01/11/2024

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật

Trong 100 bạn trẻ được hỏi, chỉ có 20 người cho rằng “hiểu biết luật là điều cần thiết nên phải chủ động tìm hiểu để áp dụng vào cuộc sống”. Số đông còn lại chỉ tìm đến luật khi “có chuyện cần” hoặc “liên quan đến công việc”.

 

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật

Trong 100 bạn trẻ được hỏi, chỉ có 20 người cho rằng “hiểu biết luật là điều cần thiết nên phải chủ động tìm hiểu để áp dụng vào cuộc sống”. Số đông còn lại chỉ tìm đến luật khi “có chuyện cần” hoặc “liên quan đến công việc”.

 

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật
Các cán bộ, công chức trẻ Q.12 (TP.HCM) tham gia tư vấn pháp luật, các vấn đề pháp lý về thủ tục hành chính cho thanh niên và người dân các phường của quận – Ảnh: Q.Linh

Đó là kết quả đáng chú ý của cuộc khảo sát nhanh với 100 bạn trẻ trong độ tuổi từ 20-30, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tại TP.HCM về cách thức tiếp cận, việc cập nhật những quy định và thực tế áp dụng luật pháp vào cuộc sống.

Chỉ mở luật khi có việc

Nhóm khảo sát đưa ra một số thay đổi gần đây trong Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS) để làm “phép thử” thì có 72% ý kiến trả lời có biết đến các thay đổi đó.

Trong đó, những người quan tâm đến thông tin tăng 2 tuổi nhập ngũ so với quy định hiện nay là 25 tuổi trong Luật NVQS đa số là nam giới và có độ tuổi từ 20 – 27. Còn những người quan tâm đến quy định mới về việc tăng dần thời gian đóng BHXH lên 5 năm để hưởng lương hưu tối đa và có biết Luật BHXH bổ sung chế độ thai sản có liên quan đến lao động nam lại tập trung ở đối tượng công nhân viên chức.

Có 48% bạn trẻ trả lời khảo sát cho biết lý do họ quan tâm đến những thay đổi trong hai luật kể trên là do “gặp chuyện nên mới tìm đến luật” và 34% cho biết nắm thông tin thay đổi do những luật này có liên quan sát sườn đến công việc của họ.

Ngược lại, có 33% không biết đến những thay đổi này do không có nhu cầu hoặc công việc liên quan.

Như chia sẻ của anh Duy Anh, Q.Phú Nhuận: “Tôi làm kinh doanh tự do nên những luật như BHXH hay NVQS kể trên tôi không để ý. Nhưng Luật doanh nghiệp thì luôn có sẵn để đụng chuyện thì mở ra đọc”.

Chị Nguyễn Thị Trâm, nhân viên văn phòng Q.Tân Bình, bổ sung: “Các văn bản luật thường khô khan, rối rắm, nên nếu không liên quan trực tiếp thì người ta sẽ không chủ động tìm hiểu làm gì cho nặng đầu”.

Trong các thang đo mức độ am hiểu những thay đổi gần đây của một số điều luật liên quan đến nhiều người dân được nhóm khảo sát đưa ra, chỉ có 4% tin tưởng họ nắm rõ các thay đổi cũng như vận dụng nó vào đời sống. Số đông còn lại cho biết họ chỉ nắm thông tin cơ bản hoặc có biết thay đổi nhưng không rõ thay đổi cụ thể như thế nào.

Vì vậy, có đến 74% bạn trẻ trả lời khảo sát cho biết chưa hề áp dụng luật vào bất kỳ hoàn cảnh nào để bảo vệ bản thân và phục vụ cuộc sống.

Chị Lê Thị Kim Anh, Q.Bình Thạnh, giải thích: “Luật có nhiều chương điều nên khó mà am hiểu sâu sắc tường tận huống chi là tự dùng nó. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp, tốt nhất vẫn phải nhờ can thiệp của bên thứ ba có chức năng”.

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật
Khảo sát ý kiến 100 người – Đồ họa: Vĩ Cường

Tiếp cận và áp dụng luật không dễ

Trong nhiều khó khăn khi tiếp cận thông tin luật pháp cũng như những thay đổi luật gần đây, có ba khó khăn cơ bản được nhiều bạn trẻ đề cập. Trong đó, 69% người trẻ cảm thấy “các văn bản luật quá khó hiểu và cần có người hướng dẫn”.

Thứ hai, 28% ý kiến cho rằng sự thay đổi liên tục các quy định, bổ sung về luật cũng gây khó khăn trong việc áp dụng vào cuộc sống thực tế của từng cá nhân.

Và cuối cùng, 21% cho biết họ gặp khó trong việc tìm các kênh tiếp cận văn bản luật. Như ý kiến của chị Kiều Dung, nhân viên văn phòng (Q.Bình Thạnh): “Tìm hiểu luật trên Internet nhiều vô kể nhưng thông tin chưa chắc đã chính xác, nếu không do các trang chính thống đưa tin thì rất dễ có sai sót hoặc nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai”.

Khi bàn về những giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin luật pháp cho người trẻ, chị Nguyễn Thùy Linh (Q.1) góp ý: “Nên có những trang mạng xã hội hoặc fanpage chính thống chuyên đưa tin về luật pháp. Trong đó tuyên truyền, mô tả luật dưới dạng infographic hay tranh ảnh vui nhộn, sinh động, dễ hiểu. Bằng hình thức mới mẻ trẻ trung này nhiều người trẻ sẽ cảm thấy thú vị hơn khi tiếp cận văn bản luật…”.

Ở góc nhìn khác, nhiều người được khảo sát cho rằng nhiều người dân ngại tìm hiểu và áp dụng luật rộng rãi vào cuộc sống do bản thân và môi trường sống chưa hình thành thói quen chấp hành luật pháp.

Anh Đỗ Nguyên, giảng viên đại học tại TP.HCM, chia sẻ câu chuyện nhiều ông bố chở con đi học quên mang mũ bảo hiểm cho con, nhưng vì sợ trễ nên cứ để con đầu trần vậy mà đi luôn. Theo anh, câu chuyện nhỏ nhưng đã thể hiện sự tùy tiện trong việc chấp hành luật của người dân, lâu dần sẽ ảnh hưởng nếp nghĩ và hình thành thói quen không xem trọng việc tuân thủ và chấp hành luật pháp nơi con trẻ.

Vì vậy, trong một số giải pháp nhằm nâng cao việc tiếp cận và sử dụng văn bản luật được đưa ra, phần đông những người trẻ nhận thấy việc xây dựng cho người dân tư duy về luật và vận dụng luật pháp vào thực tế để bảo vệ bản thân và phục vụ cuộc sống là rất quan trọng, với 53% lựa chọn.

Tuy nhiên, theo một số người, đây là công việc lâu dài và nhiều thách thức.

“Khi mà nếp sống gia đình, cộng đồng và môi trường học tập chưa hình thành thói quen chấp hành luật pháp, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật thì câu chuyện xây dựng tư duy pháp luật và vận dụng tư duy ấy vào đời sống e rằng sẽ còn dài và khó lắm” – anh Minh Tuấn (Q.Phú Nhuận) thẳng thắn chia sẻ.

* Chị Lê Thị Thanh Tâm 
(22 tuổi, Q.Thủ Đức):

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật

Theo tôi, hiểu biết rõ về luật là cần thiết, không chỉ để làm đúng pháp luật mà còn vận dụng để tránh bị phạt, bị thiệt hại quyền lợi nữa.

* Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (26 tuổi, Q.Phú Nhuận):

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật

Tôi cho rằng thói quen sống và giải quyết công việc theo những quy ước xã hội hơn là áp dụng pháp luật đã cản trở ý thức phải vận dụng luật vào cuộc sống. Phải để người dân sống trong một môi trường mà ai cũng có ý thức chấp hành luật pháp thì mới mong thay đổi điều này.

* Anh Hoàng Minh Tuấn 
(28 tuổi, Q.Phú Nhuận):

Con số đáng sợ: chỉ 20% người trẻ nói cần chủ động nắm luật

Nếu không có người hoặc một nguồn chuyên trợ giúp về luật thì người dân khó lòng biết được đúng sai, vì vậy bên cạnh việc nâng cao kiến thức cũng cần phải coi trọng vấn đề tìm người bảo vệ và đại diện quyền lợi luật pháp cho mình nữa.