23/12/2024

Dạy học sinh cách… đánh răng

Sáng 29-2, chương trình “Trải nghiệm lớp học đánh răng” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức, nhà tài trợ: J – Lop+, đã diễn ra tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.5, TP.HCM.

 

Dạy học sinh cách… đánh răng

 

 

Sáng 29-2, chương trình “Trải nghiệm lớp học đánh răng” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức, nhà tài trợ: J – Lop+, đã diễn ra tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.5, TP.HCM.

 

 

 

 

Dạy học sinh cách... đánh răng
GS.TS Masaki Kambara hướng dẫn học sinh Trường tiểu học Trần Khánh Dư, Q.1, TP.HCM học đánh răng sáng 23-2 – Ảnh: Như Hùng

 

 

Đây là hoạt động kết thúc chương trình “Trải nghiệm lớp học đánh răng” (diễn ra từ ngày 22 đến 
29-2) tại năm trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM: Trường tiểu học Trần Khánh Dư, Q.1; Trường tiểu học Lê Văn Tám và Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.5; Trường tiểu học Lương Thế Vinh và Trường tiểu học Hanh Thông, Q.Gò Vấp.

Răng sâu, 
kinh khủng quá!

Tại Trường tiểu học Trần Khánh Dư, khi người dẫn chương trình hỏi các học sinh: “Tại sao chúng ta phải đánh răng?”, rất nhiều cánh tay đã đưa lên: “Dạ thưa thầy, đánh răng để vệ sinh răng miệng ạ!”, “Dạ, để thức ăn không bị bám răng nữa”.

Người dẫn chương trình lại hỏi: “Đánh răng còn để làm gì nữa các con?”, ở dưới lại lao xao những câu trả lời: “Dạ, để cho cái miệng thơm tho”, “Dạ để phòng ngừa 
sâu răng”…

Chứng kiến phần hỏi – đáp nói trên, GS.TS Masaki Kambara – giáo sư danh dự Trường ĐH Osaka (Nhật Bản) – đã thốt lên: “Nghe các học sinh trả lời, tôi nghĩ chắc mình phải đi về thôi, vì các bé giỏi quá!”.

Sau đó vị giáo sư quay lại nói với học sinh: “Đây là hình ảnh các giai đoạn phát triển răng của con người (cả sân trường ồ lên khi những hình ảnh về bộ răng hiện ra). Trong quá trình các con học từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ là giai đoạn chuyển đổi từ răng sữa đến răng vĩnh cửu. Tức là ở độ tuổi tiểu học thì trong miệng các con có cả răng sữa và răng người lớn. Như thế, dĩ nhiên là rất khó trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng”.

Khi vị giáo sư hỏi: “Bây giờ các con cho ông biết, khi trời nóng thì các con uống nước gì?”, phía dưới xôn xao: “Dạ, uống nước ngọt”, “Dạ, uống nước suối”, “Dạ, uống nước cam”…

Tiếp theo đó là đoạn đối thoại thú vị của giáo sư với các học sinh: “Thế các con có biết tại sao răng của chúng ta bị sâu không?”, “Dạ, vì không chịu đánh răng thường xuyên”, “Đúng rồi, răng bị sâu là do chúng ta vệ sinh không đúng cách. Còn một nguyên nhân nữa là do thói quen hay ăn vặt. Chúng ta ăn bánh kẹo, uống các loại thức uống có đường mà sau đó không đánh răng thì cũng sẽ bị sâu răng”.

Sau đó, giáo sư Masaki Kambara vừa nói vừa chỉ vào các hình ảnh: “Đây là hình ảnh một cái răng bị sâu, các con thấy không? Những con vi khuẩn màu đen nó đang chuyển động nhìn rất đáng sợ phải không nào?”.

Nhìn thấy những hình ảnh trên, rất nhiều học sinh đã le lưỡi: “Trời ơi, nhìn thấy ghê quá!”, “Ôi, kinh khủng quá”… Thậm chí một số em còn há miệng ra thật to cho bạn mình xem giùm “có cái răng nào màu đen hay không?”!

Đánh răng 
phải đúng cách

Ở cả năm trường tiểu học, sau những giây phút lắng đọng với lời khuyên của bác sĩ, thì thời gian vui vẻ nhất, hồ hởi và chộn rộn nhất chính là lúc “người bạn thích ăn bánh rán đến từ Nhật Bản” xuất hiện.

Tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh, tất cả học sinh đều hô to “Doraemon”, “Doraemon” khi nhân vật Doraemon cùng hai người bạn của mình là Nobita và Suka xuất hiện trên sân khấu hát cùng với các học sinh.

Ngay sau khi Doraemon rời sân khấu, các học sinh đã tập trung ngay vào nội dung “Làm sao để chống sâu răng?”, vì “thấy con vi khuẩn bò lung tung, em thấy thật dễ sợ” – H.Hải, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lê Đình Chinh, cho biết.

Thế nhưng, khi bác sĩ nha khoa người Nhật Yuki Uchida đặt câu hỏi: “Sau khi ăn cơm, chúng ta không nên ăn quà vặt trong sáu tiếng thì sẽ ít bị sâu răng, các em có làm được không?”, thì dưới sân trường nhiều em học sinh đã trả lời thật thà: “không đâu”, có em trả lời một cách yếu ớt: “chắc là… có”.

Cô bác sĩ cười rất tươi và hướng dẫn: “Sau khi ăn cơm xong hoặc sau khi ăn quà vặt, các em cần đánh răng để loại bỏ những mảng bám trên răng. Cần đánh răng với kem đánh răng có chứa flour và đánh đúng cách như hình ảnh trên màn hình”.

Đánh răng mà cũng khó ghê!

“Có nhiều cách cầm bàn chải đánh răng, nhưng tốt nhất các con nên cầm như cầm viết. Răng của chúng ta có ba mặt cần chải răng là mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong. Khi đánh răng các con cần kết hợp những cách sau: đánh theo chiều thẳng đứng, theo chiều ngang, rung nhiều ở một phần răng nhất định, đánh theo kiểu xoay vòng tròn, xoay bàn chải lên – xuống.

Trong độ tuổi tiểu học, những cái răng vĩnh cửu đầu tiên của các con xuất hiện chính là những cái răng trong cùng. Cần quan tâm nhiều hơn tới nó bằng cách cố gắng đánh đến cái răng trong cùng, mặc dù hơi khó khăn một chút” – GS.TS nha khoa Masaki Kambara hướng dẫn đánh răng cả bằng lời nói và hình ảnh.

Ngay sau đó, Trang Anh – học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.5 – đã chia sẻ: “Không ngờ đánh răng mà cũng khó ghê. Đó giờ con đánh có một kiểu lên – xuống thôi”.

Còn Bảo Nghi, lớp 5/3 Trường tiểu học Trần Khánh Dư, Q.1, thì cười cười: “Bữa nay con mới biết cách đánh răng bài bản như vậy. Trước đây con cứ đánh đại thôi, giờ mới biết đánh răng như thế sẽ không có hiệu quả gì”.

* GS.TS nha khoa Masaki Kambara:

Tạo cho học sinh lối sống để không bị sâu răng

* Chào ông, qua những buổi nói chuyện với học sinh VN, ông có nhận xét gì về tình hình chăm sóc răng miệng của các em?

– Nhìn bên ngoài, tôi thấy răng của các em cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiên, để nhận xét thì phải có dữ liệu cụ thể. Riêng ở Nhật Bản, với trẻ em 3 tuổi thì 80% các em không có cái răng sâu nào. Trẻ 12 tuổi thì trung bình có 1 cái răng sâu.

* Theo ông, người lớn cần làm gì để hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt, tránh bị sâu răng?

– Đó là tạo cho học sinh lối sống để các em không bị sâu răng. Trước hết, khi ăn thì phải nhai thật kỹ. Sau khi ăn cơm xong hoặc ăn, uống đồ ngọt thì phải đánh răng và đánh đúng cách; hạn chế ăn vặt… Muốn như vậy thì người lớn phải có lối sống khoẻ mạnh trước đã, họ cần có thói quen lành mạnh trước đã.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay nhiều bậc cha mẹ cũng rất hiểu biết, có kiến thức đầy đủ về răng miệng. Nhưng họ phải đi làm suốt và gửi con cho ông bà. Ông bà thì thường rất thương cháu, hay mua bánh ngon, đồ ngọt cho cháu ăn uống, trong khi đây là một trong những nguyên nhân gây sâu răng.

Thế nên điều cần thiết là người lớn tập thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách trước đã. Sau đó hướng dẫn và rèn luyện cho trẻ em.

* Ông kỳ vọng gì vào chương trình “Trải nghiệm lớp học đánh răng” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi tổ chức?

– Khi sang VN tôi đã đặt mục tiêu làm thay đổi cách sống, cách sinh hoạt thường ngày của trẻ em VN, góp phần để người lớn quan tâm hơn đến việc chăm sóc răng miệng của con em mình, học sinh mình. Học sinh cần đánh răng từ 2-3 lần/ngày và cần thay đổi bàn chải đánh răng mới thường xuyên (trung bình từ 4-5 bàn chải/năm), giảm ăn vặt, ăn uống đồ ngọt.

HOÀNG HƯƠNG ([email protected])