26/12/2024

Vụ Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM: Chấm dứt để làm lại

Một số trường ĐH sau nhiều năm bất ổn, không được tuyển sinh, hoạt động không hiệu quả và không còn thấy một triển vọng gì để phát triển thì việc tìm một hướng đi để gây dựng lại, tạo uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người học quan trọng hơn rất nhiều chuyện khác.

 
Vụ Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM: Chấm dứt để làm lại
 
 
 
 
 
Một số trường ĐH sau nhiều năm bất ổn, không được tuyển sinh, hoạt động không hiệu quả và không còn thấy một triển vọng gì để phát triển thì việc tìm một hướng đi để gây dựng lại, tạo uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người học quan trọng hơn rất nhiều chuyện khác.








Bà Tạ Thị Kiều An và một số đại diện Trường ĐH Hùng Vương trao đổi với phóng viên chiều 9.3 - Ảnh: Mỹ Quyên

Bà Tạ Thị Kiều An và một số đại diện Trường ĐH Hùng Vương trao đổi với phóng viên chiều 9.3 – Ảnh: Mỹ Quyên


Khi đó những chuyện như ai có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng lao động như đang đặt ra ở Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không phải là vấn đề vì khi trường đã không tồn tại được thì những việc như vậy trước sau gì cũng phải đến.
Sẽ bị đình chỉ hoạt động ?


Sẽ tái cấu trúc lại hệ thống đại học
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, dự kiến trong hội nghị tổng kết giáo dục ĐH năm 2016, Bộ GD-ĐT cũng sẽ đưa ra yêu cầu thực hiện các giải pháp sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống ĐH, trong đó với những trường tuyển sinh không được, dẫn đến hiệu quả đào tạo không cao, gây lãng phí thì có thể trở thành phân hiệu của trường tốt. Như vậy, hệ thống giáo dục ĐH vừa khai thác được cơ sở vật chất, đội ngũ có sẵn của các trường khó tuyển sinh, vừa tạo được lối thoát cho các trường đó. 

Theo những diễn biến của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM trong thời gian qua, căn cứ vào những quy định hiện hành, trường này có rất nhiều nguy cơ bị đình chỉ hoạt động.

Sau nhiều bất đồng nội bộ không giải quyết được cũng như những sai sót về tài chính, bổ nhiệm cán bộ của trường, vào tháng 3.2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định ngừng tuyển sinh đối với trường này. Lý do mà Bộ đi đến quyết định trên vì “mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường; mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và môi trường giáo dục”.
Cùng thời điểm này, còn có nhiều trường khác bị dừng tuyển sinh. Trong số đó, riêng Trường ĐH Hùng Vương bị dừng tuyển sinh liên tiếp nhiều năm vì chưa giải quyết được những nguyên do dẫn đến quyết định này.
Quyết định 64/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường đại học, học viện ghi rõ: “Hết thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định cho phép hoạt động đào tạo có hiệu lực, nếu trường ĐH không triển khai hoạt động đào tạo thì quyết định cho phép hoạt động đào tạo hết hiệu lực”. Vì thế vào tháng 3.2015, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã có công văn gửi Bộ đề nghị được phép tuyển sinh năm 2015. Tuy nhiên, Bộ không đồng ý và nêu rõ qua thẩm tra báo cáo của trường và ý kiến của UBND TP.HCM, trường chưa khắc phục những nguyên nhân dẫn tới ngừng tuyển sinh do đó chưa có cơ sở để Bộ cho phép trường tuyển sinh trở lại. Ngoài ra, Bộ còn yêu cầu trường khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh; Chuẩn bị đủ các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý, nguồn lực tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định. Đến ngày 31.8.2016, nếu trường chưa hoàn thành các yêu cầu vừa nêu, Bộ sẽ xem xét đình chỉ hoạt động đào tạo của trường.
Kéo dài mâu thuẫn
Trước nguy cơ bị đình chỉ hoạt động, Trường ĐH Hùng Vương tìm mọi cách để đạt được những yêu cầu của Bộ nhằm được tuyển sinh trở lại. Trong điều kiện mà theo bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực của trường, nói với PV Thanh Niên chiều qua (9.3), là “nhà trường không còn đủ khả năng chi trả lương cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, giảng viên tới 31.8”, trường đã đi đến quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ, nhân viên, giảng viên. Bà An cho biết thêm: “Suốt 4 năm liền, trường không được tuyển sinh nhưng hơn 100 cán bộ, giảng viên vẫn được giữ lại để duy trì hoạt động của trường, được trả lương, bảo hiểm, chế độ đầy đủ”. Theo bà An, chấm dứt hợp đồng lao động trên tinh thần đảm bảo mọi chính sách theo quy định nhưng sẽ ký lại cho toàn bộ lao động này trên phương diện là nhân viên của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương. Công ty này sẽ hỗ trợ chi trả lương, bảo hiểm, nhưng cán bộ, giảng viên vẫn làm việc tại trường. Bà An thừa nhận: “Chỉ có cách đó, chúng tôi mới tiếp tục duy trì hoạt động cho tới hết tháng 8. Khi nào trường được tuyển sinh trở lại thì hợp đồng lao động tiếp tục do trường ký”. Cũng theo bà An, có 79/105 cán bộ, giảng viên ủng hộ phương án này.
Bà An nhấn mạnh, điều quan trọng nhất bây giờ là tổ chức thành công đại hội cổ đông để bầu ra hội đồng quản trị mới. Sau đó, bầu ra hiệu trưởng để có người đại diện pháp lý. “Các cổ đông đã sẵn sàng góp vốn 250 tỉ đồng và 5 ha đất. Phải có hội đồng quản trị và hiệu trưởng thì trường mới có thể tiếp nhận khoản vốn này. Từ đó đầu tư vào cơ sở vật chất, cán bộ giảng viên”, bà An cho hay.
Bà An cũng khẳng định trường đang làm mọi cách để được tuyển sinh trở lại. “Thực sự là trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong nội bộ cũng như khó khăn trong các quy định mới. Tuy nhiên, chúng tôi tha thiết mong các cấp có thẩm quyền như Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ để có thể tổ chức thành công đại hội cổ đông, hoàn thiện cơ cấu để có thể tiếp nhận đầu tư mới, từ đó mới có thể phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, tiếp tục tuyển sinh”.
Trong thời gian rất dài, trường nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng do nội bộ mâu thuẫn, quyền lợi giữa các bên không thống nhất, nhiều thành phần không chịu tham gia nên cuối cùng không đi đến kết quả nào. Vì lẽ đó, trong khi các trường khác nhanh chóng khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh, trở lại hoạt động thì Trường Hùng Vương vẫn bế tắc do không giải quyết được mâu thuẫn nội bộ. Không ngồi lại cùng nhau, gầy dựng lại mà cứ mải miết kiện tụng nhau thì khả năng giữ lại tên tuổi của một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên ở TP.HCM là điều rất khó thực hiện.
Lẽ ra những người có trách nhiệm hiện nay của trường ĐH này phải tự vấn vì sao để một trường ĐH ngoài công lập ra đời từ rất sớm mà hiện nay chỉ có 50 sinh viên đang chuẩn bị tốt nghiệp và đang trên bờ vực ngưng hoạt động.

Mỹ Quyên – Nhiên An