24/01/2025

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Đội vốn, tai nạn, tổng thầu Trung Quốc nợ nần

Không chỉ đội vốn, xảy ra nhiều tai nạn, công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) tiếp tục chậm tiến độ do tổng thầu Trung Quốc thiếu tiền, nợ nần nhà thầu phụ.

 

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Đội vốn, tai nạn, tổng thầu Trung Quốc nợ nần

 

 

Không chỉ đội vốn, xảy ra nhiều tai nạn, công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) tiếp tục chậm tiến độ do tổng thầu Trung Quốc thiếu tiền, nợ nần nhà thầu phụ.

 

 

 

 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đội vốn, tai nạn, tổng thầu Trung Quốc nợ nần
Khu vực nhà ga Vành đai 3 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ do các nhà thầu phụ bị tổng thầu nợ tiền thi công – Ảnh: Nguyễn Khánh

 

 

Tại lễ ra quân và phát động thi đua hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sau Tết Nguyên đán vừa qua, đại diện Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC) cam kết dốc hết sức để xây dựng công trình có chất lượng tốt nhất với tốc độ nhanh nhất.

Nhưng 18 ngày sau, tại cuộc họp giao ban tiến độ ngày 2-3 ở Bộ GTVT, tổng thầu lại xin lỗi vì tiến độ một số hạng mục của dự án bị chậm do thiếu tiền, do tổng thầu nợ các thầu phụ.

Thầu phụ ngừng thi công vì tổng thầu “chơi khó”

Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 3-3 công trường Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Vành đai 3 của dự án hầu như vắng vẻ, lác đác công nhân thi công mặc dù đây là các ga đang chậm tiến độ từ 9 – 22 ngày so với tiến độ thi công đề ra.

Đặc biệt ga Vành đai 3 (gần nút giao thông Thanh Xuân) nằm trong danh sách chậm tiến độ nhưng không một bóng công nhân dù phần sàn tầng 1 của nhà ga đã thi công xong.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Chín – phó tổng giám đốc Cienco 4, nhà thầu phụ – cho biết ga Vành đai 3 được một nhà thầu khác thi công xong phần sàn tầng 1 nhưng bỏ cuộc vì bị nợ nần, Cienco 4 đã chào giá và đàm phán hợp đồng thi công nhà ga này.

Sau nhiều lần thương thảo, hai bên đã cơ bản thống nhất về giá trị hợp đồng nhưng chưa ký kết.

Trong quá trình ứng cứu tiến độ hạng mục phụ trợ của nhà ga như bể chữa cháy, bể phốt và cầu thang thoát hiểm nhằm kịp thông xe hầm đường bộ Thanh Xuân (các trụ nhà ga nằm ở dải phân cách giữa đường vào hầm), Cienco 4 đã ký hợp đồng xây dựng các hạng mục này với tổng thầu vào ngày 10-12-2015.

Tuy nhiên, khi tiếp tục triển khai hợp đồng thi công nhà ga Vành đai 3, tổng thầu lại không chấp nhận đưa các điều khoản đã ký kết của hợp đồng thi công các công trình phụ trợ nói trên thành một phụ lục của hợp đồng thi công ga Vành đai 3.

Tổng thầu yêu cầu đàm phán lại toàn bộ hợp đồng, dẫn đến việc thương thảo lại mất 
rất nhiều thời gian.

Ông Chín cho biết đến nay còn nhiều điều khoản hai bên không thống nhất trong hợp đồng thi công nhà ga Vành đai 3, đặc biệt liên quan đến yêu cầu phía tổng thầu phải thanh toán lãi suất chậm trả trong trường hợp chậm trễ thanh toán cho Cienco 4 cũng như các điều khoản về bảo hành công trình.

Mặc dù các nội dung trên đều đã được hai bên thống nhất theo hợp đồng thi công các công trình phụ trợ của nhà ga đã ký trước đó.

Vì các lý do trên, ngày 2-3, Cienco 4 đã có văn bản thông báo tới Bộ GTVT và Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt thuộc Bộ GTVT rằng chưa có kế hoạch triển khai thi công nhà ga Vành đai 3 trong thời gian tới.

“Làm thì không khó nhưng nếu không có cam kết rõ ràng, làm rồi bị nợ tiền, đến nay chưa có phương án trả nợ cụ thể thì chúng tôi không 
muốn làm” – ông Chín cho biết.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đội vốn, tai nạn, tổng thầu Trung Quốc nợ nần
Nhà ga Cát Linh thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ do các nhà thầu phụ bị tổng thầu nợ tiền thi công – Ảnh: Nguyễn Khánh

“Giương súng nhưng thiếu đạn”

Tại cuộc họp với Bộ GTVT về tiến độ dự án, ông Dư Giang – giám đốc điều hành dự án của tổng thầu – cho biết trong số 12 nhà ga của dự án hiện có các ga Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Vành đai 3, ga bến xe Hà Đông chậm tiến độ đề ra từ 9 – 22 ngày.

Công tác lao lắp dầm cũng chậm so với kế hoạch… Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Giang đưa ra 2 lý do: nghỉ tết dài khiến việc huy động nhân lực chậm và tổng thầu còn nợ thầu phụ 400 tỉ đồng.

Theo ông Giang, vấn đề bây giờ chỉ thiếu tiền, có tiền sẽ giải quyết được tất cả. Khi bị Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường truy “thiếu tiền là do ai?”, ông Giang thừa nhận là do công tác giải ngân dự án, do tổng thầu.

Cụ thể là hiện nay việc xin tăng 19,2 triệu USD tổng mức đầu tư chưa được phía Trung Quốc chấp thuận giải ngân.

Khác với con số nợ nhà thầu phụ 400 tỉ đồng từ ông Dư Giang, ông Triệu Khắc Dũng – phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) – cho biết thống kê đến ngày 29-2 cho thấy tổng thầu nợ các nhà thầu phụ khoảng 554 tỉ đồng, do bị nợ nên thầu phụ thiếu tiền thi công làm dự án chậm tiến độ.

Ông Dũng cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là tổng thầu thiếu tiền khi phía Trung Quốc đang siết dòng tiền ra nước ngoài, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Trong khi ở hiện trường dự án, các nhà thầu phụ cùng máy móc, nhân lực đã bố trí đầy đủ nhưng do thiếu tiền để thi công nên lâm vào cảnh “giương súng nhưng lại thiếu đạn”.

Ông Dũng đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để bố trí vốn cho dự án đảm bảo tiến độ.

Để giải quyết về vốn, ông Dư Giang cho biết tổng thầu sẽ sớm làm việc với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc trong việc chấp thuận tăng tổng mức đầu tư dự án để giải ngân 19,2 triệu USD.

Ông Giang cũng cho biết trong thời gian trước mắt sẽ kiến nghị lãnh đạo tổng thầu điều động nguồn vốn lưu động để giải ngân kịp thời cho các nhà thầu phụ.

Theo ông Giang, vào ngày 6-3, ông Chu Hằng Vũ – phó tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu) – sẽ sang Việt Nam làm việc với Bộ GTVT và PMU đường sắt để có những trao đổi rõ ràng hơn về việc chuyển tiền cho dự án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định các bên liên quan vẫn phải đảm bảo hoàn thành dự án vào cuối năm 2016 theo tiến độ đề ra. Bộ GTVT đề nghị trong khi chờ tổng thầu trả nợ, các nhà thầu phụ vẫn cần phải thi công.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đội vốn, tai nạn, tổng thầu Trung Quốc nợ nần
Nguồn: Tuấn Phùng. Đồ hoạ: Như Khanh

Dự án “tai tiếng”

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông được khởi công ngày 10-10-2011, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc 169 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 2.123 tỉ đồng.

Tháng 11-2014, PMU đường sắt đã trình Bộ GTVT đề nghị phê duyệt tăng tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD (18.001 tỉ đồng).

Đây là phương án đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định và so với tổng mức đầu tư được phê duyệt từ năm 2008 dự án vay vốn ODA Trung Quốc này tăng thêm 315,18 triệu USD.

Ngoài đội vốn, dự án này còn “tai tiếng” trong việc thi công, để xảy ra nhiều tai nạn rơi các thanh sắt ra ngoài công trình gây nguy hiểm tính mạng người đi đường, trong đó có một vụ làm chết người vào ngày 6-11-2014.

Chia nhỏ hợp đồng

Về ký kết hợp đồng với thầu phụ, theo PMU đường sắt, tổng thầu Trung Quốc chia lẻ các hạng mục công trình thành các hợp đồng thầu phụ nhỏ lẻ, không đồng bộ và không tuần tự (ví dụ như tách riêng móng nhà, xây thô, hoàn thiện…) làm giảm tính chủ động và khó khăn khớp nối các khâu, các bước nên tiến độ các hạng mục thường xuyên bị phá vỡ.

Nhiều hạng mục đã ký hợp đồng nhưng chỉ có tính chất ghi nhớ, nguyên tắc, chưa đủ điều kiện triển khai thi công, không tạm ứng để triển khai thi công như hợp đồng thi công kết cấu từ đáy nhà ga thì các hạng mục cầu thang lên xuống, hố tự hoại, phòng cứu hoả, cầu thang thoát hiểm… không có khối lượng, đơn giá, không xác định khối lượng thi công.

Vì vậy, PMU đường sắt đề nghị cho phép đơn vị này được tham gia cùng đàm phán hợp đồng giữa tổng thầu với thầu phụ.

Nếu không được thực hiện việc này, PMU đường sắt đề nghị Bộ GTVT làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho phép đơn vị này được can thiệp trực tiếp vào hợp đồng với các nhà thầu phụ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thịnh – nguyên trưởng phòng giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) – cho biết theo điều kiện vay vốn của hiệp định vay vốn cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì không thay đổi tổng thầu được.

Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm từ dự án để có thể tránh những rủi ro về năng lực nhà thầu khi thực hiện các dự án vốn vay ODA kèm theo những điều kiện ràng buộc.

Theo đó, từ khi đàm phán, thương thảo các hiệp định vay vốn, bản thân tổ chức đàm phán phải chia thành các tiểu ban về mặt pháp luật, chuyên môn kỹ thuật, kinh tế tài chính để các chuyên viên tiểu ban đó bàn thảo sâu sắc các vấn đề làm cơ sở điều khoản hiệp định, hợp đồng.

Như vậy, hiệp định, hợp đồng mới chặt chẽ hơn so với 
quan chức đi ký hợp đồng.

T.PHÙNG ([email protected])