24/12/2024

Về học bổng ‘khổng lồ’: Lợi dụng và lừa gạt?

Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 3.3 đăng bài Nghi vấn về học bổng “khổng lồ”, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong, ngoài nước cũng như cơ quan chức năng đều cho rằng cần phải điều tra.

 

Về học bổng ‘khổng lồ’: Lợi dụng và lừa gạt?

 

Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 3.3 đăng bài Nghi vấn về học bổng “khổng lồ”, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong, ngoài nước cũng như cơ quan chức năng đều cho rằng cần phải điều tra.



 


 

Chưa có quỹ tài trợ nhưng WCCC đã quảng bá học bổng du học tràn lan trên mạng


Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 3.3 đăng bài Nghi vấn về học bổng “khổng lồ”, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong, ngoài nước cũng như cơ quan chức năng đều cho rằng mức độ tin cậy của chương trình học bổng Thách thức biến đổi khí hậu thế giới là rất thấp và cần phải điều tra.
Bộ GD-ĐT chưa biết thông tin gì về học bổng này
Phóng viên Thanh Niên đã đặt vấn đề với ông Paul Phillips, Giám đốc quốc tế của Công ty TNHH Climate Change Challenge (WCCC) về tính pháp lý của học bổng Thách thức biến đổi khí hậu thế giới (WCCCSP) ở VN. Với câu hỏi: “Ông có đăng ký chương trình học bổng này với Chính phủ VN không?”, ông Paul nhìn nhận: “Chúng tôi có đăng ký doanh nghiệp với chính quyền VN, nhưng chương trình học bổng thì không”. Ông Paul giải thích: “Học bổng được thực hiện, thương thảo với các ĐH ở nước ngoài nên tôi nghĩ không có lý do gì để đăng ký với Chính phủ VN. Ví dụ như một học sinh VN vẫn có thể đăng ký học bổng tại một trường ĐH ở Mỹ. Chính phủ VN cũng không tham gia tài trợ cho học bổng, họ không đầu tư vào và đương nhiên không mất gì cả”.
Trả lời Báo Thanh Niên về vấn đề này, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho hay: “Cục Đào tạo với nước ngoài là cơ quan được Bộ GD-ĐT giao quản lý các chương trình học bổng, chúng tôi luôn ủng hộ và đánh giá cao các chương trình học bổng của các chính phủ và tổ chức hỗ trợ cho người VN đi học nâng cao trình độ ở nước ngoài.
Rất nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài đã liên hệ với Cục Đào tạo với nước ngoài đề nghị Cục giúp họ quảng bá rộng rãi các chương trình học bổng. Khi nhận được yêu cầu, Cục sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết trong đó có việc kiểm tra lại độ chính xác và tin cậy của nguồn tin rồi mới đưa lên trên trang web của Cục và gửi văn bản thông báo (nếu cần).
Đến nay, chúng tôi không nhận được thông tin gì về học bổng cho người VN từ tổ chức WCCC này”.
Có thể là lợi dụng và lừa gạt
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên phụ trách chương trình Tiếp sức du học của Hội Thanh niên sinh viên VN tại Mỹ, cho biết: “Với tư cách cá nhân, qua tìm hiểu, tôi thấy tính xác thực của học bổng này là rất khó xác định”. Ông Du đưa ra một số lý do sau: “Thứ nhất, dự án này rất lớn với khoảng 2.000 suất học bổng, giả sử mỗi người sẽ được theo học ở Mỹ một năm tương đương với 50.000 USD thì tổng cộng cũng là 100 triệu USD. Thông tin đăng tải nêu rằng khi có đủ các ứng viên rồi tổ chức này mới tiến hành xin nguồn tài trợ. Trên thực tế, nguồn tài trợ học bổng vài triệu USD đã khó, huống hồ là một con số rất lớn như vậy.
Thứ hai, tôi đã tìm hiểu trên internet về WCCC nhưng thấy thông tin về tổ chức này cũng như ban điều hành chương trình học bổng của họ rất ít ỏi và mức độ tin cậy là rất khó xác định. Tôi đã gửi thư điện tử cho đơn vị phụ trách về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (United Nations Framework Convention on Climate Change) nhưng họ trả lời là không có liên quan và tôi cũng đang gửi thư cho Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund-GCF), đơn vị được đề cập nhiều trong chương trình học bổng của tổ chức WCCC để nhờ họ giải đáp một số vấn đề liên quan.
Thứ ba, theo quy trình thông thường của các chương trình học bổng khác (như Fulbright chẳng hạn) thì phải có quỹ, có nguồn tiền, có ban điều hành quỹ và mọi thứ rõ ràng minh bạch rồi thì người ta mới mời ứng viên nộp đơn đăng ký. Còn ở đây, quy trình không theo trình tự thông thường như vậy và các thông tin về nguồn quỹ rất mập mờ với nhiều điểm không rõ ràng và chắc chắn. Tôi chưa thấy ở đâu triển khai chương trình học bổng có giá trị lớn với quy trình giống như trường hợp này cả.
Theo tôi, mọi người cần phải hết sức cẩn thận khi gửi những thông tin cá nhân của mình, nếu không rất dễ có nguy cơ bị lợi dụng. Tôi biết đã có một số tổ chức/cá nhân sử dụng những cách thức rất hấp dẫn và thoạt nghe tưởng như vô hại để lấy thông tin cá nhân của người khác. Nếu WCCC là tổ chức thực sự có uy tín với mục đích tốt thì cần phải làm rõ những vấn đề nêu trên để mọi người cùng biết”.
Còn theo ông Koos Neefjes, Cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP: “Cho đến nay, điều mà tôi quan ngại là giám đốc của WCCC đang có dính líu đến hoạt động phi pháp, dù tôi không biết chi tiết về luật pháp liên quan ở VN. Ông ấy đang nói dối và đang yêu cầu các trường đưa tiền dựa trên lời nói dối đó. Ông đang thêu dệt nên những câu chuyện giả tạo với mục đích lừa gạt và lấy tiền người khác”.
Cách làm mập mờ

Cá nhân tôi thấy rằng việc lấy danh sách học sinh, sinh viên trước rồi mới đi vận động quỹ là cách làm mập mờ, nhập nhằng và tinh vi, cần phải điều tra làm rõ. Cách làm chính đáng là phải xin phép thành lập chương trình học bổng, có hội đồng quản trị học bổng… Còn ở đây, mọi thứ đều chưa có gì chắc chắn thì không thể đi vận động, kêu gọi mọi người đăng ký tham gia học bổng như vậy. Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm đến việc liệu những thông tin cá nhân của các ứng viên đã nộp hồ sơ có được sử dụng đúng mục đích hay không!
Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – xã hội tại TP.HCM
Tổ chức này có thể là giả mạo

Thông tin WCCC có hơn 100 học bổng cho người VN trong tổng số trên 1.000 học bổng để theo học tại Mỹ và các nước nếu có thật rõ ràng là một trong những chương trình lớn nhất trên thế giới, tương đương Fulbright. Tôi rất ngạc nhiên vì chưa nghe nói đến học bổng này bao giờ. Tìm hiểu trên trang web của họ (www.wccc-corp.com) và trang Facebook (https://www.facebook.com/groups/wcccscholarship/), tôi nghĩ tổ chức này là giả mạo. Ngoài ra, không có quan chức cấp cao nào về ngành giáo dục của VN hay Mỹ đứng sau WCCC. Và cũng không có hội đồng tư vấn cho “quỹ học bổng” này. Không lý nào một quỹ học bổng trị giá nhiều triệu đô la Mỹ hợp pháp lại do một nhân vật không có kinh nghiệm gì trong các tổ chức từ thiện hoặc giáo dục điều hành.
Pamela McElwee
(PGS-TS ngành sinh thái học con người, Trường Khoa học môi trường & sinh học, ĐH Rutgers, bang New Jersey, Mỹ)

Như Lịch – Kim Nga