24/12/2024

Truy trách nhiệm công dân

Sự hạn chế của áp lực xã hội cũng như pháp luật là những nguyên nhân làm cho vấn đề ý thức công dân của người Việt ngày càng phát sinh nhiều vấn đề.

 

Truy trách nhiệm công dân

 

Sự hạn chế của áp lực xã hội cũng như pháp luật là những nguyên nhân làm cho vấn đề ý thức công dân của người Việt ngày càng phát sinh nhiều vấn đề.





Người đi bộ tùy tiện băng qua đường - Ảnh: Phạm Hữu

Người đi bộ tuỳ tiện băng qua đường – Ảnh: Phạm Hữu


Đây là quan điểm của TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) (ảnh) khi trả lời phỏng vấn BáoThanh Niên.
Câu chuyện về những hạn chế ở ý thức công dân trong xã hội VN đã được nói đến rất nhiều, từ rất lâu như chuyện xả rác bừa bãi, không có thói quen xếp hàng, thiếu tôn trọng luật giao thông… Nhưng dường như tình hình ngày càng có vẻ bi quan hơn. Cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội, chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hành vi không thể tưởng tượng, như mới đây nhất là vụ một “quý ông” thản nhiên bước ra từ xe ô tô và tiểu tiện giữa đường trước sự chứng kiến của đám đông. Theo bà, những vụ việc như thế cho thấy điều gì đang xảy ra?
Tôi nghĩ cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc để đưa ra những con số cụ thể đồng thời lý giải tại sao lại có những hiện trạng như vậy. Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng ý thức công dân của người VN hiện nay rất kém. Nếu quan sát hằng ngày có thể nhận thấy có rất nhiều vấn đề như chuyện xả rác, nhổ bậy, chen lấn xô đẩy, thiếu ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản công cộng…
Một trong những nguyên nhân hàng đầu của thực trạng đáng buồn này chính là giáo dục kỹ năng sống bị xem nhẹ. Xã hội chúng ta gần như bỏ qua việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử xã hội cho các công dân của mình, đặc biệt là trẻ em. Chúng ta có môn giáo dục công dân nhưng lại nặng về những khái niệm trừu tượng, sáo rỗng còn những kỹ năng ứng xử trong cuộc sống thường nhật ở gia đình, nơi công cộng lại rất hạn chế. Cho nên người VN ở nơi công cộng cũng như gia đình thường ứng xử theo ý muốn của mình. Đó là lý do càng ngày chúng ta càng gặp nhiều những câu chuyện rất đáng xấu hổ, những điều đáng tiếc trong cách ứng xử của người dân ở nơi công cộng, thể hiện trách nhiệm công dân rất thấp.
Nguyên nhân thứ hai là sự phê phán, kiểm soát xã hội của chúng ta cũng yếu. Những hành vi ứng xử kém ở nơi công cộng diễn ra công khai nhưng xã hội không lên án thì rất khó để giảm bớt tình trạng này. Trong mỗi xã hội thường có 2 thiết chế để kiểm soát hành vi ứng xử – là luật pháp và kiểm soát xã hội về mặt đạo đức, ứng xử văn hoá. Áp lực xã hội với những hành vi xấu rất yếu cho nên chỉ đến khi những câu chuyện như việc ngang nhiên bước ra khỏi ô tô tiểu tiện giữa đường được đưa lên mạng xã hội thì mọi người phản ứng mạnh. Trên mạng người ta công kích người đàn ông đó rất ghê gớm nhưng đã có bao nhiêu người đi qua nhìn thấy hành động đó nhưng tặc lưỡi bỏ qua? Còn những hành vi khác như xả rác, viết vẽ bậy, ngắt hoa bẻ cành nơi công cộng… thì hầu như không ai thể hiện bức xúc để tạo nên những làn sóng, áp lực xã hội để điều chỉnh hành vi sai lệch đó. Có thể nói là kiểm soát, áp lực xã hội của chúng ta rất kém trong việc điều tiết hành vi công dân.
 
 
Truy trách nhiệm công dân - ảnh 2
Người VN ở nơi công cộng cũng như gia 
đình thường ứng xử theo ý muốn của mình. Đó là lý do càng ngày chúng ta càng gặp nhiều câu chuyện rất đáng xấu hổ, những điều đáng tiếc trong cách ứng xử của người dân ở công cộng, thể hiện trách nhiệm công dân rất thấp
Truy trách nhiệm công dân - ảnh 3
 
 
 

Một công cụ khác để điều tiết hành vi là luật pháp. Nhận thức của chúng ta về vấn đề này cũng chưa được xem trọng nên luật pháp cũng rất hạn chế. Có rất ít quy định chi tiết cụ thể hoặc nếu có cũng không được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Việc thực thi pháp luật thì càng đáng buồn. Thử hỏi đã có mấy người bị phạt vì những hành vi phản văn hoá ở nơi công cộng? Chuyện người đàn ông tiểu tiện giữa đường, cơ quan chức năng cũng lúng túng không biết xử lý như thế nào.

Ở nhiều nước như Singapore trước đây họ cũng gặp vấn đề tương tự nhưng cuối cùng họ cũng chấn chỉnh được một phần dựa vào những hình phạt rất nghiêm khắc. Theo bà, những kinh nghiệm nào của họ có thể áp dụng để giải quyết vấn đề này?
Câu chuyện của Singapore thì thế giới cũng đã nói nhiều. Ví dụ như việc năm 1993 một sinh viên Mỹ bị Singapore xử phạt 6 roi vì lỗi vẽ bậy lên xe hơi người khác đã gây phản ứng khắp thế giới. Đích thân Tổng thống Mỹ Bill Clinton phải lên tiếng xin tha nhưng cũng không ăn thua. Tại Singapore, các hành vi như vẽ bậy, xả rác, hút thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng… đều bị xử phạt rất nghiêm. Không chỉ bị phạt tiền, phạt tù mà còn bị đánh đòn bằng roi. Sự nghiêm minh trong xử lý những hành vi vi phạm của Singapore đã giúp họ trở thành một quốc gia sạch sẽ hàng đầu thế giới.
Tương tự, ở Nhật Bản việc tuân thủ trật tự công cộng cũng được thực hiện rất nghiêm túc, chuẩn mực. Ngay những quãng đường vắng không có người qua lại, người qua đường vẫn chấp hành hiệu lệnh đèn xanh, đèn đỏ cực kỳ nghiêm túc. Các ga tàu điện ngầm của Nhật luôn đông nghẹt với hàng nghìn người qua lại liên tục nhưng không hề có chuyện chen lấn, xô đẩy lộn xộn. Một số người bạn Nhật Bản cho tôi biết trước đây Nhật Bản cũng từng có những chuyện lộn xộn nhưng nhờ vào việc khơi dậy truyền thống văn hoá khắc kỷ và các chiến dịch tuyên truyền thúc đẩy lòng tự hào dân tộc đã giúp thay đổi, tạo ra hình ảnh tốt đẹp về Nhật Bản.
Tôi nghĩ chúng ta cũng cần có những chiến dịch vận động kêu gọi cải thiện hình ảnh của người VN để tạo ra sự thay đổi. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó vì sức mạnh truyền thông, mạng xã hội là không thể phủ nhận và có những tác động rất lớn. Tôi có cảm giác rằng các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước dường như đang xem nhẹ việc cải thiện hình ảnh, cải thiện nền nếp, văn minh hằng ngày của con người VN trong khi lại nhấn mạnh việc “giữ gìn bản sắc dân tộc”, vực dậy văn hoá truyền thống nhưng dường như lại quên mất rằng trong văn hoá truyền thống ấy có nhiều điểm cần rút kinh nghiệm, cần thay đổi trong khi cuộc sống hằng ngày tiếp diễn cũng có nhiều vấn đề phải xem xét lại, chấn chỉnh.
Về mặt luật pháp, tôi không nghĩ chúng ta cần có những hình phạt khắc nghiệt như Singapore nhưng luật phải cụ thể, chi tiết và phải được đưa vào cuộc sống. Cần phải rà soát xem xét lại, chi tiết hoá các luật và có những hướng dẫn cụ thể. Đi kèm với đó là có người thực hiện. Người thực hiện là ai? Ở một số nước có cơ quan gọi là cảnh sát văn hoá, cảnh sát đạo đức để đảm bảo thực thi luật pháp. Chúng ta có lẽ cũng cần có sự đầu tư như vậy.
Quay lại câu chuyện giáo dục tôi muốn bổ sung thêm rằng cần giáo dục để người dân hiểu rằng các công trình công cộng là từ đóng góp, mồ hôi công sức của họ và họ phải có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ. Nếu để họ nghĩ rằng các công trình đó là nhà nước xây cho thì sẽ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Làm sao để người dân thấy được họ giữ gìn bảo vệ cảnh quan xung quanh mình là bảo vệ tài sản của mình và họ chính là người sẽ được hưởng lợi.
Nói về vấn đề này có nhận xét cho rằng sự hạn chế về ý thức công dân VN có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong ý thức của đội ngũ công chức. Theo bà hai vấn đề này có quan hệ như thế nào?
Chắc chắn hai vấn đề này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Ở nước ngoài, công chức được gọi là civil servant – tức là người phục vụ dân sự. Nhưng ở VN, đội ngũ công chức lại được xem như những người có quyền lực, thay vì thái độ phục vụ nhân dân, nhiều người lại coi họ có quyền ban phát, từ đó dẫn đến các hành vi sai lệch. Xét cho cùng, quan chức, công chức cũng từ nhân dân, từ nền văn hoá này mà ra. Nếu họ không được giáo dục các kỹ năng, từ khi là dân thường đã có những ứng xử sai lệch thì thành công chức cũng sẽ như vậy.
Ở nhiều nước họ có những bộ quy chế, quy tắc về hành vi ứng xử của công chức rất nghiêm khắc. Họ ý thức được rằng đồng lương của họ là từ thuế của người dân nên phải có trách nhiệm như thế nào. Ở VN, những quy định về hành vi ứng xử của công chức gần đây mới được nói đến. Tôi cho rằng thực tế không mấy công chức nắm được các quy định quy tắc ấy hoặc có nắm được họ cũng chẳng theo. Báo chí đã nói nhiều đến chuyện chạy vào biên chế, chạy chức, chạy quyền để hưởng đặc quyền. Theo truyền thống của chúng ta, công chức là những ông quan. Tư tưởng đó xuyên suốt trong lịch sử VN và nếu không thay đổi tận gốc rễ thì rất khó.
Một nguyên nhân nữa là cơ chế của chúng ta khiến việc lên tiếng của người dân rất hạn chế, trách nhiệm giải trình của những “công bộc” cũng không có. Ông công chức ở đâu mà ra? Ông ấy sống được là nhờ thuế của người dân đóng góp đấy chứ. Nhưng câu chuyện đóng thuế của người dân VN thì rất tù mù. Chúng ta thấy hàng loạt khẩu hiệu về nghĩa vụ đóng thuế của người dân nhưng chưa thấy khẩu hiệu nào để công chức ý thức được đồng lương của họ là từ thuế của người dân và họ phải có trách nhiệm với người dân như thế nào.
“Công dân với Tổ quốc” phải chờ đến… 2018
Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay và trong hệ thống các môn học, về lý thuyết, môn giáo dục công dân giữ vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi người công dân, phát triển tâm lực và nhân cách con người. Giáo dục công dân truyền tải cho người học những giá trị, chuẩn mực của xã hội để họ trở thành những con người toàn diện, biết sống và biết tôn trọng người khác, thành công dân có ích cho cộng đồng, xã hội. Tuy gánh một trọng trách to lớn và thiết thực như vậy nhưng môn học này chỉ có 1 tiết/tuần, nội dung thì quá ôm đồm, dàn trải, nặng về lý thuyết mà lại không phải là môn thi trong kỳ thi quốc gia nên cả thầy và trò chỉ dạy và học mang tính đối phó.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho rằng: “Hiện nay, cả người quản lý và người dạy đều chưa nhận thức hết tầm quan trọng của bộ môn đã góp phần quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân cách của học sinh. Môn học này chưa được xem như một công cụ để hỗ trợ cho học sinh, đem kiến thức học được trong nhà trường vận dụng, giải quyết những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống”.
Tại hội thảo quốc gia bàn về đổi mới cách dạy học môn học này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhìn nhận tình trạng tiêu cực về đạo đức, vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học đạo đức – giáo dục công dân trong nhà trường. Nội dung, chương trình của môn học còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống.
Theo dự thảo Khung chương trình giáo dục phổ thông sẽ áp dụng từ năm 2018, môn giáo dục công dân sẽ được đổi thành môn công dân với Tổ quốc, Bộ GD-ĐT khẳng định, môn học này sẽ thay đổi theo hướng chú trọng hơn đến việc trang bị kỹ năng sống cho người học, giáo dục cho học sinh những chuẩn mực về ý thức và hành vi của công dân, bằng những bài học thực tiễn, hấp dẫn hơn.  
 Tuệ Nguyễn


Trường Sơn (thực hiện)