23/12/2024

Không nên tổ chức phát ấn tại Hoàng thành

GS.NGND Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN – đưa ra quan điểm trên trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về việc vì sao không nên tổ chức lễ khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long.

 

Không nên tổ chức phát ấn tại Hoàng thành

 

 

GS.NGND Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN – đưa ra quan điểm trên trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về việc vì sao không nên tổ chức lễ khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long.

 

 

 

 

Không nên tổ chức phát ấn tại Hoàng thành
So sánh hiện vật được cho là ấn Sắc mệnh chi bảo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long với dấu ấn Sắc mệnh chi bảo – Vĩnh Khánh nhị niên (Lê Đế Duy Phường năm 1730) – Ảnh: V.V.Tuân chụp lại từ tư liệu của Hội Khảo cổ học VN

Chúng ta có thể tái hiện bằng cách nào đó lễ phong ấn và khai ấn như một nghi thức của triều đình, chứ không thể nào biến nó thành lễ hội rồi từ đó in ấn tùy tiện và phát cho mọi người dân được

GS PHAN HUY LÊ
Không nên tổ chức phát ấn tại Hoàng thành

* Xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa, giá trị của hiện vật mới được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long trong đợt khai quật khảo cổ học 2012-2014, hiện được gọi là ấn Sắc mệnh chi bảo?

– Về phương diện khoa học, trước một tư liệu mới, một hiện vật mới thì vấn đề đầu tiên là phải xác minh tính xác thực của nó. Điều này vô cùng quan trọng.

Xung quanh việc phát hiện ấn Sắc mệnh chi bảo, dư luận có một số hoài nghi vì ấn Sắc mệnh chi bảo của hoàng đế, lại được khắc bằng gỗ, quá đơn sơ. Nhưng về phương diện khảo cổ, chúng ta có đủ cơ sở để xác định đây là chiếc ấn thật.

Ấn này được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ học. Ấn nằm trong tầng văn hóa thời nhà Trần cùng với nhiều hiện vật khác có niên đại thời Trần. Về niên đại, hiện vật tìm thấy trong tầng văn hoá Trần nên có niên đại tổng quát là thời Trần.

Vấn đề lớn là vì sao thời Trần thịnh đạt mà ấn Sắc mệnh chi bảo – một trong những ấn quan trọng nhất của hoàng đế – lại khắc bằng gỗ?

Nhưng điều này trong Đại Việt sử ký toàn thư còn hai đoạn ghi lại vào năm Đinh Tỵ 1257 và năm Bính Thìn 1316 nói rõ trong niên hiệu Nguyên Phong (1251-1258) có khắc ấn gỗ và dấu của ấn gỗ còn để lại trên một số tấm thiếp xét duyệt quan lại và hộ khẩu.

Đó là hoàn cảnh đặc biệt, vua Trần Thái Tông phải rời kinh thành chiến đấu chống quân xâm lược Mông Cổ, ấn báu phải cất giấu trong cung, ấn nội mật đem theo cũng bị mất nên nhà vua sai thợ 
khắc ấn gỗ để dùng.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu và giám định hiện vật khảo cổ học này cần được tiếp tục thực hiện sâu sắc và khoa học hơn nữa.

Nếu xác định chắc chắn đây là ấn thời Trần, hơn thế nữa là đời vua Trần Thái Tông, có thể nói đây là hiện vật rất quý giá.

Giá trị của chiếc ấn biểu thị trên nhiều phương diện. Trước hết đây là trường hợp hết sức độc đáo, có thể nói chưa từng thấy trong lịch sử. Một vương triều mới thành lập, vào thời thịnh đạt mà lại phải dùng ấn gỗ.

Hoàn cảnh ra đời và sử dụng ấn gỗ là trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mông Cổ năm 1258. Chiếc ấn gắn liền với chiến công vĩ đại thời chống Mông Nguyên, phản ánh tình thế cực kỳ khốc liệt, khẩn trương của cuộc kháng chiến.

* Vậy vì sao GS không đồng tình với việc tổ chức khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long?

– Hiện có một số người băn khoăn, cũng có một số người tán đồng là có nên tổ chức lễ khai ấn và phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long hay không. Riêng tôi không đồng tình với việc tổ chức phát ấn, khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long như ở đền Trần 
tại Nam Định.

Tôi phản đối không phải vì tôi sợ rằng nếu phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long sẽ dẫn đến sự lộn xộn như ở đền Trần Nam Định, vì sự lộn xộn có thể khắc phục được bằng biện pháp tổ chức tốt.

Vấn đề căn bản là việc khai ấn, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long phải dựa trên cơ sở khoa học, mang ý nghĩa lịch sử ra sao, đó mới là điều quan trọng.

Trong chế độ quân chủ, thường có lễ phong ấn (đóng ấn) khi triều đình nghỉ tết và khai ấn (mở ấn) vào đầu xuân. Lễ phong ấn và khai ấn trong triều đình là nghi thức trong cung đình, chỉ giới hạn trong một số quan chức có trách nhiệm với quy chế rất chặt chẽ, chứ không phải là lễ hội, càng không có chuyện phát ấn cho mọi người.

Lễ khai ấn ở đền Trần xuất phát từ ấn thờ trong các đền Trần mang tên Trần triều tự điển. Cho nên đối với ấn Sắc mệnh chi bảo của hoàng đế phát hiện tại cấm thành Thăng Long thì không thể nào rập khuôn theo kiểu lễ của đền Trần Nam Định, vì nội dung và ý nghĩa hai nơi khác nhau.

Chúng ta có thể tái hiện bằng cách nào đó lễ phong ấn và khai ấn như một nghi thức của triều đình, chứ không thể nào biến nó thành lễ hội rồi từ đó in ấn tuỳ tiện và phát cho mọi người dân được. Phát ấn như vậy làm mất đi những ý nghĩa chính trị thiêng liêng của ấn hoàng đế.

* Vậy theo GS, nên phát huy giá trị hiện vật được cho là ấn Sắc mệnh chi bảo tại Hoàng thành Thăng Long bằng những phương cách nào?

– Chúng ta phát huy nó như thế nào là vấn đề cần phải suy nghĩ kỹ, nhưng trước hết cần phải bảo quản rất tốt. Ấn gỗ phải được bảo quản trong môi trường khoa học rất bảo đảm để bảo tồn lâu dài, không phải chỉ cho đời chúng ta mà còn cho mãi mãi sau này.

Vừa rồi, Hoàng thành Thăng Long phát ấn thử nghiệm mới chỉ là thăm dò, chứ hội đồng khoa học chưa bàn chuyện đó. Tôi muốn khẳng định hoàn toàn chưa có chủ trương phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long.

Bây giờ có xu hướng không hay trong lễ hội là sự đua đòi giữa các địa phương, địa phương này có lễ hội này thì địa phương kia cũng phải có, lấy lễ hội vùng này đem vào vùng khác một cách tùy tiện.

Lễ hội bao giờ cũng có nguồn gốc văn hóa sâu sắc trong cộng đồng cư dân, nên đặt đúng nơi sinh ra nó thì rất có ý nghĩa, còn khi mang ra nơi khác thì đó là sự du nhập, đua đòi không còn giá trị 
và ý nghĩa sâu sắc.

Cho nên Hoàng thành Thăng Long với tư cách là di sản văn hoá quốc gia đặc biệt, di sản văn hoá thế giới mà lại đi rập khuôn theo lễ khai ấn đền Trần tại Nam Định thì thiếu tính nghiên cứu, thiếu chất sáng tạo.

Đây là di sản Hoàng thành, nên phải tìm cách phát huy nó bằng con đường đặc trưng của Hoàng thành, vốn là trung tâm chính trị văn hoá của cả nước.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiệnT