23/01/2025

Tội phạm không giảm sẽ thay lãnh đạo

“Địa bàn, đơn vị nào để tội phạm lộng hành kéo dài gây dư luận bức xúc trong nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Phải kiên quyết thay thế lãnh đạo, chỉ huy yếu kém”.

  

Tội phạm không giảm sẽ thay lãnh đạo

 

 

“Địa bàn, đơn vị nào để tội phạm lộng hành kéo dài gây dư luận bức xúc trong nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Phải kiên quyết thay thế lãnh đạo, chỉ huy yếu kém”.

 

 

 

 

Tội phạm không giảm sẽ thay lãnh đạo
Trung tá Lê Thành Hưng – trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM – kiểm tra các điểm thường xảy ra cướp giật được lắp đặt camera trên địa bàn phường – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định điều này trước lãnh đạo 24 quận, huyện và Công an TP.HCM tại Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở TP.HCM sáng 1-3.

Chấm dứt báo cáo láo

Ông Nguyễn Thành Phong nói quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu đã có, nhưng bấy lâu nay xử chưa nghiêm. Nay trong hoàn cảnh TP.HCM đang dồn sức kéo giảm tội phạm thì nếu làm không được, tội phạm không giảm thì lãnh đạo – đầu tiên là chủ tịch quận, huyện – sẽ phải chịu trách nhiệm. “Ở đây có các chủ tịch quận, huyện, tôi nói rõ là nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ, để tội phạm lộng hành kéo dài hoặc dung túng, bao che thì chính tôi sẽ báo cáo rõ với Ban thường vụ Thành uỷ” – ông Phong cương quyết.

Ngay sau đó, thiếu tướng Phan Anh Minh – phó giám đốc Công an TP.HCM – đã cụ thể hóa ý kiến của chủ tịch UBND TP.HCM bằng đề nghị: “Lần này, Công an TP.HCM thống kê phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội theo các tiêu chí về nơi xảy ra, nơi đối tượng vi phạm cư trú hoặc làm việc, sinh hoạt và công bố việc này. Như vậy, lãnh đạo địa phương mà báo cáo láo về tình hình tội phạm trên địa bàn là lòi ra ngay và sẽ có căn cứ để xử lý” – ông Minh nói.

Ông Minh đưa ra một sự thật là nhiều địa bàn đạt danh hiệu văn hóa nhưng công an vẫn phát hiện băng nhóm tội phạm, tụ điểm ma tuý. “Có thể phát biểu của tôi hơi bức xúc nhưng nếu lãnh đạo địa bàn mà báo cáo láo, lừa cấp trên về tình hình an ninh trật tự thì thôi qua chỗ khác làm, để bố trí người khác vào đảm nhận công việc cho môi trường sống yên bình hơn” – ông Minh nói.

Nói tiếp về trách nhiệm của người đứng đầu, ông Nguyễn Thành Phong nêu rõ: “Các đồng chí phải làm sao để bước ra khỏi hội trường này về là quyết tâm làm. Chỉ đạo thì đã có bí thư Thành uỷ chỉ đạo rồi, giờ chỉ còn bắt tay nhau mà làm, để tội phạm không có đất sống”. Ông yêu cầu những đơn vị có trách nhiệm phải xem xét kỹ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. “Tôi đề nghị là nói cụ thể, không nói chung chung, không lý luận nữa” – ông Phong nói.

Đồng ý với thiếu tướng Phan Anh Minh, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các địa phương chấm dứt tình trạng báo cáo đối phó. “Có khó khăn cứ nói thẳng thắn, đề nghị cùng giải quyết. Một TP văn minh, hiện đại thì hành vi phô trương, hình thức là việc làm không văn minh” – ông Phong nói.

Tội phạm không giảm sẽ thay lãnh đạo
Phó giám đốc Công an TP.HCM 
Phan Anh Minh – Ảnh: Q.Đ.

Nếu lãnh đạo địa bàn mà báo cáo láo, lừa cấp trên về tình hình an ninh trật tự thì thôi qua chỗ khác làm, để bố trí người khác vào đảm nhận công việc

Tăng gấp đôi đặc nhiệm hình sự

Báo cáo tại hội nghị, trung tướng Lê Đông Phong – giám đốc Công an TP.HCM – cho biết số vụ phạm pháp hình sự trong năm ngoái đã giảm 5,9%. Tuy nhiên, ông Phong nêu ra tỉ lệ tội phạm về xâm phạm tài sản vẫn còn rất lớn: 84,8%. Các loại án về ma tuý, giết người, gây thương tích có khuynh hướng gia tăng về tính chất manh động, thủ đoạn.

Nói thêm về những con số còn rất băn khoăn này, ông Phan Anh Minh cho rằng: “Chúng ta nói xây dựng một TP có chất lượng sống tốt nhưng tỉ lệ tội phạm xâm hại tài sản còn lớn, mà tài sản đã bị xâm hại là có tới 50% một đi không trở lại. Vậy thì không thể nói là có cuộc sống tốt được”.

Trước kiến nghị của công an nhiều quận, huyện tại hội nghị đề nghị phải tăng cường lực lượng tuần tra và tăng ngân sách để hỗ trợ phương tiện trấn áp tội phạm và đãi ngộ, nhất là với lực lượng không chuyên trách, ông Phan Anh Minh cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng tăng gấp đôi hình sự đặc nhiệm của TP và quận huyện. Nhưng đang có khó khăn vì vướng nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tinh giản, không được tăng thêm biên chế”.

Ông Minh cũng cho biết sẽ cho phép lực lượng đặc nhiệm mở rộng dấu hiệu nhận biết tội phạm và được phép kiểm tra hành chính nếu có nghi vấn. Nhưng phải có quy định rất chặt chẽ, tránh lạm quyền. Ông dẫn chứng vụ án ma túy do Công an Q.1 vừa triệt phá được lãnh đạo TP.HCM khen thưởng cũng từ việc đặc nhiệm quyết liệt đeo bám và phát hiện nghi vấn.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng thời gian qua có nhiều đối tượng nguy hiểm nhưng chưa xử lý được vì chưa gây ra hành vi xâm hại, nhưng hoàn toàn có thể đưa vô diện theo dõi quản lý. Ông đề nghị các quận huyện ủng hộ Công an TP.HCM trong việc thông báo công khai danh tính các đối tượng này về cho chính quyền địa phương. Thậm chí thông báo cho người dân và người cung cấp phương tiện cho đối tượng chuẩn bị gây án.

“Khi ra toà xử hầu như không có vụ nào tịch thu được xe đi cướp giật cả, lý do là người khác đứng tên. Nhưng rõ ràng nhiều vụ trong gia đình biết con mình đi cướp giật nhưng vẫn giao xe. Chúng ta không thể chịu thua như vậy được” – ông Minh nói. Theo ông, khi đã có thông báo về là con em, người có dấu hiệu cướp giật mà sau đó gia đình vẫn giao xe cho con em đi gây án thì đó là cơ sở để kiến nghị toà tịch thu phương tiện. Và làm như vậy cũng góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội.

Tội phạm không giảm sẽ thay lãnh đạo
Chủ tịch UBND TP.HCM 
Nguyễn Thành Phong – Ảnh: Q.Đ.

Tôi nói rõ là nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ, để tội phạm lộng hành kéo dài hoặc dung túng, bao che thì chính tôi sẽ báo cáo rõ với Ban thường vụ Thành uỷ

Yêu cầu 2 phó chủ tịch quận đi họp thay ra về

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo Công an TP.HCM cũng trực tiếp đưa ra những nhắc nhở, chấn chỉnh với lực lượng cán bộ công an và chính quyền khi vào cuộc giảm tội phạm. Ông Phan Anh Minh nói quyết tâm có rồi, bây giờ không thể hô khẩu hiệu nữa và nhất là đưa ra những khẩu hiệu mâu thuẫn nhau.

“Chúng ta hay đổ thừa dân mất cảnh giác. Đổ thừa tới mức là dân mất cảnh giác đi vắng, nhà khoá cửa nên bị trộm đột nhập. Tôi không chấp nhận cách lý giải đó” – ông Minh nói. Ông Minh cho rằng người dân (đặc biệt dân nhập cư) ai cũng phải đi làm để mưu sinh. “Làm sao biểu người ta ở nhà giữ tài sản được. Nói như vậy là phản cảm” – ông nói.

Nhắc nhở lực lượng công an, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý công an tăng cường trấn áp tội phạm nhưng phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Không để bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan sai, đồng thời phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sơ sót trong thực thi công vụ.

Ngay từ đầu cuộc họp, ông Phong đã phê bình một số chủ tịch quận, huyện không có mặt mà cử cấp phó đi thay, đồng thời yêu cầu hai phó chủ tịch quận đi họp thay ra về. Ông nói không hiểu các lãnh đạo quận, huyện đó sắp xếp kiểu gì khi lịch đã gửi từ đầu tuần.

Ông Phong phân tích chủ tịch các quận huyện là người theo dõi Đảng uỷ công an, cử người đi họp thay thì khó nắm được. “Tôi không muốn gây khó khăn gì, mà vì chúng ta đến đây để cùng xác định trách nhiệm với nhau để kéo giảm tội phạm” – ông Phong nói.

Nếu nhà mạng hợp tác sẽ giảm ngay 50% phạm pháp hình sự

Đây là lời hứa, cũng là đề nghị của thiếu tướng Phan Anh Minh tại hội nghị. Ông đề xuất Công an TP.HCM sẽ cung cấp toàn bộ số IMEI các thiết bị điện tử bị đánh cắp cho Sở Thông tin – truyền thông để sở sẽ yêu cầu các nhà mạng không cho phép kích hoạt các thiết bị điện tử có số IMEI đã cung cấp. “Tôi hứa với lãnh đạo TP.HCM là nếu làm được việc này thì số vụ phạm pháp hình sự sẽ giảm 50%” – ông Minh nói.

Ông Minh cho biết tài sản bị xâm hại nhiều nhất là các thiết bị điện tử đắt tiền và không thể chấp nhận việc các nhà mạng “để cho khách hàng này xâm hại khách hàng kia bằng cách sử dụng điện thoại di động, ipad… đã bị đánh cắp”. “Nếu Sở Thông tin – truyền thông đồng ý việc này thì các thiết bị điện tử đó sẽ trở thành… cục gạch. Khi đó nhà mạng nào cho phép kích hoạt các thiết bị điện tử mất cắp đã được thông báo thì công bố về hành vi không lành mạnh để tăng trưởng thuê bao” – ông khẳng định.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ lắng nghe thêm nhiều bên và đưa ra kết luận.

Công an phường, xã tiếp nhận tin tố giác 24/24 giờ

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết khi người dân cần tố giác tội phạm hay trình báo về tình hình an ninh trật tự có thể liên lạc số điện thoại trực ban của công an các phường, xã ở 24 quận, huyện thuộc Công an TP.HCM.

Tại những bộ phận trực ban của công an các phường, xã sẽ có cán bộ trực để tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm 24/24 giờ từ người dân. Đối với những vấn đề nóng về an ninh trật tự, khẩn cấp thì người dân gọi vào số điện thoại 113 để trình báo.

Thượng tá Nguyễn Nhật Thành, phó trưởng Công an Q.1 (TP.HCM), cho biết vừa qua TP đã có chỉ đạo về việc khi người dân đến trình báo về tình hình an ninh trật tự, tố giác tội phạm thì có thể đến bất kỳ công an các phường, xã nào thuận tiện. Và công an phường, xã đó phải tiếp nhận, lập hồ sơ ban đầu vụ việc, sau đó phân loại chuyển đến cơ quan công an địa phương nơi xảy ra án hoặc chuyển cơ quan điều tra thẩm quyền thụ lý. Như vậy sẽ tránh được việc đùn đẩy việc tiếp nhận thông tin trình báo từ người dân.

V.SỰ – Đ.THANH

* Ông TRẦN THẾ THUẬN (chủ tịch UBND Q.1):

Lắp đặt thêm camera

UBND quận sẽ tổ chức lắp đặt thêm camera tại những khu dân cư phức tạp, các địa bàn trọng điểm của bốn phường (hiện đã có tại sáu phường) và thành lập trung tâm xử lý thông tin từ các camera lắp đặt trên toàn địa bàn. Trang bị camera giám sát hành trình của các lực lượng như trinh sát hình sự đặc nhiệm và đội trật tự đô thị. Đặc biệt, ban chỉ huy quân sự mỗi phường sẽ được trang bị một môtô phân khối lớn, camera giám sát hành trình cùng các thiết bị hỗ trợ để lực lượng này phối hợp với công an phường trong công tác phòng chống tội phạm.

D.N.HÀ ghi

VIỄN SỰ – ĐỨC THANH ([email protected])