23/01/2025

Đại biểu làm luật, tại sao không?

Quốc hội khóa XIII đang thực hiện tổng kết cuối nhiệm kỳ. Một trong những điểm sáng của nhiệm kỳ này chính là sáng kiến dự án luật của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh.

 

Đại biểu làm luật, tại sao không?

 

 

Quốc hội khóa XIII đang thực hiện tổng kết cuối nhiệm kỳ. Một trong những điểm sáng của nhiệm kỳ này chính là sáng kiến dự án luật của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh.

 

 

 

 

Đại biểu làm luật, tại sao không?
Bà Trần Thị Quốc Khánh – Ảnh: Nam Trần

 

 

“Thật sự ngưỡng mộ” – Chủ nhiệmUỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói như vậy sau khi nghiên cứu tập hồ sơ dày hơn 500 trang về dự án Luật hành chính công được đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (uỷ viên thường trực Uỷ ban Khoa học – công nghệ và môi trường) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 17-2. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Khánh nói:

– Tôi đã ba nhiệm kỳ liên tục làm đại biểu, từng đề xuất Quốc hội xây dựng các luật như Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật hoà giải cơ sở, Luật thủ đô… Các luật trên đã sớm được Quốc hội đưa vào chương trình, giao các cơ quan của Chính phủ soạn thảo. Riêng với dự án Luật hành chính công tôi đề xuất khá lâu rồi nhưng không bộ ngành nào hưởng ứng và nhận soạn thảo. Từ đó, tôi nung nấu ý định phải phác thảo ra để mọi người hình dung được mục đích, nội dung dự án luật.

Thực tế tôi rất tâm tư trước câu hỏi: Tại sao nền hành chính của chúng ta lại chồng chéo, vướng mắc, nhiều vấn đề như vậy? Rõ ràng chúng ta đang thiếu luật điều chỉnh, đặc biệt những nguyên tắc chung của một nền hành chính thì không có một luật nào điều chỉnh cả. Từ suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu công việc từ nghiên cứu các tài liệu khoa học. Qua đó, tôi tìm thấy nhiều sách vở, tài liệu nghiên cứu về hành chính công rất bài bản, khoa học… Tôi bắt đầu nhận ra một điều rằng lâu nay trong công tác lập pháp của chúng ta ít khi bắt đầu từ nghiên cứu khoa học một cách bài bản.

Thông thường để xây dựng một dự án luật, các bộ phải thành lập cả ban soạn thảo, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, tiến hành các hội thảo… và nhất là phải có tiền.

Tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách tiếp cận các tài liệu và chuyên gia nghiên cứu khoa học. Tôi đến Học viện Hành chính quốc gia trình bày với chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này là ông Hoàng Văn Sao. Ông lập tức ủng hộ. Tôi đến Đại học Luật Hà Nội gặp hiệu trưởng trường này để trình bày, ông ấy liền giới thiệu tôi với các giảng viên hàng đầu về luật hành chính. Họ rất nhiệt tình giảng giải, phân tích cho tôi, cung cấp cho tôi nguyên bản tiếng nước ngoài về các đạo luật hành chính công.

Các chuyên gia giúp đỡ tôi mỗi lúc một đông. Cùng thời gian đó, tôi bắt đầu “lôi kéo” sự quan tâm của một số đại biểu Quốc hội. Nhóm nghiên cứu mất rất nhiều thời gian, nhiều ngày nghỉ cuối tuần, nhiều hôm làm việc và thảo luận đến đêm nhưng không ai nhận được đồng thù lao nào.

Ở quốc hội nhiều nước, việc một hoặc một nhóm nghị sĩ trình dự án luật là chuyện bình thường, đằng sau các dự luật ấy thường là sự vận động của một nhóm lợi ích nào đấy trong xã hội, tức họ nhận được sự hậu thuẫn về vật chất và nhân lực. Còn bà bắt đầu công việc bằng sự độc hành, khó khăn đặt ra cho bà là gì?

– Vô cùng khó khăn. Một bộ soạn thảo một dự án luật thì có cả ban bệ, có tiền và đặc biệt có uy thế để làm. Còn tôi thì tự mình phải vạch ra kế hoạch làm việc, tự soạn thảo công văn gửi đi các nơi, tự vạch ra kế hoạch chương trình đi giám sát, tự sao chụp tài liệu… Thật may cho tôi, sau khi tôi thuyết phục thì một số đại biểu Quốc hội tỏ ra quan tâm, họ đồng hành với tôi thực hiện công việc này. Tôi cũng rất cảm ơn các bộ như Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng… thường phản hồi đầy đủ những vấn đề mà chúng tôi cần tìm hiểu, khảo sát.

* Tuy nhận được nhiều sự đồng tình nhưng dự án luật này chưa được chấp thuận đệ trình Quốc hội xem xét thông qua, trong khi nhiệm kỳ khoá XIII sắp kết thúc, bà cũng không tiếp tục tái cử, bà có nản không?

– Tôi không hề nản. Nếu nản ngay từ đầu thì làm gì có một sản phẩm cụ thể này. Tôi không tiếp tục tái cử nhiệm kỳ sau (vì hết tuổi theo quy định) nhưng với một sản phẩm như thế này, tôi tin rằng sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và Quốc hội sẽ đưa vào chương trình.

Đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật

* “Về cơ bản, thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành việc đưa dự án này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 và trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV (tháng 10-2016)”

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật PHAN TRUNG LÝ (trình bày tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-2)

* “Đây là một dự án luật lớn điều chỉnh mối quan hệ, liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Vì nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII sắp kết thúc, tôi đề nghị đưa dự án Luật hành chính công vào chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV”

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng PHÙNG QUANG THANH

Không dễ 
thực hiện quyền trình dự án luật

Sáng kiến lập pháp là quyền của đại biểu Quốc hội. Điều 29 Luật tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, nêu kiến nghị về luật, pháp lệnh. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, pháp lệnh.

Tuy vậy, để một dự luật được chính thức đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội thì hoàn toàn không đơn giản bởi phải trải qua một quy trình, thủ tục khắt khe, quá trình xây dựng dự thảo công phu. Trước hết, sáng kiến luật phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có trình ra Quốc hội hay không. Nếu được trình Quốc hội và Quốc hội biểu quyết đưa vào chương trình xây dựng luật chính thức thì dự luật đó mới bắt đầu quy trình soạn thảo.

Và để soạn thảo một dự luật bắt buộc phải tiến hành đánh giá tác động, tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, tổ chức hội thảo, sau đó dự thảo luật phải được Hội đồng Dân tộc hoặc một uỷ ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem có đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét hay không. Việc xây dựng một dự án luật cũng khá tốn kém, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng đối với những luật thông thường và hàng tỉ đồng nếu đó là những luật, bộ luật đồ sộ. Đến nay, gần 100% dự án luật do Chính phủ trình. Các đại biểu Quốc hội thường chỉ nêu kiến nghị.

L.K.

Đại biểu làm luật, tại sao không?
Ông Huỳnh Ngọc Điền – Ảnh: T.Thắng

Người đầu tiên đề xuất luật ở Quốc hội

Đó là đại biểu Huỳnh Ngọc Điền tại kỳ họp tháng 6-1991, Quốc hội khoá VIII. Ông Điền về hưu cách đây ba năm và sống tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (TP.HCM). Đó là nơi ông từng là chủ nhiệm hợp tác xã rồi trúng cử đại biểu Quốc hội khoá VII, khoá VIII. Ông Điền kể:

– Đó là những năm cuối bao cấp, dù mùa màng thất bát, nông dân vẫn phải chịu mức thuế sử dụng đất nông nghiệp rất cao. 15 năm làm cán bộ rồi chủ nhiệm hai hợp tác xã nông nghiệp hình mẫu của TP.HCM là Quyết Thắng và Nguyễn Thị Rành, tôi nếm đủ chua cay từ những giọt mồ hôi, nước mắt của nông dân là xã viên của mình.

Làm chủ nhiệm hợp tác xã, đến mùa tôi phải đốc thúc cán bộ đi vận động thu thuế, định mức thuế càng lúc càng cao, bất chấp thực tế nông dân thất mùa. Nhưng bất cập hơn là tiền thu thuế nông nghiệp không đủ nuôi bộ máy hành thu. Tôi là dân kỹ thuật, không rành về tài chính. Nhưng thực tế sống với nông dân giúp tôi hiểu rằng đó là những chính sách vô lý. Mình là đại biểu Quốc hội thì không thể không nói thay nông dân, cử tri của mình.

Đầu năm 1990, cơ hội lên tiếng đến với tôi khi Hội đồng Bộ trưởng giao Bộ Tài chính soạn thảo dự án luật sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó tôi đã chuyển công tác về Hội Nông dân VN ở phía Nam và được ông Nguyễn Thành Thơ – phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân VN – cử đến góp ý dự thảo luật này trong hội nghị lấy ý kiến tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên ngay trong lần đầu tiên góp ý dự thảo luật, tôi nhận ra nông dân không có cơ hội được cởi trói chính sách thuế trong dự án luật này. Bản chất vấn đề lúc đó là thuế vẫn cứ thu đều đều trên đất đai của nông dân, bất luận dân có canh tác hay không, sinh lợi hay không sinh lợi cũng đóng thuế. Do đó trong lần góp ý cho dự thảo luật, với sự có mặt của đại diện Uỷ ban Kinh tế ngân sách và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội vào cuối năm 1990, tôi đề nghị nông dân phải có hoa lợi ở một mức nào đó trên mảnh đất của mình mới phải đóng thuế.

Ngay tại buổi góp ý, tôi nói luôn: “Nếu các anh không nghe, chúng tôi sẽ trình dự án luật riêng về thuế hoa lợi trên đất!”. Ban soạn thảo sau đó không nghe những góp ý của tôi. Và tôi đã “giữ lời hứa”, xúc tiến việc soạn thảo hai dự án luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Hoa lợi trên đất để trình Quốc hội. Hai dự luật này nhằm tách bạch việc thu thuế sử dụng đất và hoa lợi trên đất, thay vì dồn một gói trong Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp như quan điểm của Bộ Tài chính lúc đó.

Sáng kiến lập pháp này được tôi gửi đến Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. 15 ngày sau, tôi nhận được phản hồi: “Đồng ý cho đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Điền trình dự án luật”. Ngay sau đó, tôi cùng các thành viên Hội Luật gia, MTTQ suốt mấy tháng ròng soạn thảo ra hai dự án luật. Tháng 5-1991 hai dự thảo luật hoàn thành. Tôi khấp khởi đợi ngày ra Quốc hội để trình dự luật.

Càng gần đến ngày họp Quốc hội, tôi càng nhận được nhiều ý kiến đề nghị nên rút lại việc trình dự án luật. Ngay cả Trung ương Hội Nông dân, nơi tôi công tác, cũng vận động rút. Đến khi một lãnh đạo Quốc hội khoá VIII đến gặp, đề nghị tôi phải rút lại việc trình dự án luật. Vị này không nói với tư cách phó chủ tịch Quốc hội mà với tư cách là lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội. Tôi là đảng viên, không khước từ được đề nghị trong Đảng đoàn và phải chấp hành dù rất tiếc nuối.


VIỄN SỰ

LÊ KIÊN thực hiện ([email protected])