim của bạn, theo phân tích mới của nhóm chuyên gia Thuỵ Sĩ về hội chứng “tim vỡ”.

 

Hội chứng ‘tim vỡ’

 

Vui quá mức hoặc buồn quá thể đều có thể gây hại cho quả tim của bạn, theo phân tích mới của nhóm chuyên gia Thuỵ Sĩ về hội chứng “tim vỡ”.





Buồn hay vui quá mức đều có thể dẫn tới “tim vỡ” - Ảnh: Shutterstock

Buồn hay vui quá mức đều có thể dẫn tới “tim vỡ” – Ảnh: Shutterstock


Buồn bã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng của bạn, và đôi khi một sự kiện đặc biệt gây đau lòng hoặc khiến căng thẳng hết mức có thể kích hoạt cái gọi là “hội chứng tim vỡ”.
Còn được gọi là hội chứng Takotsubo hoặc bệnh cơ tim do stress, các bó cơ ở tim trở nên yếu đi một cách nghiêm trọng và nhanh chóng.
Tình trạng bệnh tật tạm thời này gây co thắt ngực dữ dội và có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được như đau tim hay thậm chí tử vong. Tuy nhiên, không phải chỉ có người nào trải qua những thời khắc xấu nhất của cuộc đời mới xuất hiện hội chứng này; thậm chí những sự kiện vui vẻ quá mức cũng có thể kích hoạt hội chứng “tim vỡ”, theo báo cáo đăng trên chuyên sanEuropean Heart Journal.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được từ hệ thống đăng ký Takotsubo quốc tế tại Bệnh viện Đại học Zurich (Thuỵ Sĩ), trong đó ghi nhận 485 bệnh nhân đến từ 9 nước, với tình trạng bệnh bị kích động từ những phản ứng dữ dội về mặt tâm lý.
Đại đa số (465 người, chiếm 96%) mắc bệnh do các sự kiện đau buồn và đặc biệt căng thẳng. Các nguyên nhân có thể là cái chết của người yêu thương, tai nạn, tham gia tang lễ, lo lắng vì bệnh tật và các mối quan hệ gặp trục trặc. Ví dụ rõ ràng nhất là vợ/chồng chết không lâu sau khi tiễn bạn đời về nơi chín suối. Trong khi đó, có đến 20 người (chiếm 4% trên tổng số) mắc chứng “tim vỡ” khi tham gia những sự kiện vui vẻ, như tiệc mừng sinh nhật, đám cưới, đón em bé chào đời, thậm chí mừng thắng lợi của đội nhà cũng có thể làm tim yếu đi. Các nhà nghiên cứu gọi đây là những trường hợp “con tim vui vẻ”.
Tất nhiên, tỷ lệ người mừng quá hóa buồn chỉ chiếm phần nhỏ trong những trường hợp mắc bệnh, còn stress về lâu về dài có thể khiến sức kgoẻ trở nên tệ hại.
Các nhà nghiên cứu tham gia báo cáo mới cho hay phát hiện của họ “đã mở rộng mức độ phân bổ lâm sàng” của hội chứng “tim vỡ”, và cho rằng giới bác sĩ nên cảnh giác với điều này khi điều trị cho bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp đột quỵ tim là do máu đóng cục làm nghẽn động mạch vành, trong khi tế bào tim ở hội chứng “tim vỡ” là các hormone stress gây “giật điện” các tế bào tim. Theo đó, một phần quả tim phình to và không bơm máu tốt, và phần còn lại vẫn duy trì chức năng hoặc thậm chí còn mạnh hơn bình thường.
Hội chứng “tim vỡ” hầu như xảy ra ở phụ nữ trên dưới 60 tuổi, chiếm 95% số bệnh nhân. Các cơ chế chính xác gây nên tình trạng này vẫn chưa được tìm hiểu rõ, và tác giả của nghiên cứu Christian Templin, chuyên gia tim mạch Bệnh viện Đại học Zurich, cho rằng cần phải triển khai thêm nhiều dự án trước khi xác định nguyên nhân. Thế nhưng, ông cho hay hội chứng Takotsubo là ví dụ kinh điển nhất của cơ chế phản hồi xoắn, liên quan đến các kích thích tâm lý/thể chất, với não bộ và hệ tuần hoàn.
Theo chuyên gia Templin, có lẽ các sự kiện đau buồn lẫn vui vẻ đều chia sẻ cùng mô hình giống nhau bên trong hệ thống thần kinh trung ương, từ đó dẫn đến hội chứng tim. Kết luận ở đây là buồn quá cũng dễ chết, mà vui quá cũng có khả năng “thăng thiên”.

Tụ Yên