24/01/2025

Quy hoạch đê điều sông Hồng: Quá an toàn nên lãng phí

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương khi góp ý liên quan đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

 

Quy hoạch đê điều sông Hồng: Quá an toàn nên lãng phí

 

 

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương khi góp ý liên quan đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

 

 

 

 

Quy hoạch đê điều sông Hồng: Quá an toàn nên lãng phí
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem đồ án điều chỉnh quy hoạch – Ảnh: chinhphu.vn

 

 

Cuộc họp nghe báo cáo đồ án do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra hôm qua 3-3, cùng tham dự có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội – Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.

Đồ án nêu lên ba mục tiêu lớn của điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hoá – xã hội, phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn.

Đồng thời làm cơ sở cho việc lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh…

Phạm vi và quy mô điều chỉnh bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hoà Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, tổng diện tích toàn vùng trên 24.314 km2, dân số hiện trạng (năm 2012) khoảng 17,6 triệu dân).

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý khi đồ án đã được phê duyệt, các địa phương trong vùng cần hết sức quan tâm cập nhật, bổ sung, rà soát quy hoạch của địa phương mình gắn với những nội dung quy hoạch trong đồ án cũng như những quy hoạch chi tiết vùng thủ đô.

Đối với quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa mới được phê duyệt (tháng 2-2016), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng quy hoạch này có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ các địa phương trong vùng thủ đô.

Tuy nhiên sau khi được phê duyệt, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều địa phương cho rằng quy hoạch này quá an toàn và trong điều kiện đất chật người đông, gây ra sự lãng phí khi có nhiều bãi ven sông bị bỏ hoang, không được sử dụng.

Vì vậy cần hết sức quan tâm rà soát, có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở các khu vực ven sông, bảo đảm được an toàn đê điều, song cũng phải tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lợi từ các vùng đất ven sông, tránh tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí.

Bên cạnh đó, cần quan tâm khôi phục, cải tạo tất cả hệ thống sông, hồ trong vùng bằng nạo vét, khai thông luồng chảy, kè đắp.

Một nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong vùng thủ đô, đảm bảo giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương.

Tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trong quy hoạch, phát triển, mở rộng các sân bay trong vùng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề quốc phòng, an ninh.

Không xây sân bay quốc tế thứ 2 tại Tiên Lãng

Theo tài liệu báo cáo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tại quyết định quy hoạch năm 2008, sân bay quốc tế thứ 2 (sân bay thứ nhất là Nội Bài, Hà Nội) được giới thiệu tại Tiên Lãng, Hải Phòng.

Tuy nhiên vị trí này quá gần sân bay Cát Bi (Hải Phòng), gây tranh chấp chức năng khi sân bay Cát Bi được nâng cấp thành sân bay quốc tế.

Quy hoạch đường không trong tài liệu nêu xây dựng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài thành cảng hàng không lớn, hiện đại khu vực phía Bắc.

Sau năm 2020 mở rộng sân bay về phía nam, xây dựng thêm đường băng số 3 và nhà ga T3. Cải tạo, nâng cấp sân bay Gia Lâm nhằm phục vụ hành khách nội địa.

Các vị trí có thể sử dụng hoặc xây dựng sân bay quốc tế thứ 2: sân bay quốc tế Cát Bi, khoảng cách đến Hà Nội 110km; nghiên cứu vị trí sân bay mới tại khu vực phía bắc tỉnh Hà Nam, khoảng cách đến trung tâm Hà Nội 60 – 65km. Diện tích sân bay cần 2.000 – 2.500ha.

V.V.THÀNH