Dân nhậu chê nhậu nhưng vẫn nhậu
Nhiều bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, đều cho rằng có lúc phải nhậu, nhưng quan trọng là “nhậu sao cho có văn hoá”.
Dân nhậu chê nhậu nhưng vẫn nhậu
Nhiều bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, đều cho rằng có lúc phải nhậu, nhưng quan trọng là “nhậu sao cho có văn hoá”.
Rất đông bạn trẻ ngồi nhậu trên đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp lúc 0g sáng 5-3) – Ảnh: Ngọc Hiển |
Dưới đây là một số ý kiến:
* Anh Trương Thế Cường (phó chủ tịch thường trực Hội LHTN Q.6, TP.HCM):
Nhậu để trải lòng
Theo tôi, bên cạnh bộ phận cán bộ Đoàn nhậu tới bến vẫn còn nhiều người cũng nhậu ở mức độ chừng mực.
Thậm chí có những cuộc tụ hội vui ngất trời chỉ ở quán cà phê hay quán trà sữa. Tôi có những nhóm bạn, nhóm cán bộ Đoàn cùng chơi, lâu lâu anh em gặp nhau cũng có rủ nhau đi nhậu nhưng chỉ uống vài chai bia hoặc ít ly rượu để hàn huyên, trò chuyện hay trải lòng để động viên nhau, mỗi lần nhậu tôi cũng nhắc mọi người nhậu vừa đủ để đảm bảo sức khoẻ và đảm bảo mức độ an toàn khi lái xe về nhà.
Đã đến lúc chúng ta – những người trẻ – cần lên tiếng để xây dựng “văn hoá nhậu”. Hãy làm sao cho những cuộc nhậu đem đến niềm vui cho mọi người, đừng vì ép nhau uống quá mức hoặc khích nhau để “hạ gục” được một ai đó trên bàn nhậu.
* Anh Phạm Tấn Hưng (27 tuổi, tỉnh Gia Lai):
Nhậu vừa đủ thôi
Dù tôi là chủ lò rượu nhưng tôi lại rất ghét mấy tay bợm nhậu và cũng chẳng thích nhậu nhẹt cho lắm. Ngay từ tuổi mới lớn, cha mẹ tôi làm thêm nghề nấu rượu nên tôi tiếp xúc với rượu mỗi ngày. Sau giờ học phải phụ giúp cha mẹ chở rượu cho mấy quán thịt chó ở tận Thuỷ điện Yaly.
Cũng may thời đó tôi không tò mò tập tành uống rượu chứ không thì cha mẹ tôi có khi bị lỗ vì thằng con nát rượu.
Tôi lập gia đình và cũng làm thêm nghề nấu rượu, mỗi ngày ra lò gần cả trăm lít rượu. Tôi thích bán được nhiều rượu nhưng lại ghét mấy tay nhậu, nghe có vẻ kỳ. Nhưng mà đâu phải ai nhậu cũng uống cho “lết bánh” mới thôi.
Nhậu thì uống đủ thôi, cứ lè nhè rồi loạng quạng chạy xe ngoài đường có khi mang vạ cho người khác. Ở quê tôi, mấy tay nhậu thường phóng xe nhanh vì đường vắng và cũng nhiều tai nạn xảy ra do rượu bia.
* Anh Hoàng Thái Hùng (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM):
“Rượu bia là đầu câu chuyện”
Nếu như ngày xưa, nét đẹp của người Việt Nam thể hiện “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì giờ đây “rượu bia là đầu câu chuyện”. Người ta mượn rượu bia để nói chuyện. Chuyện to, chuyện nhỏ, chuyện quan trọng, chuyện bình thường, người ta cứ mượn bia rượu để bàn. Cứ gặp nhau là bia rượu.
Một thực tế là chính người trong cuộc lại chê bản thân mình. Khi bàn về người Việt Nam uống bia rượu nhiều thì chính người trong cuộc lại bàn tán rôm rả lắm, bình phẩm nhiều lắm, có cả hàm ý chê bai nữa. Đó là một thực tế đáng buồn nhưng là… buồn cười.
Uống bia rượu không phải là xấu. Điều quan trọng là uống ở đâu, uống vào lúc nào và uống như thế nào? Làm thế nào để hạn chế bia rượu? Làm thế nào để người Việt Nam không còn là một trong những nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới? Làm thế nào để “văn hóa bia rượu” trở thành một nét đẹp thực thụ ở Việt Nam?
Đó là những câu hỏi lớn cho mọi người, mọi ngành. Theo tôi, câu trả lời hãy bắt đầu từ mỗi người. Bản thân người sử dụng bia rượu hãy trả lời bằng việc làm thiết thực, làm đẹp cho chính mình, từ đó làm đẹp cho gia đình và xã hội.
* Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện KSND TP.HCM):
Giáo dục để nâng cao nhận thức
Tôi nghĩ khó có một giải pháp nào hoàn hảo để hạn chế chuyện nhậu và uống bia rượu. Tôi cho rằng cơ bản là nhận thức của mỗi người. Hình như ai cũng có tính sĩ diện khi tham gia nhậu, không uống sợ không bằng người ta.
Về việc cho rằng phải đánh thuế cao đối với các loại đồ uống có cồn, theo tôi, đó không phải là giải pháp, bởi không uống đồ uống đó thì người ta nấu bia cỏ, tự sản xuất rượu để uống, lúc ấy tôi nghĩ hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Chỉ có cách tốt nhất là giáo dục để nâng cao ý thức của người dân về vấn nạn này.
Và để ngăn chặn nhậu nhẹt tràn lan, vô lối thì hãy bắt đầu từ những buổi nhậu của các cơ quan, công sở. Các cán bộ, công chức gương mẫu rồi mới nói đến thế hệ thanh niên.
Hãy nghĩ tới được, mất Nói về nhậu có hai luồng ý kiến: một bên cho rằng không có gì là xấu, cần thông cảm; bên kia thì cho rằng nhậu là xấu, cần lên án. Ở khía cạnh thực tế, nhậu dẫn tới nhiều hệ lụy khó xóa nhòa, tạo ra bệnh tật và tai nạn, nguyên nhân dẫn tới mất hạnh phúc gia đình… Tuy nhiên, nhiều “người trong cuộc” vẫn không sao tránh khỏi băn khoăn: Vậy nên nhậu hay không? Sẽ thật hay nếu không phải đụng tới bia rượu mà vẫn giải quyết được vấn đề, vẫn thấy niềm vui trọn vẹn trong những cuộc họp mặt bạn bè, nhưng nếu không thể không dùng “chất xúc tác” nhậu thì cần phải có giới hạn, nguyên tắc cho việc nhậu. Rất tiếc, khi nhậu thì người ta không kiềm chế được nên gây ra nhiều nỗi đau, mất mát cho bản thân, gia đình và thành vấn nạn xã hội. Điều cần lên án chính là ở chỗ này, cũng chính ở lý do đó mà đa số đều không thích chuyện nhậu nhẹt (trừ người trong cuộc nhậu). Có câu nói đại ý là thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Trong trường hợp cụ thể này, nếu giữ thói quen nhậu nhẹt (lợi bất cập hại), để “ma men” làm chủ mình thì chắc chắn “số phận” của người ấy khó có thể tốt đẹp. Chưa có việc cấm nhậu nhưng mỗi khi nghĩ tới nhậu hãy nghĩ tới những được, mất của nó. |
“Nhậu là để ngồi lại bên nhau” Một cán bộ Đoàn khẳng định chuyện nhậu đang diễn ra tràn lan trong giới trẻ. Đó là thực trạng đáng buồn mà trách nhiệm không chỉ thuộc về chính giới trẻ, ngay cả những tổ chức, cơ sở quản lý thanh niên có phần lơ là trong việc để “phong trào” nhậu ngày càng phát triển. Cụ thể, các cơ sở Đoàn không tập hợp được giới trẻ tham gia nên họ phải tìm đến những môi trường mà họ thấy vui, dù cái vui đó chưa biết tốt hay xấu. Chúng ta nên nhìn nhận một thực tế là nếu tổ chức Đoàn huy động thanh niên tham gia các hoạt động nhưng khi xong xuôi ai về nhà nấy là không được. Phải có tổng kết, tổng kết mà không có “nước” thì chẳng vui vẻ gì. Cách nghĩ này rằng nhậu tức là chúng ta ngồi lại với nhau để tâm sự, trò chuyện sau những ngày làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên, uống có chừng mực, chỉ vài chai bia là đủ rồi, chứ không phải nhậu hết “tăng” này sang “tăng” khác. “Bản thân chúng tôi cũng phải mời các anh em đoàn viên đi nhậu để ngồi lại bên nhau, lắng nghe ý kiến của họ. Chỉ có ngồi như thế mới tâm sự thoải mái, chia sẻ lại quá trình hoạt động và đôi khi ý tưởng cũng nảy sinh trên bàn nhậu, chứ họp trong hội trường rất khó nói hoặc khi đi hoạt động thì không còn thời gian để trao đổi. Chỉ có những cán bộ lợi dụng chức quyền để ăn nhậu thì cái đó mới sai, mới đáng bị lên án” – cán bộ Đoàn này nói. |