24/01/2025

Vôi hoá bàng quang vì nhiễm sán

Một người đàn ông trung niên ở Qatar đã mắc chứng vôi hoá bàng quang, một phần cơ quan sinh sản và ruột vì nhiễm sán lâu năm mà không hay biết.

 

Vôi hoá bàng quang vì nhiễm sán

 

Một người đàn ông trung niên ở Qatar đã mắc chứng vôi hoá bàng quang, một phần cơ quan sinh sản và ruột vì nhiễm sán lâu năm mà không hay biết. 



 


Ảnh: The New England Journal of Medicine

 

Ảnh: The New England Journal of Medicine


Tiểu ra máu có thể là triệu chứng báo hiệu bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng Schistosoma, loại sán phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, ảnh chụp X-quang phần bụng và xương chậu của bệnh nhân 43 tuổi tại Qatar đã khiến các bác sĩ vô cùng bất ngờ: người này mắc tình trạng gọi là vôi hóa bàng quang, theo báo cáo đăng trên chuyên san The New England Journal of Medicine.
Trong trường hợp này, ký sinh trùng Schistosoma làm ổ gần bàng quang và ống niệu đạo của bệnh nhân, kết nối thận với bọng đái, theo bác sĩ Ronald Blanton, Giáo sư của Đại học Case Western Reserve tại Cleveland.
Trứng của ký sinh trùng có thể xâm nhập bàng quang và bám lên vách bọng đái. Tuy nhiên, hệ miễn dịch đã phản ứng kịch liệt bằng cách vôi hoá các thành vách của cơ quan này, dẫn đến tình trạng kỳ lạ được đặt tên là “vôi hoá vỏ trứng”.
Sán Schistosoma là ký sinh trùng lây lan thông qua những loài sên nước ngọt. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 200 triệu người bị nhiễm Schistosoma.
Người nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nước chứa ấu trùng của sán do sên thải ra, theo bác sĩ Blanton. Ví dụ, trẻ nhỏ có thể nhiễm sán nếu bơi lội trong nước có ấu trùng, trong khi những người làm nghề nông, đánh cá hoặc tưới tiêu, hoặc thậm chí chỉ giặt quần áo trong nước có sán cũng đối mặt với nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Một khi xâm nhập vào cơ thể, chúng trưởng thành và sống trong các tĩnh mạch, trong khi con cái tiếp tục đẻ trứng. Một số trứng bị thải khỏi cơ thể thông qua nước tiểu hoặc phân, số còn lại bị mắc kẹt bên trong các mô cơ thể, kích thích phản ứng dữ dội của hệ miễn dịch.
Ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân đồng thời cũng bị can xi hoá túi tinh và một phần ruột. Bác sĩ Blanton cảnh báo tình trạng sán bám ở bàng quang, cũng như các phần khác của cơ quan sinh sản hoặc tiết niệu có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vôi hoá ở cả nam lẫn nữ.
Một cuộc kiểm tra chất kháng thể cũng chứng minh sự hiện diện của loài sán này trong cơ thể người bệnh. Bác sĩ Blanton cho hay tình trạng vôi hoá mất khoảng 5 năm để hình thành lớp màng mỏng bao quanh các vùng nhiễm sán.
Độ tuổi dễ nhiễm sán Schistosoma là từ 8 – 20 tuổi, nên nếu trường hợp của bệnh nhân Qatar giống như đa số các ca bệnh khác, ông này có thể đã nhiễm sán ít nhất 30 năm. Cần phải mất nhiều thời gian để điều trị tình trạng này, và tẩy giun sán khỏi cơ thể là điều cần làm trên hết, theo bác sĩ Mỹ.

Tụ Yên